Đất mỏ vào Xuân
HGĐT- Kỹ sư, Quản đốc khu vực khai thác quặng Ăng ti mon cho nhà máy tinh luyện Ăng ti mon Mậu Duệ (Yên Minh), thuộc Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản (CTCPCK&KS) Hà Giang Đào Văn Cảnh cho biết: Đúng ngày mùng 6 tháng Giêng, tức ngày 5.2.2014, toàn bộ công nhân bộ phận khai thác đã bắt tay vào công việc. Khai xuân, lao động lấy lộc, ước điều may trong năm là không khí của đất mỏ trong mùa Xuân này.
Sau những ngày yên lặng của kỳ nghỉ Tết đất mỏ lại rộ tiếng máy. Chỗ san ủi, chỗ đào múc, chỗ xúc chở... dòng xe cùng những người thợ hối hả làm việc quên cả không gian, thời gian. Nơi đây, những vỉa quặng nặng chĩu kia đã lần lượt được bàn tay người thợ đưa lên từ lòng đất. Quặng được sàng lọc phân loại triệt để đưa vào nhà máy tinh luyện Ăng ti mon nằm ngay dưới chân đồi. Để có được một sản phẩm mang thương hiệu A – H đạt tới 99,98% sb bán trên thị trường toàn cầu hiện nay là cả một quá trình đầu tư chất xám của một tập thể những người thợ góp lại. Đi từ thăm dò, khảo sát trữ lượng, lập phương án khai thác, bảo vệ môi trường, đào tạo tay nghề người thợ, giải quyết việc làm, tinh luyện... để được sản phẩm cuối cùng là Ăng ti mon nguyên chất. Đầu xuân, ngay trên đất mỏ, những người thợ phải san ủi hàng ngàn mét khối đất đá để tách đất, nhặt quặng. Kỹ sư Đào Văn Cảnh là một trong những cựu thợ khai thác Ăng ti mon đã gắn với đất mỏ từ những ngày đầu khởi động lập dự án đến nay cho biết: Ngày qua ngày, những người thợ đã lao động không ngừng để tạo ra những tiền bạc, của cải cho chính họ, cho gia đình, xã hội. Theo con số báo cáo của CTCPCK&KS Hà Giang, năm 2013, Công ty đã tạo công ăn, việc làm cho trên 200 lao động, với mức thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 9 triệu đồng/người/tháng. Đóng góp cho ngân sách tỉnh gần 43 tỷ đồng. Đóng góp cho công tác an sinh xã hội, xây dựng Nông thôn mới, xây trường học, chợ, bể nước, tặng bò cho người nghèo... trên địa bàn gần 6 tỷ đồng. Anh Cảnh cho hay, mỗi ngày lao động người thợ mỏ đã khai thác hàng trăm tấn quặng thô phục vụ cho công tác tinh luyện. Đi liền khai thác, Công ty còn rất trú trọng đến việc hoàn thổ sau khai thác và trồng hàng ngàn cây xanh lên khu vực hoàn thổ ngay sau đó để bảo vệ môi trường, chống sạt, lở.Hàng quý, Công ty phối kết hợp với ngành khoa học tổ chức quan trắc đánh giá tác động môi trường, đề ra các giải pháp thiết thực, đầu tư thoả đáng cho công tác chống ô nhiễm, bảo vệ lợi ích cả về phát triển kinh tế, lợi ích về môi trường sống một cách bền vững. Tại phân xưởng tinh luyện, anh Tân, Quản đốc cho biết: Đúng ngày mùng 6.2, toàn bộ anh em công nhân trong các bộ phận tinh luyện đều có mặt đông đủ cùng bắt tay đốt lò, luyện Ăng ti mon. Trong quá trình lao động, anh em công nhân đã có nhiều sáng tạo cải tiến phương pháp tinh luyện, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Quốc tế quy định. Trong đó có cải tiến từ đốt trực tiếp bằng than cốc phải nhập khẩu chuyển sang thiêu đốt bằng nguyên liệu than, các phụ gia có sẵn trong nước. Cải tiến phương pháp vào lò thủ công, sang vào lò bằng phương pháp tự giót để tiết giảm sức lao động và tổn hao nguyên liệu. Mỗi tháng, các công nhân trong phân xưởng tinh luyện cho ra lò từ 55 – 60 tấn sản phẩm A – H đạt chất lượng chuẩn Quốc tế. Tại phân xưởng tinh luyện còn một bộ phận làm công tác hoá nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất thường xuyên. Được đầu tư bài bản, sản xuất, xuất khẩu ổn định đã tạo cho không khí lao động sản xuất của nhà máy, của Công ty luôn luôn sôi nổi. Ngoài tạo việc làm ổn định cho cán bộ, công nhân tại đất mỏ, còn tạo thêm việc làm, thu nhập cho hàng trăm người lao động mùa vụ tại địa phương tham gia vào các công việc khai thác, tận thu, tận dụng quặng rơi vãi. Tất cả công nhân, người thợ, người lao động trên đất mỏ đang nô nức vào Xuân.
Tạm biệt đất mỏ, tôi nghe đâu đó trong không gian bao la trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá, mùa Xuân đang trỗi dậy từ những bàn tay, khối óc sáng tạo của muôn người, đang ngày đem làm cho cuộc sống đổi thay.
Ý kiến bạn đọc