Xuân sớm ở Chí Cà
Xuân Giáp Ngọ - Đường tới xã Chí Cà, huyện Xín Mần ngoằn ngoèo, uốn lượn như sợ chỉ mờ vắt ngang sườn núi. Chúng tôi đến nơi này khi hoàng hôn vừa buông xuống rừng thẳm, để lại cái lạnh làm tê đầu ngón tay và những trận mưa sương rát mặt người. Đội xây dựng, Đoàn KT-QP 314 (Bộ CHQS tỉnh) nằm ở bản Khờ Chá Ván cũng bị sương mù phủ kín.
Đón đoàn từ cổng ra vào, sau cái bắt tay thân mật, Đại úy Dương Thế Hùng, Đội trưởng mời mọi người đến bên bếp lửa hồng. Và bữa cơm tối cũng được bày ra cạnh lò than rực sáng. Nhiều người trong đoàn đặc biệt chú ý tới món đậu phụ béo ngậy có mùi thơm hấp dẫn. Anh Hùng giải thích: “Đậu bà con trong thôn làm bằng đỗ tương vụ mới”. Rồi từ chuyện đậu phụ đến chuyện trồng cây, nuôi gia cầm trong dự án giảm nghèo được cả chủ và khách liên kết, giãi bày rôm rả tới khuya. Đến lúc bếp lửa cần cho thêm củi khô, anh Hùng tế nhị mời mọi người đi ngủ để sớm mai cùng tới các gia đình “mục sở thị” các hoạt động giúp dân.
Đêm vùng cao tĩnh mịch, tôi nằm trên chiếc giường gỗ của Đội xây dựng mong trời mau sáng mà nghe rõ tiếng sương rơi bên hiên nhà lách lách. Khi tiếng chim cu gáy cất cao giọng gọi nhau đi kiếm mồi từ rừng xa vọng lại, anh Hùng bật đèn đánh thức mọi người dậy bắt đầu hành trình đã định.
Điểm đến đầu tiên của đoàn là nhà Trưởng bản Hạ Khải Phong, thôn Bản Phố. Hôm ấy, Đội cơ sở xuống tư vấn cho người dân cách bảo quản đỗ tương và phương pháp phòng dịch cho gia cầm.
Do đã được thông báo từ trước nên nhà ông Phong chật kín người. 53 hộ dân trong thôn đều cử đại diện đến để nghe anh Hùng đội trưởng, anh Thành nhân viên của đội nói chuyện. Anh Hùng lấy một bó đỗ tương nhà ông Phong vừa thu hoạch tãi ra chiếc bạt màu xanh, rồi cầm một cây lên và phân tích cho bà con biết thời kỳ thu hoạch đậu tương phù hợp: Đó là khi hầu hết các lá đã vàng; khoảng 95% số quả trên cây đã chuyển sang màu nâu xám. Nếu thu hoạch sớm, hạt chưa già, chất lượng thấp, tốn công phơi; ngược lại nếu thu muộn một số quả sẽ tách vỏ, hạt rơi rụng làm hư hao, dinh dưỡng trong hạt cũng bị suy giảm. Tiếp đến, anh Hùng hướng dẫn cụ thể cho bà con phương pháp bảo quản đỗ tương truyền thống, đó là: Hạt đỗ sau khi phơi khô khoảng 2-3 giờ sẽ cho vào trong các lu, chum sành đã được rửa sạch, hong khô. Dưới đáy dụng cụ chứa có lót một lớp tro, lá chuối khô hoặc lá xoan. Hằng tháng phải kiểm tra định kỳ, nếu thời tiết tốt mà chưa tiêu thụ thì đem phơi thêm nắng.
Tiếp đó, bà con được anh Thành hướng dẫn rất cụ thể về phương pháp phòng dịch cho gà: Từ cách nhỏ vaccin
Khi bà con đã hiểu không còn ý kiến thắc mắc, đoàn chúng tôi tiếp tục đi tới thôn Hậu Cấu và bản Chí Cà Hạ hướng dẫn người dân cách cày ải cho ruộng lúa sau thu hoạch và phương pháp trồng, chăm sóc cây rau xanh.
Theo anh Hùng, các hoạt động này nằm trong chương trình Dự án thực hiện các mô hình giúp dân của Bộ Quốc phòng như: Giúp dân trồng đậu tương, khoai tây, lạc, nuôi gà xương đen. Để làm tốt việc này, Đội xây dựng đã phối hợp với UBND xã Chí Cà khảo sát nắm tình hình các gia đình khó khăn, lên kế hoạch hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch, bảo quản cất giữ nông sản và tìm đầu ra cho sản phẩm. Hằng tuần, cán bộ, nhân viên Đội xây dựng đều đến với bà con tư vấn cách làm, động viên các hộ dân tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ bám nắm địa bàn, không làm tắt, không làm theo phương pháp canh tác cũ... bởi vậy hiệu quả của công tác giúp dân xóa đói, giảm nghèo của đội rất rõ rệt.
Nói về điều này, ông Hạng Văn Dụng, Chủ tịch UBND xã Chí Cà, khẳng định: “Nhờ công sức của bộ đội mà năm nay cả xã được mùa lớn, có những gia đình đã thu được hơn 400kg gà thịt, 1 tấn đậu tương, nhờ đó tỉ lệ hộ nghèo trong xã giảm mạnh, từ 67% năm 2012 xuống còn 40% đầu năm 2014. Tết nguyên đán năm nay bà con sẽ vui hơn vì trong nhà có nhiều ngô, lúa”.
Bài, ảnh: Mè Quang Thắng
(Báo QĐND)
Ý kiến bạn đọc