Tinh khôi sương sớm Phố Cáo
(Xuân Giáp Ngọ)- Vượt đỉnh Thẩm Mã là chớm vào địa bàn xã Phố Cáo (Đồng Văn). Những mái nhà ẩn hiện sát 2 bên đường trong làn sương sớm như tôn lên vẻ huyền ảo của một vùng biên giới đang bừng lên sức sống mới. Trong gian khó, người dân nơi này cùng chung tay, hợp sức xây dựng quê hương; bảo vệ đường biên, cột mốc; giữ gìn con dốc, mảnh nương, vạt rừng, ngọn núi... để Xuân này, gốc đào, gốc mận mặc sức bung hoa.
Đường về Phố Cáo.
Trên vùng đất có tổng diện tích tự nhiên 3.796 héc - ta, ôm trọn lấy 1.175 nóc nhà, là tổ ấm của 5.555 người dân thuộc 4 dân tộc, trong đó đồng bào Mông chiếm trên 90%. Cả xã có 8 thôn vùng thấp có đất trồng cây lúa nước, 10 thôn vùng cao trên các triền núi đá chỉ trồng được cây ngô. Trong 10 thôn trồng ngô lại có 3 thôn biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc với chiều dài đường biên 2,244 km, tronghơn 2 cây số đó có 5 cột mốc, 3 mốc chính, 2 mốc phụ. Vùng đất này được coi là cửa ngõ của huyện và là cửa ngõ của vùng lõi Công viên địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn.
Đến Phố Cáo trong những ngày đầu Xuân, trao đổi với “nữ tướng” Phạm Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã; Trần Trung Sơn, sỹ quan Biên phòng đồn Phố Bảng được tăng cường về xã giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã thấy rằng, ngoài việc lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội, xoá đói giảm nghèo thì nhiệm vụ quốc phòng – an ninh luôn được cấp uỷ, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Hàng năm xã đã chủ động xây dựng các kế hoạch bảo vệ địa bàn để tổ chức thực hiện. Thường xuyên tổ chức tốt công tác phối hợp với các lực lượng, các ngành, đoàn thể tham gia tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; cảnh giác với các loại tội phạm; tuyên truyền vận động nhân dân không theo, học đạo trái pháp luật, không di dịch cư tự do. Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết về công tác quốc phòng – an ninh như Chỉ thị 39 của UBND tỉnh về việc Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và giữ gìn ANTT xóm bản biên giới; Phương án 2315 của UBND tỉnh Hà Giang về đảm bảo ANTT tuyến biên giới tỉnh Hà Giang... Thường xuyên củng cố đôn đốc hoạt động của Ban chỉ đạo 138 – 130; tổ chức tốt việc tuyên truyền cho nhân dân về kết quả công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Việt
Với việc tổ chức cho toàn thể nhân dân, từng hộ ký cam kết tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng Làng văn hoá, Gia đình văn hoá, tạo mối đoàn kết thống nhất cao trong cộng đồng dân cư, mọi người dân tham gia tố giác tội phạm; mỗi gia đình cam kết không có thành viên mắc các tệ nạn xã hội, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước... năm qua, phong trào bảo vệ ANTQ của xã được triển khai đồng bộ từ xã đến các thôn bản và đến từng hộ dân, do đó, trên tuyến biên giới không có các vụ việc như xâm canh, xâm cư, lấn chiếm, vi phạm chủ quyền của phía đối diện; chủ quyền biên giới, lãnh thổ được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Các vụ việc xảy ra trên địa bàn được phối hợp xử lý, giải quyết kịp thời, quần chúng nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, yên tâm sản xuất, giúp nhau xoá đói giảm nghèo.
Chỉ thị 39 của UBND tỉnh về “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và giữ gìn ANTT xóm bản biên giới” không chỉ có người dân 3 thôn biên giới biết, thực hiện mà cả 15 thôn nội địa cũng được phổ biến, tuyên truyền và trở thành một phong trào có sức lan tỏa rộng khắp trong nhân dân toàn xã. Không chỉ riêng trong năm 2013 mà nhiều năm trước đây, 2.244 m đường biên, 5 cột mốc đã được người dân Phố Cáo coi là máu thịt của mình, như mái nhà, tường đá, mảnh nương. Mọi hành động vi phạm chủ quyền đều có sự góp mặt đấu tranh, bảo vệ quyết liệt của người dân nơi đây.
Ý kiến bạn đọc