Thanh niên phát triển kinh tế, xây dựng cộng đồng

19:57, 08/01/2014

HGĐT- Không chỉ phấn đấu phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp đỡ các hộ khác cùng làm giàu; tích cực tuyên truyền bảo vệ đường biên mốc giới, tổ chức đăng ký kết hôn tập thể... là những mô hình có hiệu quả của thanh niên các huyện, thành phố tham gia xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) thời gian qua.


Với đặc thù của một tỉnh vùng cao có điều kiện kinh tế còn nghèo, địa hình, khí hậu khắc nghiệt gây nhiều cản trở cho phát triển kinh tế. Song với tinh thần “không cam chịu nghèo đói” nhiều thanh niên đã chịu khó trau dồi, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đến với thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình) người dân ở đây đều biết anh Tải Văn Lý, người sở hữu mô hình nuôi ếch cho hiệu quả kinh tế hàng chục triệu đồng mỗi năm. Để phát triển nuôi ếch như hiện nay, anh Lý đã tự đi học hỏi kinh nghiệm ở 6 tỉnh khác nhau. Theo đồng chí Lương Thị Kiệm, Phó Bí thư Huyện đoàn Quang Bình cho biết: “Trên địa bàn huyện có 8 mô hình của thanh niên cho hiệu quả kinh tế trên 60 triệu đồng/năm. Các thanh niên này đều rất nghị lực, tự đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi. Đoàn huyện đã đứng ra làm cầu nối cho thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức chuyển giao các mô hình kinh tế hiệu quả cho các xã”.

 

Một hình thức phát triển kinh tế hiệu quả khác là mô hình hỗ trợ người dân nuôi o­ng, lợn sạch, cá tầm, chế biến chè của Huyện đoàn Hoàng Su Phì; hỗ trợ nuôi dê sinh sản của Huyện đoàn Vị Xuyên;... đã giúp không ít thanh niên và các hộ nghèo biết cách làm giàu. Qua phong trào, nhiều thanh niên mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, đến nay toàn tỉnh có 100 trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh do thanh niên quản lý, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 700 lao động. Lãnh đạo Tỉnh đoàn cho biết, để hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, trong năm qua Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho thanh niên vay vốn với tổng số dư nợ khoảng 350 tỷ đồng. Tham mưu cho tỉnh triển khai các mô hình kinh tế ở các huyện, thành phố; huy động nguồn lực trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xã Lũng Táo, Sà Phìn, Phố Cáo (Đồng Văn) nuôi bò luân chuyển cho 38 hộ gia đình; tập huấn mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác cho 320 đoàn viên, thanh niên; mô hình trồng 6 ha cam tại xã Đông Thành (Bắc Quang); hỗ trợ Đoàn xã Xín Cái (Mèo Vạc) 35 triệu đồng nuôi dê sinh sản. Nhờ đó, nhiều thanh niên đã đưa gia đình thoát nghèo và tiếp tục sáng tạo, phấn đấu để rời xa nghèo đói mãi mãi.

 

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, thanh niên các huyện, thành phố đã tích cực tham gia hoạt động tình nguyện, công tác xã hội. Đến thăm bất kỳ huyện, thành phố nào trên địa bàn tỉnh đều có các công trình của thanh niên XDNTM. Nhờ các phong trào do đoàn tổ chức đã huy động được thanh niên tham gia làm mới, tu sửa trên 30 km đường; 30 hàng rào đá cho đồng bào vùng cao; trồng 215 hàng rào xanh; trồng mới được 100 ha rừng cảnh quan; di dời 1.200 chuồng trại gia súc, gia cầm dưới gầm sàn ra xa nhà...

 

Các cơ sở Đoàn cũng có nhiều sáng kiến hay tham gia xây dựng đời sống văn hoá ở nông thôn, tiêu biểu như việc phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đăng kí kết hôn tập thể. Trước thực tế còn nhiều gia đình ở các huyện vùng sâu, vùng xa không có giấy đăng ký kết hôn hay giấy khai sinh cho trẻ em gây khó khăn cho việc quản lý, cấp thẻ bảo hiểm y tế và thực hiện các chế độ khác của Nhà nước. Nhiều cơ sở Đoàn đã tiến hành vận động người dân đi đăng ký kết hôn, tổ chức các lễ cưới tập thể cho 298 cặp vợ chồng và đăng ký khai sinh cho 313 trẻ em. Hay 16 đội thanh niên tình nguyện bảo vệ đường biên mốc giới ở các huyện biên giới đã phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức tuần tra, tuyền truyền pháp luật 255 buổi cho bà con nắm được pháp luật về biên giới, từ đó đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Bên cạnh đó, mô hình “Đội thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin” tại 7/11 huyện, thành phố đã cảm hoá được 33 thanh niên lầm đường rơi vào các tệ nạn ma tuý trở về hoà nhập với cộng đồng; mang niềm tin đến cho người nghiện và gia đình họ.

 

Còn rất nhiều mô hình của thanh niên trên địa bàn tỉnh tham gia XDNTM nữa. Bên cạnh thành công thì phong trào vẫn còn gặp nhiều khó khăn do có 52% thanh niên ở nông thôn có điều kiện KT-XH thấp kém, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Song với sự nỗ lực của các cấp Đoàn cơ sở đã đem lại niềm tin mới cho thanh niên. Nhờ vậy, phong trào XDNTM có một số hiệu quả ban đầu, từng bước nâng cao đời sống người dân.


LÊ HẢI

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chương trình “Thanh niên nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” ở Hoàng Su Phì
HGĐT - Hoàng Su Phì là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, với hơn 10 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống, dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân trí thấp, một số phong tục, thói quen sinh hoạt không phù hợp chưa được xóa bỏ một cách triệt để, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra khá phổ biến.
08/01/2014
Đường Cầu Mè - Công viên nước Hà Phương 3 năm không mở xong mặt nền
HGĐT - Tuyến đường giao thông chạy từ Cầu Mè đến Công viên nước Hà Phương, tránh qua trung tâm thành phố Hà Giang có chiều dài 4km, tổng mức đầu tư 319 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2010 đến nay vẫn chưa mở xong mặt nền.
08/01/2014
Báo Hà Giang tặng quà chúc Tết xã Sủng Trà
HGĐT- Nhân dịp Tết Giáp Ngọ 2014, ngày 6.1, đồng chí Sùng Mí Chứ, Phó Tổng biên tập Báo Hà Giang cùng đoàn đã đến chúc tết và tặng quà Đảng ủy, HĐND, UBND và 22 hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc.
07/01/2014
Chuyện kể từ “điểm nóng” Nà Nôm
HGĐT- Tin đồn người dân thôn Nà Nôm, xã Đường Âm (Bắc Mê) nhặt được cục vàng to trong lúc đang cày nương bay nhanh hơn cả cơn gió rừng; chẳng biết đâu là thực, là hư nhưng hàng trăm người từ Thái Nguyên, Cao Bằng và các địa phương khác trong tỉnh, huyện đã lũ lượt kéo về để hy vọng đổi đời từ vàng làm cho Nà Nôm trở thành “điểm nóng” vàng tặc trong thời gian vừa qua, gây mất
07/01/2014