Tại: Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang
Cổ phần Đồng Tâm không thực hiện đúng theo cam kết, nhà máy lại dừng hoạt động
HGĐT- Như Báo Hà Giang đã thông tin, Nhà máy xi măng Hà Giang đã dừng sản xuất từ tháng 5/2012 do thiếu vốn, thiếu nguyên vật liệu.
Để khắc phục nhà máy trở lại hoạt động, ông Nguyễn Quốc Lập, Hoàng Trọng Trung đại diện cho cổ đông 35% vốn điều lệ Đoàn Văn An và các thành viên đã đầu tư trên 4 tỷ đồng tiền vốn để khắc phục tiền nợ điện, xây lại Lò nung, sửa chữa bảo dưỡng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, xin cấp giấy phép khai thác nguyên liệu… và đưa nhà máy đi vào sản xuất từ tháng 4/2013. Tuy nhiên việc sản xuất vẫn chỉ dừng lại ở mức độ cầm chừng…
Để đưa nhà máy trở lại hoạt động toàn bộ dây chuyền, trong các ngày 13/11; 22/11 và 30/11/2013 đại diện cổ đông 35% vốn điều lệ Đoàn Văn An là ông Nguyễn Quốc Lập, Hoàng Trọng Trung và các thành viên của Công ty cùng với ông Vũ Duy Chanh và ông Vũ Duy Quân (HĐQT khóa II) đã họp bàn và thống nhất giao cho cổ đông Công ty cổ phần Đồng Tâm (ông Vũ Duy Chanh và ông Vũ Duy Quân đại diện) chịu trách nhiệm đầu tư mua nguyên vật liệu, tài chính để đưa cụm lò vào sản xuất. Tại cuộc họp, ông Vũ Duy Chanh cam kết đầu tư tiền vốn lưu động 1,5 tỷ đồng, 1.000 tấn than và 2.000 tấn Clanhke để đưa nhà máy trở lại sản xuất toàn bộ dây chuyền. Ông Chanh cũng cam kết rõ rằng “Việc bắt tay cùng nhau đưa nhà máy đi vào sản xuất sẽ không làm xáo trộn và thay đổi công tác tổ chức, mọi việc vẫn phải diễn ra bình thường, cổ đông Đồng Tâm cam kết tập trung mọi nguồn lực, vật lực để phục dựng nhà máy…”. Thực hiện cam kết đó, ngày 6.12.2013, nhà máy đã trở lại hoạt động bình thường. Nhưng đến 22.12.2013 lại phải dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu, thiếu vốn.
Theo ông Nguyễn Quốc Lập, Hoàng Trọng Trung, đại diện cho cổ đông 35% vốn điều lệ Đoàn Văn An cho biết: Theo như cam kết của ông Vũ Duy Chanh, cổ phần Đồng Tâm thì đến nay đã không thực hiện đúng như thỏa thuận. Cho đến thời điểm nhà máy dừng hoạt động (22.12.2013) Cổ phần Đồng Tâm mới chỉ chuyển giao cho công ty trên 600 tấn than, Clanhke chưa tập kết được cân nào, vốn lưu động chưa được đầu tư, tiền lương nợ công nhân mới chỉ tạm ứng được vài chục triệu, tạm ứng cho nhà bếp 5 triệu đồng để nấu ăn ca cho công nhân, tiền bảo hiểm chưa được thanh toán… Từ nay đến Tết cổ truyền của dân tộc không biết người lao động sẽ trông chờ vào đâu.
Ý kiến bạn đọc