Sau đào tạo nghề nhiều lao động có việc làm
(Xuân Giáp Ngọ)- Sau đào tạo nghề, nhiều lao động đã tự tạo việc làm thông qua việc đầu tư phát triển chăn nuôi, thành lập các nhóm thợ chuyên thi công các công trình xây dựng, chế biến sản phẩm chè và sản xuất công nghiệp.
Kết quả điều tra của cơ quan chức năng xác định, trên địa bàn tỉnh có khoảng 378 nghìn người trong độ tuổi có khả năng lao động, trên 70 nghìn người có nhu cầu học nghề. Nhằm giải quyết vấn đề trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết XV Đại hội Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2015, định hướng 2020; hàng năm đều có kế hoạch dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn. Đề án ra đời, đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đông đảo người dân, nhất là những người có nhu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định cuộc sống, nên nó đã thực sự phát huy hiệu quả.
Với các cơ chế, chính sách cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đến nay, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã có chuyển biến cả về lượng và chất. Riêng năm 2013, các đơn vị chức năng, cơ sở dạy nghề đã tư vấn việc làm và học nghề cho 3.870 người, 715 người được giới thiệu việc làm; duy trì trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho 2.183 người; tuyển mới đào tạo trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 18.652 người đạt gần 121% kế hoạch. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng nghề 144 người, trung cấp nghề 1.440, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 15.634... Kết quả trên đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 30% năm 2012 lên 32%; trên 70% lao động sau đào tạo có việc làm. Trong năm, cũng đã có gần 16 nghìn lao động được giải quyết việc làm (50 người đi xuất khẩu, 2.105 lao động đi làm việc ở các tỉnh); có 1.035 dự án được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm, với số tiền trên 22 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.537 lao động.
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ cấp tỉnh đã chọn xã Trung Thành (Vị Xuyên) thực hiện thí điểm mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn. Tại đây, Viện Nghiên cứu khoa học Dạy nghề - Tổng cục Dạy nghề đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề Vị Xuyên tổ chức 2 mô hình gồm: Kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp (35 học viên) và trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản chè sau thu hoạch (35 học viên). Kết thúc thời gian đào tạo nghề, học viên đều kiếm được việc làm tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện, tự tạo việc làm với nghề mình được trang bị.
Từ thành công mô hình đào tạo tại Vị Xuyên, các huyện, thành phố đã căn cứ vào quy hoạch phát triển của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhu cầu học nghề của lao động để lựa chọn mô hình dạy nghề phù hợp, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã xây dựng nông thôn mới. Các mô hình thí điểm đã giúp người lao động nông thôn có định hướng đúng đắn về nghề nghiệp, có kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp, tăng mức thu nhập của lao động sau học nghề. Từ đó, giúp học viên có việc làm ổn định, cải thiện đời sống nông thôn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến nay, đã có gần 10 nghìn lao động nông thôn được học nghề theo hợp đồng ký kết giữa Sở LĐ-TBXH với cơ sở dạy nghề, giữa cấp huyện với cơ sở dạy nghề là 1.771 người, trong đó trên 90% là lao động người dân tộc thiểu số, được hỗ trợ tiền ăn 15 nghìn đồng/ngày thực học. Có khoảng 3.500 lao động nông thôn sau học nghề được hỗ trợ vay vốn để tổ chức sản xuất; khoảng 18.500 người thuộc số hộ nghèo tham gia học nghề đã thoát nghèo; 2.200 lao động nông thôn, sau khi học nghề, đã chuyển sang làm các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp.
Nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề ngày càng cao của người lao động, hệ thống trường lớp, cơ sở dạy nghề luôn được tỉnh ta chú trọng đầu tư, xây dựng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 cơ sở dạy nghề, trong đó 1 trường Cao đẳng nghề, 1 trường Trung cấp nghề, 12 trung tâm dạy nghề công lập, 1 trung tâm dạy nghề tư thục và 3 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Các ngành, nghề đang đào tạo đều có chương trình theo khung của các Bộ LĐ-TBXH, NN-PTNT. Căn cứ theo khung chương trình, các cơ sở dạy nghề xây dựng, chỉnh sửa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhận thức của người học. Hiện nay, các cơ sở dạy nghề đang tổ chức đào tạo 4 nghề cao đẳng, 20 nghề trung cấp, hệ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng có 44 nghề. Trong đó, 27 nghề phi nông nghiệp, 17 nghề nông nghiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề không ngừng được bổ sung, hiện có 428 người, tăng gần 1,8 lần so với năm 2010 với 21 người có trình độ chuyên môn thạc sỹ, 203 trình độ đại học, cao đẳng 121 người... Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề còn hợp đồng thêm giáo viên thỉnh giảng là những cán bộ chuyên ngành, các thợ lành nghề tham gia giảng dạy.
Hàng năm, các cơ sở đều hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tuy nhiên công tác dạy nghề cho người lao động cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Đó là, một số cơ sở dạy nghề chưa gắn dạy nghề với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, doanh nghiệp; các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực xây dựng cơ bản, tính ổn định của việc làm không cao... Điều này dẫn tới một số nghề người lao động sau khi học xong chưa tìm được việc làm, chưa chuyển đổi được nghề. Mặt khác, một bộ phận lao động nghèo chưa nỗ lực học tập nên trình độ tay nghề, kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp, trình độ hiểu biết pháp luật... còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn trong công tác giải quyết việc làm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở LĐ-TBXH khẳng định: Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc thực hiện. Thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn, đã góp phần tích cực vào quá trình giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, nhất là đồng bào dân tộc, góp phần XĐGN. Qua đào tạo, nhiều lao động nông thôn được nâng cao trình độ chuyên môn, dễ kiếm việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc tự tạo việc làm bằng cách mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất. Hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong năm qua, đã góp một phần không nhỏ giúp trên 4 nghìn hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn trên 27%.
Ý kiến bạn đọc