Những sự kiện nổi bật của giới trẻ năm 2013
Năm 2013 khép lại, điều gì đọng lại trong bạn? Bình chọn của Ban Thanh niên báo Tiền Phong sẽ giúp bạn đọc trẻ nhìn lại những điều khó quên trong năm qua và chính các bạn là những người làm nên những sự kiện ấy.
1. Tấm lòng người trẻ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Thanh niên trong và ngoài nước đã thể hiện sự kính trọng Đại tướng bằng những giọt nước mắt tiếc thương và hành động thiết thực.
Trên khắp mọi miền Tổ quốc, thanh niên tình nguyện hỗ trợ, giúp đồng bào đến viếng Đại tướng tại nhà riêng, các điểm tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu... bất kể ngày đêm.
Nhiều hình ảnh đẹp diễn ra tự nhiên, hồn nhiên không vụ lợi, làm nhiều người nhớ lại không khí toàn dân tộc chung một lòng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước.
Sau lễ tang Đại tướng, nhiều đợt sinh hoạt chính trị, nhiều phong trào được T.Ư Đoàn phát động, lan tỏa mạnh mẽ trong thanh niên như Diễn đàn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim tuổi trẻ Việt Nam, phát huy tinh thần Chiến dịch Điện Biên Phủ thời kỳ mới, tập trung hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn lực giúp thanh thiếu nhi các tỉnh miền núi phía Bắc trong học tập bằng các cuộc vận động Trường đẹp cho em, Nhà bán trú cho em, Tiếp sức đến trường…
Qua sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, toàn xã hội đã có cái nhìn ấm áp, tin tưởng thanh niên - thế hệ giàu lòng yêu nước, biết ơn những bậc hiền tài cống hiến trọn đời vì dân, vì nước.
2. Hướng về biển đảo
Thanh niên tại lễ khánh thành cột cờ trên đảo Lý Sơn. ảnh: n.h
Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2013 đưa 200 đại biểu trong đó có nhiều đoàn viên thanh niên ra Trường Sa với khát vọng thanh niên vươn ra biển lớn. Đoàn thăm 10 điểm đảo, 2 nhà giàn từ ngày 3/5 đến 13/5.
Đây là dịp giáo dục lòng yêu nước, nâng cao nhận thức chủ quyền biển đảo, đồng thời cổ vũ, động viên những khát vọng đẹp của tuổi trẻ. Phóng viên Tiền Phong tham gia hành trình đã có sáng kiến mang lá cờ Tổ quốc từ đảo Trường Sa chuyển lên biên giới tặng các chiến sỹ Đồn biên phòng A pa chải với mong muốn kết nối hải đảo với biên giới, cả nước chung lòng hướng về biển đảo quê hương.
Cùng hướng về biển đảo, tháng 5/2013 diễn ra Hội trại sinh viên với biển đảo Tổ quốc chủ đề “Tự hào biển đảo Việt Nam” trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), có gần 1.000 sinh viên tham gia. Sau Hội trại sinh viên tự thiết kế, huy động nguồn lực xây cột cờ tại đảo Lý Sơn. Cột cờ khánh thành ngày 16/12/2013 tại đỉnh núi Thới Lới (xã An Hải, huyện Lý Sơn). Lễ chào cờ đầu tiên dưới cột cờ chủ quyền, diễn ra trang trọng, thiêng liêng.
Những hoạt động hướng về biển đảo trong năm qua ghi dấu sự quan tâm đặc biệt của thanh niên, đồng thời nâng cao nhận thức của giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.
3. Thắp nến tri ân
Tối 26/7/2013, tại hàng triệu ngọn nến được đoàn viên thanh niên đồng loạt thắp lên tại các ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sỹ trên toàn quốc. Qua những ngọn nến lung linh trong đêm, triệu triệu trái tim người trẻ, lắng lại, sâu sắc hướng về lớp lớp cha anh đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay.
Chương trình Tuổi trẻ tri ân các anh hùng liệt sỹ (thắp nến tri ân), do T.Ư Đoàn tổ chức thực sự lay động lòng người, thắp lên trong trái tim mỗi người trẻ ý thức trân trọng quá khứ, sống có trách nhiệm xứng đáng với những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước.
4. Đậm nét giao lưu thanh niên quốc tế
Hoạt động quốc tế thanh niên có nhiều dấu ấn, đặc biệt hai hoạt động cuối năm là Liên hoan thanh niên Việt Nam-Trung Quốc lần thứ hai với 3.000 đoàn viên thanh niên tham gia và Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới tại Ecuador với 85 đại biểu tham gia.
Liên hoan thanh niên Việt Nam - Trung Quốc góp phần giáo dục cho thanh niên về tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện Việt- Trung và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết của thanh niên hai nước láng giềng.
Tại Liên hoan Thanh niên, sinh viên Thế giới, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khẳng định vị trí quan trọng của mình trong phong trào thanh niên dân chủ tiến bộ thế giới và để lại nhiều ấn tượng đặc biệt tốt đẹp với bạn bè quốc tế.
5. Sinh viên 5 tốt giai đoạn mới
Đại hội Hội Sinh viên toàn quốc lần thứ IX vừa kết thúc tốt đẹp. Đây là đại hội lắng nghe tiếng nói sinh viên với điểm nhấn là chuyển hướng cuộc vận động Sinh viên 5 tốt thành phong trào Sinh viên 5 tốt (đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, hội nhập tốt và tình nguyện tốt).
Hoạt động của Hội Sinh viên những năm qua có chiều sâu, lan tỏa, tầm ảnh hưởng rộng, góp phần làm phong phú thêm các phong trào hành động, được xã hội ghi nhận.
Nhiệm kỳ mới, Hội đẩy mạnh xây dựng lối sống mới, đạo đức mới trong thanh niên để xây dựng thế hệ sinh viên mới sẵn sàng hội nhập trong đó phong trào Sinh viên 5 tốt tiếp tục phát triển có chiều sâu, mở rộng các hoạt động tình nguyện trên nhiều lĩnh vực.
6. Đổi mới cách tiếp cận thanh niên
Tháng 3/2013, lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X được tuyên truyền bằng một bài hát nhạc Rap tên gọi Khúc hát đồng lòng. Video bài hát này có sự tham gia của 1.000 thanh niên, trong đó có 100 ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng trong nước, tạo ra cơn sốt trong giới trẻ.
Tiếp nối thành công từ sự đổi mới này, ngày 27/12/2013, T.Ư Đoàn lần nữa tạo ra cơn sốt với MV Thanh niên chuẩn trên nền nhạc sôi động, ngôn ngữ trẻ trung, góp phần khơi dậy phong trào thanh niên chuẩn, định hướng giới trẻ biết tôn vinh những giá trị tốt đẹp, phê phán, đẩy lùi những hiện tượng lệch lạc để phát triển thế hệ thanh niên có Tâm trong- Trí sáng- Hoài bão lớn.
Nhờ những cách làm này mà những thông điệp của T.Ư Đoàn đến với thanh niên nhẹ nhàng, gần gũi, sâu sắc hơn.
7. Làn gió mới trong học và thi
Đề thi đại học môn Văn khối D năm 2013 đưa nhận định của Việt kiều Trần Hùng John: Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là người đi theo chứ không phải người tiên phong… và đề nghị thí sinh trao đổi lại với tác giả câu nói này, đã tạo ra bầu không khí mới trong dạy và học môn xã hội. Nhiều chuyên gia giáo dục và học sinh đánh giá cao, hào hứng với cách ra đề mang hơi thở cuộc sống, tạo đất lành cho tư duy độc lập, phản biện, sáng tạo.
Trước đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, câu chuyện Nguyễn Văn Nam (lớp 12T7, trường THPT Đô Lương 1, Nghệ An) hy sinh thân mình cứu 4 em nhỏ khỏi chết đuối cũng đã đi vào đề thi Văn. Chuyện Bà “Tưng” (nhân vật nổi tiếng với các trò nhảm khoe thân, những phát ngôn “không giống ai”…), người mẫu Ngọc Trinh (nổi tiếng nhờ công nghệ PR hình thể, tự phong Nữ hoàng nội y)... cũng được đưa vào một số đề thi để học sinh bày tỏ quan điểm.
8. Tác động mạnh mẽ của thế giới ảo
Năm 2013 đánh dấu sự lên ngôi của những giá trị nhân văn trên mạng xã hội. Mạng xã hội giúp lòng tốt lan tỏa nhanh, rộng và cũng là phương tiện để người tốt kết nối, thiết kế các chương trình, hoạt động vì cộng đồng. Ca sỹ Thái Thuỳ Linh và nhiều người nổi tiếng khác đã dùng Facebook để kêu gọi, vận động, tổ chức những Giáng sinh hồng, Mang âm nhạc đến bệnh viện, mang quần áo, ủng, sách vở đến với trẻ em vùng cao...
Rất nhiều CLB tình nguyện đã liên kết với nhau làm những chương trình lớn giàu sức lan toả như Hành trình đỏ, Hành trình vì một Việt Nam nhân ái, Hướng về miền Trung yêu thương...
Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng mang đến những tác động không như mong muốn. Nhiều người “ăn ngủ cùng facebook”. Một căn bệnh xã hội xuất hiện đó là nghiện facebook. Một số người lợi dụng mạng xã hội để nổi tiếng bằng những trò nhảm, vô bổ, đưa những hình ảnh, video clip câu like bẩn, tạo ra những tác động không tốt đến giới trẻ.
Ý kiến bạn đọc