Ngày Xuân luận chuyện xóa nghèo ở Hoàng Su Phì
Xuân Giáp Ngọ - Các hộ nghèo trong thôn, xã phải trải qua vòng phân loại, xác định nguyên nhân dẫn đến đói, nghèo, từ đó sẽ có giải pháp cụ thể giúp họ thoát nghèo. Đây là cách làm mới, giải quyết được tận gốc rễ cái nghèo ở Hoàng Su Phì.
BÍ THƯ CHI BỘ ĐƯỢC... NGHÈO
Nằm ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh, Hoàng Su Phì có 25 xã, thị trấn với 199 thôn, bản, tổ dân phố, 12 dân tộc anh em sinh sống, dân số trên 62 nghìn người. Với điều kiện đặc thù, khí hậu khắc nghiệt, ít mưa, địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi núi độ dốc lớn, chia cắt mạnh, ruộng nương canh tác hiếm, lại sản xuất một vụ... nên dù bao thế hệ người dân miệt mài cố gắng cấy trồng, Hoàng Su Phì vẫn là một trong những huyện nghèo nhất nước. Thương đồng bào vùng cao quanh năm vất vả, muốn xua đi cái nghèo đã bám rễ, lẩn khuất bao năm trong cuộc sống, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ. Hàng năm, các hộ nghèo được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, từ giống cây trồng, vật nuôi, từ chai dầu thắp sáng, cân muối để ăn và cao hơn nữa là lãi suất vốn vay ngân hàng, con em đến trường học cái chữ cũng được Nhà nước tài trợ.
Khánh thành Nhà đa năng trường PTDT Nội trú huyện.
Cũng từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đã nảy sinh chuyện xin được làm hộ nghèo. Ở mỗi thôn, bản, các gia đình được luân phiên nhau nghèo. Chẳng hạn, ở một thôn có 50 hộ dân, năm nay 25 hộ được nghèo, năm sau đến lượt 25 hộ còn lại, đến năm thứ 3 thì 25 hộ đầu tiên lại có tên trong diện nghèo. Như vậy, ngân sách Nhà nước cứ hỗ trợ, ai cũng được hưởng, nhưng không ai chịu thoát nghèo.
Chính từ những cuộc bình bầu mang tính quần cư, làng xã này, tại một buổi họp thôn với sự tham dự của lãnh đạo huyện, có đồng chí Bí thư chi bộ đã bật khóc khi được người dân trong thôn tín nhiệm bầu vào diện nghèo. Cầm đồng tiền hỗ trợ hộ nghèo mà xấu hổ, nhưng không nhận thì bị cho là không hòa đồng, không tuân theo cái lệ chung, không xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân. Sau buổi họp đó, lãnh đạo huyện nhận thấy, cần có sự quan tâm, sâu sát hơn nữa của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, cơ quan phụ trách xã trong việc lãnh, chỉ đạo phát triển kinh tế, XĐGN.
ĐIỂM SÁNG BẢN NHÙNG
Xã Bản Nhùng nằm cách trung tâm huyện trên 14km, giao thông đi lại khó khăn. Nơi đây, địa hình bị chia cắt mạnh, nhiều suối sâu, độ dốc lớn, thường xảy ra sạt, lở, thiếu nước... đời sống người dân rất khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng của xã chưa hoàn thiện, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán của một bộ phận người dân chậm đổi mới, sản xuất manh mún, hiệu quả kinh tế thấp, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp không ổn định; một bộ phận người dân chưa có ý thức vươn lên, thụ động vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bản Nhùng hiện có 484 hộ, 2.405 khẩu gồm 3 dân tộc, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 364 ha, lại canh tác một vụ nên đến nay tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.
Mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” trong XDNTM đang được người dân tích cực thực hiện.
Năm 2012, Bản Nhùng có 482 hộ, 2.395 khẩu, trong đó có 242 hộ, 1.219 khẩu thuộc diện nghèo. Qua rà soát, điều tra, phân loại tại cơ sở, xã xác định có 9 nguyên nhân dẫn đến nghèo: Do nhận thức người dân chưa thực sự chú trọng phát triển kinh tế, sản xuất chủ yếu một vụ, thu nhập chưa cao; chưa có doanh nghiệp, tư thương đứng ra bao tiêu sản phẩm một cách ổn định, bền vững; chưa có tổ chức, cơ quan hướng dẫn, tư vấn, giúp người dân thực hiện có hiệu quả các loại hình vay vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế; một số hộ có đông người ăn theo, ít lao động chính, thiếu giống, vốn sản xuất, chi tiêu hàng ngày trong gia đình không hợp lý dẫn đến lãng phí; công tác rà soát, bình xét hộ nghèo ở một số thôn chưa khách quan, thiếu trung thực...
Trên cơ sở phân loại nguyên nhân nghèo, xã phân công các đồng chí cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ phụ trách hộ nghèo trực tiếp đến tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thoát nghèo; vận động các đoàn viên, hội viên và nhân dân có điều kiện, giúp đỡ hộ nghèo về giống cây trồng, vật nuôi, sức kéo, đất đai và nhân lực lao động; triển khai thực hiện nghiêm những chủ trương, chính sách XĐGN của Đảng, Nhà nước đến hộ nghèo. Đồng thời, xã cũng giao nhiệm vụ và quy trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ phận như Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phân công thành viên phụ trách hộ nghèo, hàng tháng phải dành thời gian theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo. Trong các đợt sinh hoạt chi bộ, phải đánh giá kết quả triển khai công tác xóa nghèo, đồng thời yêu cầu từng cán bộ, đảng viên báo cáo kết quả giúp đỡ hộ nghèo. Đối với hộ thuộc diện nghèo, phải cam kết phấn đấu thoát nghèo trong 3 năm liên tiếp... Kết quả, năm 2013, công cuộc xóa nghèo trên địa bàn xã có sự chuyển biến thực sự về chất, với 56 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 9%. Đây là minh chứng sinh động, khẳng định hiệu quả của việc phân loại chặt chẽ hộ nghèo từ thôn, bản. Từ việc làm, hành động cụ thể, nên mỗi cán bộ thực sự gắn trách nhiệm hơn, mỗi hộ nghèo cũng tự có ý thức vươn lên thoát nghèo, việc phân loại hộ nghèo trong thôn được xác định công minh, không còn tình trạng nể nang, quay vòng được làm hộ nghèo như nhiều năm trước.
XÓA NGHÈO BỀN VỮNG
Nằm trong nhóm những địa phương nghèo nhất nước, người dân Hoàng Su Phì đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhằm XĐGN. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đã giúp hệ thống hạ tầng cơ sở của huyện ngày càng khang trang hơn, cuộc sống người dân có nhiều đổi mới. Hướng tới mục tiêu xóa nghèo bền vững, trên cơ sở thành công phân loại, giúp đỡ hộ nghèo ở Bản Nhùng, huyện đang xem xét, nhân rộng trên địa bàn các xã còn lại.
Việc phân loại, xác định hộ nghèo sẽ được gom theo các nhóm như hộ nghèo do thiếu lao động, đông người ăn theo; nghèo do không biết cách làm ăn, thiếu việc làm; thiếu đất đai, thiếu sức kéo; rủi ro, ốm đau, bệnh tật kéo dài; nghèo do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức sản xuất hoặc lười lao động... Trên cơ sở phân loại nhóm nghèo, sẽ có các chính sách hỗ trợ đi kèm như: Những hộ nghèo do thiếu lao động sẽ được các đoàn viên, hội viên, nhân dân đến giúp ngày công, giúp giống cây trồng, vật nuôi để mở rộng diện tích, tăng vụ, phát triển chăn nuôi. Còn hộ nghèo do không biết cách làm, thiếu việc làm sẽ được xã phối hợp với các doanh nghiệp thi công công trình trên địa bàn nhận vào làm việc, được hướng dẫn cách làm ăn. Những hộ nghèo do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức được cán bộ khuyến nông, các cá nhân phụ trách tập huấn, hướng dẫn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao. Đặc biệt, những hộ nghèo do lười lao động, lãnh đạo thôn phải tổ chức họp, đưa ra thảo luận, đóng góp ý kiến để họ khắc phục bệnh lười, đồng thời đề nghị dòng họ thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc để họ chí thú làm ăn.
Với cách làm cụ thể này, Hoàng Su Phì đặt mục tiêu, các hộ nằm trong diện nghèo sẽ thoát nghèo bền vững, sau đó họ có trách nhiệm giúp những hộ khác cũng thoát nghèo như mình.
Ý kiến bạn đọc