Giảm nghèo từ những chính sách hợp lòng dân

21:42, 08/01/2014

HGĐT- Trong 7 năm (2005-2012), các chính sách về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 51,05% (đầu năm 2006) xuống còn 15,12% (cuối năm 2010 -theo tiêu chí cũ), đến hết năm 2012 giảm còn 30,13%, tương đương với 48.011 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015). Kết quả có được là nhờ sự linh động, sáng tạo của tỉnh trong việc ban hành các cơ chế, chính sách và những hoạt động thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo thoát nghèo.


Hàng năm, để nắm vững thông tin các hộ nghèo, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc điều tra, rà soát bảo đảm chính xác, công khai, công bằng với sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân. Từ đó, các chính sách, dự án, hoạt động giảm nghèo đã được triển khai kịp thời, đúng, trúng đối tượng. Trong số đó, phải kể đến các giải pháp hỗ trợ người nghèo, lao động nông thôn đã được tỉnh đẩy mạnh như: Dạy nghề, tạo việc làm; chính sách ưu đãi tín dụng; Dự án nhân rộng các mô hình...  

 


Giải quyết việc làm cho lao động tại Công ty CPTMPT Nông lâm nghiệp Bình Minh 3.


Để những chính sách này đến được với bà con trong tỉnh, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân đã rất được quan tâm. Trong việc hỗ trợ tín dụng ưu đãi hộ nghèo, cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất. Từ năm 2005 – 2012, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 150.103 lượt hộ nghèo vay với tống số tiền trên 1.641 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 965 tỷ đồng. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh cũng được chuyển giao, tạo “cần câu” cho các hộ vươn lên thoát nghèo. Riêng trong 5 năm (từ 2008 và 2012), bằng nguồn của chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, tỉnh đã bố trí ngân sách triển khai thực hiện 19 mô hình giảm nghèo ở các địa phương. Từ sự hỗ trợ trên, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con đã tích cực tham gia chuyển đổi phương thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Bên cạnh vốn ngân sách Nhà nước, việc xã hội hoá huy động nguồn lực thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo trong tỉnh cũng được chú trọng. Các Hội, đoàn thể cũng có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực để giúp đỡ đoàn viên, hội viên thoát nghèo như phát triển các mô hình kinh tế; mô hình giúp đỡ nhau làm kinh tế của Hội Phụ nữ, phong trào nông dân sản xuất giỏi của Hội Nông dân... Qua đó, chất lượng công tác giảm nghèo ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm một cách bền vững. Hết năm 2013, toàn tỉnh có thêm 4.032 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 27,03%. Để hỗ trợ hộ nghèo, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo như hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiền điện, tiền học cho học sinh nghèo; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt; Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường; Chương trình 135 giai đoạn II... cũng đã giúp cho hộ nghèo thêm nhiều điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững...

 

Có dịp cùng đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi giám sát thực tế ở thôn Đầu Cầu II, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) về việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo trên địa bàn xã giai đoạn 2005 – 2012, đa số các hộ dân đều đồng tình với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là những nơi khó khăn đã được Nhà nước đầu tư các Chương trình mục tiêu Quốc gia, ai cũng cảm nhận được hiệu quả của các công trình, góp phần tích cực trong việc giảm nghèo bền vững cho người dân. Lãnh đạo UBND xã cho biết: Những năm qua, nhờ được đầu tư các chương trình, dự án, xây dựng hạ tầng cơ sở đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, giảm bớt khó khăn trong đời sống hàng ngày, tổ chức dạy nghề, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế... Đây là một trong những giải pháp “trao cho người nghèo chiếc cần câu” rất hiệu quả. Sau học nghề, những lao động này đã từng bước bỏ tập quán sản xuất manh mún, lạc hậu, xin việc làm tại các hợp tác xã, mở hiệu sửa chữa xe máy, dệt lanh truyền thống... có điều kiện ổn định cuộc sống.

 

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng mừng (bình quân mỗi năm giảm từ 5 – 7%), song thực tế, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ tái nghèo và hộ cận nghèo vẫn còn cao, ngoài lý do khách quan, một bộ phận hộ nghèo có tâm lý trông chờ thụ động vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát triển hết nội lực để phát triển sản xuất để thoát nghèo... Trước thực tế đó, tỉnh đã có những chính sách riêng theo từng vùng như: Tín dụng ưu đãi, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, y tế; dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở; giảm dần các chính sách từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện chống tư tưởng trông chờ ỷ lại, hướng dẫn họ để giảm nghèo bền vững, lâu dài. Đồng thời, có những chính sách ưu tiên, ưu đãi về vốn cho các hộ nghèo; tổ chức các lớp tập huấn, làm các mô hình để chuyển giao khoa học đến các hộ nghèo, mở các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

 

Kết quả giảm nghèo qua từng năm đã ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của người dân. Năm 2013 đã khép lại, đối với người nghèo là một năm luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, sự chia sẻ của cộng đồng xã hội. Một năm đánh dấu những bước tiến mới khi người nghèo với sự hỗ trợ từ các chính sách, sự giúp sức về nhiều mặt từ nhiều tấm lòng nhân ái... đang từng ngày vươn lên để thoát khỏi cái nghèo, cái khó. Phát huy các tiềm năng, lợi thế, tranh thủ và tận dụng tốt các nguồn lực, tạo sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, tin tưởng rằng công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh ta tiếp tục thu được nhiều kết quả, góp phần xây dựng đổi mới và phát triển, nhân dân các dân tộc ngày càng ấm no, hạnh phúc.


TRẦN HIỀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đường Cầu Mè - Công viên nước Hà Phương 3 năm không mở xong mặt nền
HGĐT - Tuyến đường giao thông chạy từ Cầu Mè đến Công viên nước Hà Phương, tránh qua trung tâm thành phố Hà Giang có chiều dài 4km, tổng mức đầu tư 319 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2010 đến nay vẫn chưa mở xong mặt nền.
08/01/2014
Thanh niên phát triển kinh tế, xây dựng cộng đồng
HGĐT- Không chỉ phấn đấu phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp đỡ các hộ khác cùng làm giàu; tích cực tuyên truyền bảo vệ đường biên mốc giới, tổ chức đăng ký kết hôn tập thể... là những mô hình có hiệu quả của thanh niên các huyện, thành phố tham gia xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) thời gian qua.
08/01/2014
Vui, buồn chuyện dịch vụ cho thuê xe máy
HGĐT- Mấy năm trở lại đây, khi Cao nguyên đá Đồng Văn góp mặt trong mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu và xuất hiện nhiều bạn trẻ có sở thích loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm nên Hà Giang trở thành điểm du lịch hấp dẫn với đông đảo du khách gần xa. Từ đây, dịch vụ cho thuê xe máy du lịch trên địa bàn cũng tăng đột biến mà không ai lường hết được những rủi ro đi kèm.
08/01/2014
Người dân Lũng Hồ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nước
HGĐT- Giống như nhiều xã vùng cao trên Cao nguyên đá Đồng Văn, nguồn nước sinh hoạt và sản xuất ở Lũng Hồ (Yên Minh) rất khan hiếm, nhất là vào các tháng mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 3 dương lịch). Trong những năm qua, được sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, xã đã được xây dựng 4 hồ treo chứa nước và một đường dẫn nước sạch từ khe núi xuống khu dân cư. Điều đó đáp ứng phần
08/01/2014