Đi chợ vùng biên thời “mở cửa”

08:33, 19/01/2014

(Xuân Giáp Ngọ)- Từ 4 giờ, những bước chân đã rậm rịch, tiếng còi xe hối hả dồn về trung tâm thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ). Hôm nay là phiên chợ cuối năm, không chỉ bán mua, nơi ấy còn “cái nghĩa, tình” tìm nhau trước mùa Xuân, với những bát rượu nồng hòa tiếng khèn bên góc chợ...


Mỗi người xuống chợ mang theo một sản phẩm quê mình. Những can rượu Thanh Vân thơm lừng mùi ngô mới xếp thành hàng, chờ đợi cái say của tình bạn lâu ngày gặp lại. Già có, trẻ có, đủ các dân tộc, đủ tiếng nói cười, sắc mầu...


Dọc hai bên đường phố huyện là những hàng lâm sản dược liệu, quà “biếu không” của rừng, đã thành sản vật “mát như Đà Lạt, sương dạt như Sa Pa ”: Rễ Ba kích, Giảo cổ lam phơi khô đóng túi ni lông...


Xã Bát Đại Sơn nằm lọt thỏm trên đỉnh tám quả núi to, có loài thông đỏ được ghi trong Sách đỏ Việt Nam . Rồi Nghĩa Thuận, một xã có cửa khẩu tiểu ngạch thông thương với nước bạn Trung Quốc, có phiên chợ đường biên, 2 bên cùng mua - bán. Đến Tùng Vài với những rừng Chè,Thảo quả làm đổi đời người nông dân bao năm qua. Thanh Vân lại có loại rượu “bi-ô-xít” nổi tiếng cả nước, cất từ men lá của đồng bào Mông, uống vào cứ nhẹ như... bông. Xã Lùng Tám “nổi như cồn” bởi nghề dệt thổ cẩm, sản phẩm có mặt ở Hà Nội, Sài Gòn... và nước ngoài.Đêm đêm nằm nghe tiếng khèn Mông của những nghệ nhân trên đỉnh Tả Ván, Cao Mã Pờ... Thế mà lần nào lên đây tôi cũng lạ...


Theo dòng người về chợ, chen chân trong nhiều mầu sắc trang phục mà cảm nhận cái mùi nồng nồng, âm ấm của chàm; mùi cay cay của cây lá đỏ, đăng đắng của dây leo hồng hay còn gọi là dây máu... Những loại cây, loại dây, loại lá đồng bào thường lấy về giã ra, đun lên để thành mầu, thành duyên núi, duyên rừng nhuộm quần, áo, nhuộm khăn...


Tôi cũng được nghe đủ loại âm thanh, như tiếng kêu của ngan, ngỗng, vịt, gà... Rồi cả tiếng “eng éc” của lợn con, “be be” của dê núi... Đi trong ngạt ngào hương thơm của bánh rán, bánh cù, bánh khoai, bánh quấn thừng... Hàng gạo trắng muốt - loại gạo thiếu nước, thừa sương thơm lừng, đặc sản đất núi. Hàng ngô luộc bốc hơi, nóng hôi hổi, hàng ổi chín trái mùa vàng ươm, hàng đu đủ lốm đốm quả dài cả gang tay, làm ta cảm nhận ngon ngọt từ lúc ...chưa ăn. Nhất là những hàng xôi ngũ sắc, hương vị một chợ quê không lẫn vào đâu được...


Bên kia, bên chiếc cầu chợ dài nhất mãi gần cuối chợ Tam Sơn là dãy hàng thịt, cá, rồi rau, củ, quả... giá cả chẳng khác chợ Hà Giang hay trên chợĐồng Văn, Mèo Vạc. Cứ len mình để được tìm về nơi tiếng khèn thẳm sâu vào cõi đá, bên chảo thắng cố ngầy ngậy đang “dùn” cái khói ngon lên góc trời hòa lẫn vào mây, gió... Bát rượu gọi đôi bạn già, một nam, một nữ lồng tay nhau. Cái thìa gỗ còn nóng hôi hổi bén duyên, ngụm rượu ngô nồng cháy. Có lẽ họ đang ôn lại cái thời: “Trời chỉ có sao sớm sao chiều, núi chỉ có hai người...” mà lắc lư theo tiếng khèn... Được ngắm những hàng quần áo đủ loại, từ áo bông, len, áo phao, váy Mông, áo dài Nùng, khăn đen Bố Y... Rồi đứng trước cả đống “Ai-phôn” trong tủ kính, hàng điện tử... Thôi thì đủ sắc mầu, giá cả...


Lần ra được tới dãy hàng bán vật nuôi đã gần trưa. Chợ phiên xưa giờ là “luân phiên chợ”, những đầu mối cho sản phẩm nông, lâm nghiệp thành hàng hóa. Quá 12 giờ, những chiếc xe chở hàng lại ngược lên Tráng Kìm, Nghĩa Thuận. Những quầy kính bán điện thoại, đồng hồ, xoong chảo, nồi nhôm, bếp ga lại xuôi về Quyết Tiến hay ngang vào Thanh Vân, Tùng Vài, ngược tiếp Bát Đại Sơn...


Một lần đi chợ vùng biên thời mở cửa mới thấy hết cái tinh túy trong cách “chuyển mình” vận hành nền kinh tế mới ở quê núi. Chuyển sản phẩm tự cung, tự cấp sang hàng hóa, sang những mô hình đa thu nhập. Điệu nhảy, tiếng khèn, bát rượu, chảo thắng cố tuy không còn nguyên bản, nhưng vẫn giữ được cốt lõi truyền thống. Có lẽ, nó cũng giành lại chút tâm tình, tình cảm cho một “chợ phiên” bằng “phiên bản” một “chợ phiên nối dài” vào sáng ngày mai ở đâu đó. Có thể trong Nghĩa Thuận, trên Tráng Kìm hay mãi Đường Thượng, Na Khê, Bạch Đích... của Yên Minh.


Cái duyên chợ, nỗi niềm chợ, mua bán chợ... từ quả hồng ngâm không hạt, đến cái bánh gù không nhân vẫn mãi là như thế. Ấn tượng và ấm lòng, khi phiên chợ Xuân vùng biên đã nói lên đủ những điều cần nói.


Nguyễn Quang

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sa mộc và tình yêu ... Săm Pun
HGĐT - Trong chuyến đi công tác ở HàGiang, ngoài những điều thú vị được chứng kiến An cònrất ấn tượng với loài cây sa mộc. Loài cây chuyên sống ở vùng có khí hậu lạnh khắc nghiệtđặc biệt được trồng rất nhiều ở cao nguyên đá Đồng Văn HàGiang.
18/01/2014
Mang hạnh phúc đến với đồng bào dân tộc thiểu số
HGĐT - Tại Hội nghị Toàn quốc đánh giá và triển khai chính sách vùng dân tộc, miền núi (tháng 4.2013), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nước ta vẫn thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH, đặc biệt là quan tâm chỉ đạo các chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi...
18/01/2014
Tặng quà tết cho những người nghèo xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần
HGĐT - Ngày 16.1, Nhóm tình nguyện Tuổi trẻ Hà Giang, là các bạn trẻ huyện Bắc Quang đã tổ chức chương trình tình nguyện với chủ đề “Tết ấm xuân vui” tặng quà tết cho các em học sinh và gia đình nghèo tại xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần.
17/01/2014
Hội nghị BCH Tỉnh đoàn lần thứ 6
HGĐT- Sáng 13.1, Tỉnh đoàn tổ chức Hội nghị BCH lần thứ 6, khóa 15 (mở rộng). Dự Hội nghị có đồng chí: Nguyễn Trung Tài, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy; Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh; đại diện 1 số ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các Thành đoàn, Huyện đoàn trực thuộc.
17/01/2014