Trách nhiệm của sinh viên với chủ quyền Tổ quốc

08:28, 31/12/2013

Đã là sinh viên thì phải có hoài bão, khát vọng vươn lên, luôn sáng tạo và cổ vũ cho sự sáng tạo. Mỗi sinh viên tự ý thức, cố gắng học thật giỏi để bảo vệ, dựng xây đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh.


Trách nhiệm của sinh viên với chủ quyền Tổ quốc
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao lưu với các đại biểu sinh viên - Ảnh: Ngọc Thắng

Đó là thông điệp mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong cuộc đối thoại với 650 đại biểu dự Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên (SV) VN lần thứ 9 diễn ra chiều 28.12 tại Hà Nội.

Dành hơn 1 giờ đứng trên diễn đàn, ông Vũ Đức Đam để lại ấn tượng với phong cách trả lời thẳng thắn, cởi mở và luôn chủ động đưa ra câu hỏi để đối thoại với SV.

 

Cũng tại buổi đối thoại, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Hội SV TP.Đà Nẵng, Hội SV TP.HCM, Trung tâm hỗ trợ và phát triển SV VN và Báo Sinh viên VN ghi nhận đóng góp xuất sắc của các đơn vị trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội và phong trào SV VN.

Chia sẻ về thời gian học tập tại nước ngoài, ông Đam kể lại thời còn là SV của ông, điều kiện cuộc sống trong nước rất khó khăn. Ra nước ngoài 3 tháng, ông Đam tăng gần 20 kg nhưng lúc nào cũng tự suy nghĩ liệu bao giờ bố mẹ, người thân mới được sống sung sướng hạnh phúc. Đất nước mình khi nào sẽ giàu mạnh như thế. Những suy nghĩ ấy khiến ông quyết tâm vượt khó trong học tập và trở về VN, dù bạn bè có không ít người ở lại. “Với SV, việc đầu tiên là cố gắng phấn đấu học tập thật tốt. Mình tự hào dân tộc mình anh hùng, người Việt mình cần cù, thông minh nhưng không thể để đất nước nghèo khổ mãi được”, ông Đam nói.

Đại biểu Bạch Kim (Trường ĐH Nha Trang) nêu câu hỏi: “Theo Phó thủ tướng, SV ngày nay nên làm gì và chuẩn bị thế nào để bảo vệ biển, đảo VN?”.

Biểu lộ sự hài lòng khi thấy SV trăn trở, quan tâm vận mệnh quốc gia dân tộc, Phó thủ tướng nói: “Mỗi công dân VN phải biết bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lãnh thổ quốc gia trên cơ sở hiểu biết về luật pháp trong nước và quốc tế trên tinh thần hòa bình, không đe dọa vũ lực hay sử dụng vũ lực. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lãnh thổ đất nước là trách nhiệm chung của công dân VN, trong đó có SV. Dù còn ngồi ghế giảng đường, mỗi SV nên có ý thức và trách nhiệm, trước hết là hiểu rõ và thông suốt chủ trương, quan điểm của Đảng giải quyết vấn đề về biển, đảo và am hiểu luật pháp quốc tế. Khi đã tường tận, mỗi bạn trẻ cần tuyên truyền đến những người xung quanh để có chung nhận thức. Mỗi công dân nếu hiểu biết và ứng xử cho đúng thì quyền lợi quốc gia sẽ được đảm bảo, bảo vệ”. Ông cũng chia sẻ, hiện đã có một cuốn sách tuyển chọn 100 câu hỏi về biển, đảo VN dành riêng cho thanh niên. Cách thiết thực nhất, sau đại hội này, mỗi SV nên tiếp cận ngay để trang bị cho mình kiến thức về lĩnh vực này.

Trách nhiệm của sinh viên với chủ quyền Tổ quốc
Đại biểu sinh viên đặt câu hỏi

Ma Trần Mỹ Hạnh (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội), đại biểu đại diện SV dân tộc thiểu số đã gây ấn tượng với Phó thủ tướng bằng sự chia sẻ chân thành, mộc mạc. Hạnh cho rằng nhà nước đã dành nhiều “cá” bằng những chính sách hỗ trợ học sinh, SV miền núi có điều kiện học tập nhưng với SV tốt nghiệp ra trường đang thiếu “cần câu”, nghĩa là có việc làm ở quê nhà. Hiện tại đã có Dự án 600 phó chủ tịch xã đưa về các huyện nghèo trên cả nước, nhưng theo Hạnh: “Chính phủ có mở thêm những dự án như thế này nhằm hỗ trợ, khuyến khích SV miền núi trở về cống hiến xây dựng quê hương?”.

Ông Đam khẳng định: Dự án 600 phó chủ tịch xã hiện đang ở giai đoạn triển khai nhưng nếu có hiệu quả Chính phủ sẽ không ngần ngại nhân rộng. Mở rộng mô hình này, tạo môi trường tốt nhất cho trí thức trẻ đóng góp công sức của trí thức đưa miền núi, miền xuôi cùng tiến lên phát triển.

Liên quan đến câu hỏi trước thực trạng nhiều SV du học nước ngoài chọn cách ở lại, không trở về làm việc ở quê hương, ông Đam lấy tấm gương Giáo sư Ngô Bảo Châu trao đổi với SV. Theo ông Đam, đất nước VN phải do chính người VN chung tay xây dựng nhưng không nên quá khắt khe chuyện về nước hay ở lại nước ngoài. Ở những ngành VN chưa có điều kiện phát triển, trở về chưa có chỗ sử dụng thì rất lãng phí, nếu ở lại nước ngoài mà phát triển thành đạt và làm giàu, có thu nhập gửi về quê hương, có tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc thì đó cũng là cách góp phần xây dựng đất nước.

Ông Vũ Đức Đam khẳng định Đảng và Chính phủ luôn quan tâm tạo điều kiện học tập và chăm lo đời sống SV.

Phải đặt câu hỏi trước khi nghiên cứu

Trong phiên làm việc ngày 28.12, đại biểu dự đại hội đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề giáo dục đạo đức và lối sống, hỗ trợ nghiên cứu khoa học...

Trách nhiệm của sinh viên với chủ quyền Tổ quốc
Phạm Kiều Hưng kiến nghị nên có phong trào chống lại sự thờ ơ trong sinh viên

Phó chủ tịch Hội SV TP.HCM Phạm Kiều Hưng phát biểu: “Biểu hiện thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận SV là cơ hội để các hành vi tiêu cực len lỏi vào giảng đường. Trong giờ làm bài thi, dù biết bạn mình quay cóp nhưng SV không dám nói thẳng với nhau hay như đi thang máy mạnh ai nấy chen lấn, không ai nhường ai. Ở trường học, SV thờ ơ và không dám lên tiếng thì ra ngoài xã hội cũng ứng xử vậy thôi”. Kiều Hưng cho biết thêm, ở TP.HCM nhiều trường đại học đang có phong trào rèn luyện cho SV thói quen xếp hàng, bước đầu có hiệu quả.

SV chưa mặn mà trong nghiên cứu khoa học, nhiều công trình nghiên cứu không được đầu tư, triển khai để có sản phẩm cụ thể cũng thu hút nhiều ý kiến tranh luận trái chiều từ các đại biểu. Theo Phạm Văn Linh (đại biểu Hội SV TP.HCM), không nên đặt nặng vấn đề ứng dụng vào thực tiễn và nên xem các công trình nghiên cứu ở trường đại học là cách để rèn luyện tư duy, khả năng.

Tuy nhiên đại biểu Lê Minh Ngọc, đại diện cộng đồng du học sinh tại Nhật Bản về dự đại hội, cho rằng có một thực tế là SV chưa có ý thức, đặt mục tiêu nghiên cứu để làm gì nên các công trình dễ xa rời, không có tính ứng dụng rộng rãi vào cuộc sống. Nếu không xác định được mục đích ngay từ đầu sẽ rất lãng phí thời gian, công sức và ảnh hưởng chất lượng sản phẩm nghiên cứu. Theo Ngọc, nếu đã nghiên cứu khoa học, SV cần tự đặt câu hỏi: Nghiên cứu để làm gì? Có như thế mới đi thẳng vào giải quyết vấn đề cụ thể, thiết thực của đời sống.

P.Hậu - M.Hoàng


Thanhnien.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sức vươn tuổi 30
HGĐT - Trong những năm đầu của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, tiểu khu Bắc Mê thuộc huyện Vị Xuyên, được chọn làm hậu cứ an toàn của tỉnh, có nhiệm vụ đón nhận, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sơ tán đến;đồng thời chi viện sức người, sức của cho tuyến trước. Trước những yêu cầu bức thiết của địa phương lúc bấy giờ, ngày 18.11.1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là
30/12/2013
Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông - khởi động năm tình nguyện 2014
HGĐT - Ngày 29.12, Tỉnh đoàn Hà Giang phối hợp với Đoàn thanh niên Công an, Quân Sự, Biên phòng, Đoàn Khối các cơ quan, Khối các doanh nghiệp tỉnh và Thành đoàn thành phố Hà Giang tổ chức Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông – khởi động năm tình nguyện 2014.
30/12/2013
Tai nạn giao thông
HGĐT - Khoảng 15h ngày 29.12, tại km75 đường Hà Nội - Hà Giang xảy ra vụ tai nạn giao thông làm một xe ô tô bị hư hỏng nặng.
30/12/2013
Tiếp sức cho những ước mơ của sinh viên
Hội Sinh viên VN phải là tổ chức khơi dậy niềm đam mê, tiếp sức cho những ước mơ của sinh viên trong học tập, cuộc sống. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ như vậy tại phiên khai mạc Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên VN lần thứ 9, nhiệm kỳ 2013 - 2018, hôm qua.
30/12/2013