Hạnh phúc sau hàng chục năm đấu tranh và chờ đợi hòa bình
HGĐT- Giữa những ngày chuẩn bị đón chào kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh 25.12.1945 - 2013, chúng tôi có dịp đến thăm ông bà Nguyễn Văn Hảo và Mai Thị Tước ở tổ 1, phường Quang Trung (TPHG) để nghe câu chuyện đầy cảm động về cuộc đợi chờ của một gia đình suốt hàng chục năm chiến tranh.
Ông bà Hảo - Tước cùng hồi tưởng bên những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Bà Tước là cán bộ tiền khởi nghĩa, còn ông Hảo là người lính đã trải qua những cuộc kháng chiến khốc liệt nhất của dân tộc trong thế kỷ XX. Cả 2 ông bà đã bước qua tuổi 80, nhưng quá khứ đấu tranh cách mạng vẫn rõ như một qua lời kể đầy tự hào và xúc động của 2 người. Bà Tước sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 5 chị em tại thôn Dung, xã Vô Điếm (Bắc Quang). Năm 16 tuổi, trong khí thế cách mạng ở Tiểu khu Trọng Con, bà tham gia dân quân du kích và cán bộ phụ nữ xã. Bà cùng với các anh chị em du kích và các chiến sỹ cách mạng tích cực tuyên truyền, vận động người dân đứng lên đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và bọn cường hào, ác bá. Bà trở thành 1 trong 3 người phụ nữ ở Tiểu khu Trọng Con sau này được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa (gồm bà Ma Thị Lâm, Nguyễn Thị Tằng và bà Tước).
Từ sự năng nổ, nhiệt tình, bà Tước đã được bồi dưỡng, phát triển. Sau khi tỉnh ta được giải phóng, giữa lúc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1948, bà Tước được cử đi học và được điều động về công tác tại địa bàn Vị Xuyên, phụ trách các xã Tùng Bá, Thuận Hòa và Yên Định. Bà Tước kể lại, ngày ấy cán bộ cách mạng không có lương, đi công tác cùng ăn với bà con thôi. Sau 3 năm hoạt động ở địa bàn Vị Xuyên, bà Tước được điều động xuống nhận nhiệm vụ và là Ủy viên BCH Hội Phụ nữ huyện Bắc Quang, tham gia bán hàng mậu dịch tại huyện.
Kháng chiến thành công, bà kết duyên với ông Nguyễn Văn Hảo, một người lính trở về từ chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Sau những ngày tháng hạnh phúc, cuộc chia ly biền biệt giữa bà và chồng bắt đầu khi đất nước bước vào một cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ông Hảo sau những ngày tháng phục vụ quân ngũ xa nhà, lại tiếp tục lên đường vào Nam chiến đấu và có những thời điểm 6 – 7 năm liên tiếp, hai ông bà không được gặp nhau. Mọi liên lạc chỉ qua những lá thư từ chiến trường. Bà Tước cho biết, chiến tranh khốc liệt, có lúc 7 tháng trời bà và con mới nhận được thư của ông. Ngần ấy năm phục vụ quân ngũ, mỗi lần ông được về phép là một lần hạnh phúc lại đến, 4 người con trai của ông bà cũng được ra đời từ những phút giây hạnh phúc hiếm hoi ấy. Ông Hảo nhớ lại, trong chiến tranh, được về phép không dễ, mỗi lần chỉ được vẻn vẹn... 3 ngày, có lần về phép dài nhất là 15 ngày. Trong những tháng ngày chồng đi chiến đấu, ở hậu phương, bà Tước cùng với mẹ chồng tần tảo nuôi 4 người con. Ý chí của người chiến sỹ cách mạng đã giúp bà không chỉ hoàn thành thiên chức của người mẹ, bà đã phấn đấu không ngừng và làm đến chức Phó Ty Thương nghiệp Hà Giang (Hà Tuyên).
Các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc đã khép lại, đưa 2 ông bà được đoàn viên tại thành phố Hà Giang. Nhớ lại những ngày tháng ông khoác ba lô đi chiến dịch, bà một nách 4 con cống hiến cho ngành Thương nghiệp, hai ông bà vẫn nở những nụ cười vô tư, hiền hậu nói với tôi, tất cả là hơn 20 năm vợ chồng, con cái phải xa nhau vì chiến tranh. Cùng với tổng số hàng chục Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương, huy hiệu, phù hiệu... các loại mà hai ông bà có được thì 4 người con trai, 1 người con gái nuôi của 2 người đã khôn lớn, trưởng thành, đều được công tác phục vụ quân đội và các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trong căn nhà giản dị, bình lặng ở tổ 1, phường Quang Trung, những ngày lễ, tết, 10 đứa cháu và 10 đứa chắt quây quần, tíu tít khiến cho mái ấm của ông bà ắp đầy hạnh phúc. Trong ngôi nhà xuyên 2 thế kỷ, 4 thế hệ đã từng trải qua, ắp đầy những Huân, Huy chương, Bằng khen..., của ông Hảo, bà Tước, trong đó có 2 Huân chương do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong tặng, là sự ghi nhận của Tổ quốc dành cho cuộc đời hoạt động cách mạng của 2 ông bà.
Ý kiến bạn đọc