Hiệu quả của Dự án AAV tại Quản Bạ
HGĐT- Quản Bạ là một trong số các huyện thuộc 20 tỉnh, thành phố được hưởng lợi từ Dự án “Hỗ trợ phát triển” do tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV), tổ chức Phi chính phủ Quốc tế tài trợ triển khai từ năm 2004. Sau 9 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào việc nâng cao nhận thức và năng lực của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, người dân tộc thiểu số.
Ngay từ ngày đầu triển khai, Dự án đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động cụ thể, phù hợp với từng địa phương, tập trung đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực truyền thông cho cộng tác viên dân số; trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em cho đội ngũ y tế dân số; tập huấn cho cán bộ khuyến nông, y tế thôn bản; hỗ trợ vay vốn 1 tỷ đồng cho các CLB phụ nữ để mua con giống phát triển kinh tế; tuyên truyền Luật phòng, chống buôn bán phụ nữ trẻ em; Luật Hôn nhân gia đình... Đặc biệt, năm 2013, hơn 40 học viên là đoàn thanh niên được tập huấn về kỹ năng phát triển kinh tế. Dự án hỗ trợ vay vốn cho người nghèo để có thể tiếp cận với các cơ hội sinh kế đa dạng đã giúp người dân cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Hoạt động của Dự án đã mang lại hiệu quả tích cực về mọi mặt trong cuộc sống của bà con. Qua những lớp tập huấn, chị em phụ nữ đã dần xóa bỏ được những định kiến về giới. Họ đã khẳng định được vai trò và trách nhiệm của mình trong xã hội, đảm bảo các quyền được học hành, chăm sóc sức khỏe, có việc làm ổn định và sinh kế bền vững, tham gia vào chính trị. Nhiều chị đã giữ những chức vụ quan trọng của thôn, xã và thị trấn.
Đánh giá về hiệu quả của dự án, đồng chí Hạng Dương Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Trưởng BQL Dự án AAV huyện cho biết: Những nỗ lực của AAV trong những năm qua không chỉ đem lại sự thay đổi rõ rệt đối với đời sống của người dân mà còn đóng góp nâng cao năng lực cho cộng đồng và đối tác địa phương về mọi mặt. Chương trình của ActionAid đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại Quản Bạ từ 54,03% năm 2010 xuống còn 37,84% tính đến cuối năm 2012.
Trong vòng một năm đã mở được 12 lớp xóa mù chữ cho 250 học viên; duy trì thường xuyên 6 Trung tâm học tập cộng đồng tại 6 xã dự án với 24 câu lạc bộ với 630 hội viên, hỗ trợ mua các đồ dùng hữu ích cho các em học sinh như vở viết, trang phục, đồ dùng sinh hoạt bán trú với trên 3.000 học sinh nghèo; tập huấn các kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích cho học sinh và giáo viên trong trường học bán trú.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Hà cho biết: Các hoạt động của dự án đã tạo cơ hội cho các em được tham gia vui chơi, phát huy năng khiếu, giúp các em yêu trường lớp và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Qua đó góp phần tác động tích cực tới kết quả học tập của các em học sinh toàn trường. Hàng năm nhà trường duy trì số lượng học sinh 100%, tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi chiếm 67%, chất lượng dạy và học được nâng lên.
Chị Ma Thị Say, dân tộc Mông, thôn Cán Hồ, xã Thái An chia sẻ: Trước đây gia đình tôi khó khăn lắm. Hai vợ chồng làm lụng cả ngày ngoài đồng mà vẫn không đủ ăn cho gia đình. Năm 2011, nhờ nguồn hỗ trợ vốn của dự án AAV Quản Bạ, tôi mua 15 con lợn đen. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm tiền bán lợn tôi thu hơn 20 triệu đồng. Chị cho biết thêm: Không chỉ hỗ trợ vốn, các anh ở dự án và cán bộ thú y còn thường xuyên đến nhà giúp phối giống và phòng, chống dịch bệnh. Nhờ 15 con lợn làm vốn ban đầu mà gia đình tôi đã hết khó khăn, cuộc sống được ổn định...
Từ một huyện nghèo, đến nay Quản Bạ đã có nhiều đổi thay, đời sống kinh tế cũng từng bước được cải thiện, nhận thức của người dân cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm. Dự án đang phát huy hiệu quả tích cực, đây được coi là một cơ hội tốt để đồng bào nghèo có thể vươn lên thoát nghèo.
Ý kiến bạn đọc