Gặp người cứu 4 nạn nhân vụ lật thuyền ở Thượng Sơn
Nghe tiếng kêu “Cứu... cứu” thất thanh từ khu vực lòng hồ thủy điện Nậm Am, xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) lúc trời nhá nhem tối, mặc cho một bên chân sưng, đau và trên người không một phương tiện bảo hộ cứu nạn, anh Phàn Văn Lền (nhà ở gần đó) đã kịp thời ứng cứu, giúp 4 nạn nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong vụ lật thuyền thương tâm ngày 12.11 ở xã Thượng Sơn, khiến 3 nạn nhân xấu số tử vong.
Trong tiếng khóc than, mỏi mòn chờ tin tìm kiếm người thân của gia đình các nạn nhân xấu số tại khu vực hồ thủy điện, chúng tôi dễ dàng tìm được anh Lền đang nhiệt tình cùng các đơn vị chức năng tìm kiếm thi thể nạn nhân. Trận lũ quét lịch sử hồi tháng 7 ở Thượng Sơn đã cuốn trôi nhà cửa cùng toàn bộ tài sản, khiến cuộc sống gia đình anh Lền vốn đã nghèo lại thêm khó. Nhưng với tinh thần tương thân tương ái, trong 5 ngày (từ 12-16.11), gia đình anh đã tạo mọi điều kiện để lực lượng tìm kiếm cứu nạn và người thân các nạn nhân trong vụ lật thuyền có chỗ ăn, chỗ nghỉ.
Anh Lền chuẩn bị móc câu (xác), tham gia tìm kiếm các nạn nhân xấu số trong vụ lật thuyền ở lòng hồ thủy điện Nậm Am.
Câu chuyện về “ngày định mệnh” của các nạn nhân được tái hiện một phần qua giọng khàn đặc vì mất tiếng của anh. Tối 12.11, khi đang nghe chương trình Dự báo thời tiết trên Đài Tiếng nói Việt Nam thì bất ngờ anh nghe tiếng kêu cứu thất thanh từ khu vực hồ thủy điện, nơi chỉ có duy nhất gia đình anh sinh sống. Anh Lền cầm vội chiếc đèn pin băng qua con đường mòn, dốc đá đầy khó khăn để ứng cứu người bị nạn. Khi xuống đến khu vực hồ, trong ánh sáng chiều gần tắt, anh chỉ kịp nhìn thấy những chiếc đầu nhấp nhô nơi mặt nước và những đôi tay cố vẫy vùng... Dù phải sử dụng thanh củi thay cho mái chèo, nhưng anh Lền đã dùng hết sức để nhanh chóng chèo mảng ra giữa hồ ứng cứu. Nhiều người quá mệt vì vẫy vùng nơi hồ sâu cùng những túi đồ nặng trên người đang dần chìm xuống hồ thì được anh Lền đưa tay kéo lên mảng. Rồi bất ngờ, chủ thuyền là ông Đặng Văn Biện hoảng hốt: “Vẫn còn 3 người nữa” ... Lúc này, do trời đã tối, ánh sáng từ chiếc đèn pin không còn soi thấy một ai khiến anh Lền không khỏi xót xa.
Chị Thìn được anh Lền cứu sống, thoát khỏi tử thần trong gang tấc, đang dần hồi phục sức khỏe.
Trong số những người được anh Lền ứng cứu, anh không sao quên được giây phút cứu sống chị Lý Thị Thìn (thôn Nặm Am): “Nếu chỉ chậm 3 giây nữa thôi, có thể cánh tay tôi đã không kịp với lấy tay của Thìn. Khi ấy, trời đã tối, Thìn bắt đầu chìm xuống nước. Tôi phải cúi gập người xuống mảng, đưa trọn cánh tay của mình sâu xuống nước mới may mắn nắm được tay của Thìn kể kéo lên mảng. Nhưng Thìn đã bất tỉnh”. Không nề hà, anh Lền nhanh chóng hô hấp nhân tạo để ngăn không cho nhịp tim chị Thìn ngừng đập. Sau 30 phút nỗ lực ấy, chị Thìn tỉnh lại trong những giọt nước mắt nghẹn ngào của anh Lền...
Đã 5 ngày trôi qua, kể từ khi xảy ra vụ lật thuyền, chị Thìn vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại ngày định mệnh: “Do địa hình thôn Nặm Am bị chia cắt bởi lòng hồ thủy điện nên chị em chúng tôi đi hái lá giang đã cùng ở lại lán trong rừng nhiều ngày để tiện cho việc đi lại và lao động. Đến ngày đi làm thứ 3 (tức ngày 12.11), sau khi bán xong lá giang, chị em chúng tôi rủ nhau về thăm gia đình. Có chị nói nhớ chồng, nhớ con nên muốn về. Có chị thì nói vừa bán được 500.000 đồng tiền lá giang, sẽ bớt lại một ít để mua áo ấm cho con... Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi hái lá giang qua bên kia lòng hồ và cũng là lần đầu tiên đi thuyền. Nhưng thật không may... đây lại là lần cuối cùng chị em chúng tôi gặp nhau”. Anh Lền nghẹn ngào: “Những năm tháng tham gia nghĩa vụ Quân sự, được học cách hô hấp nhân tạo nên tôi cứu được Thìn. Nhưng...”. Câu nói bỏ dở cùng đôi mắt hoe đỏ trực trào nước mắt, buông ánh nhìn vô vọng xuống lòng hồ sâu, tôi biết anh Lền xót xa. Bởi nơi đáy hồ kia, đã chôn vùi bao ước mơ giản dị còn dang dở của những nạn nhân xấu số. Trong số những nạn nhân ấy, họ còn có con nhỏ từ 4 đến 9 tuổi vẫn cần bàn tay mẹ nâng niu, chăm sóc...
Chúng tôi rời hồ thủy điện Nậm Am khi thi thể cuối cùng trong vụ lật thuyền được đưa về nhà mai táng... Anh Lền không quên dặn tôi: “Cô đừng nói cho nhiều người biết về tôi nhé. Cứu người là việc nên làm thôi”. Dù anh Lền không muốn nói về việc nghĩa của mình nhưng sâu thẳm nơi trái tim, chúng tôi hiểu: Anh là người đã giữ lại hạnh phúc vẹn nguyên cho gia đình các nạn nhân được anh cứu sống. Để những đứa con thơ vừa bước qua sinh nhật 1 tuổi như gia đình chị Thìn được sống trong tình yêu thương, chăm sóc của mẹ...
Ý kiến bạn đọc