Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững
HGĐT- Chủ đề của Năm Gia đình Việt Nam năm nay là “kết nối yêu thương, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình, cộng đồng và đặc biệt là của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”.
“Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20.10), xin được nhắc đến khẩu hiệu “Gia đình là tế bào của xã hội”, nền tảng gia đình bền vững thì xã hội mới lành mạnh. Chính vì lẽ đó mà năm nay, Hội Phụ nữ tỉnh đã đẩy mạnh Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” nhằm tập trung vào giải quyết các vấn đề bức xúc trong gia đình hiện nay. Trong đó, thực hiện 8 tiêu chí cụ thể là “5 không”: Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; “3 sạch” gồm: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc còn gắn liền với việc thực hiện thi đua “Chung sức xây dựng Nông thôn mới”. Trước thực trạng về mức sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh trong năm ngoái tăng cao; tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết vẫn tồn tại; tình hình trẻ em vi phạm pháp luật đang tăng thì việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững theo các tiêu chí trên là việc làm cần thiết để ổn định đời sống gia đình và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Cán bộ Hội Phụ nữ kiểm tra bể nước của gia đình hội viên trong chương trình hành động.
Để chị em hiểu rõ các tiêu chí, Chi hội phụ nữ các cấp đã thường xuyên tuyên truyền cho hội viên về mục đích, ý nghĩa của chương trình nhờ đó phong trào lan tỏa rộng rãi ở các cấp Hội. Với quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu “chương trình hành động” được triển khai, theo đó mỗi hội viên tự viết những việc cần làm trong gia đình như: Phải phân loại rác, xây bể nước, vệ sinh ngõ xóm... Đến kỳ hạn, Hội phụ nữ sẽ đến kiểm tra những việc gia đình đã hứa thực hiện. Phương pháp này giúp thúc đẩy các hộ làm tốt những phần việc của mình để có một ngôi nhà sạch sẽ, khang trang. Do hầu hết hội viên phụ nữ đều đồng tìnhủng hộ tham gia phong trào nên đến nay đã có 1.792 ngôi nhà được gắn biển “nhà sạch, vườn đẹp”.
Bên cạnh đó, chị em còn tích cực tham gia vào phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường để xây dựng gia đình no ấm. 243 mô hình phát triển kinh tế đang được phụ nữ trong tỉnh thực hiện như: Trồng cỏ chăn nuôi bò ở Mèo Vạc; dệt lanh thổ cẩm ở Quản Bạ; may trang phục truyền thống; chăn nuôi lợn, gà, trồng rau sạch... Không chỉ tự mình phát triển kinh tế, phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của Hội, các chị em còn thường xuyên giúp đỡ những hội viên nghèo phát triển kinh tế bằng ngày công lao động, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất... Thông qua tổ chức Hội, sự giúp đỡ đã trở thành động lực cho các gia đình nghèo có phụ nữ là trụ cột kinh tế vượt qua khó khăn.
Phát huy hiệu quả các phong trào Hội
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình thì Hội Phụ nữ tỉnh còn tuyên truyền cho hội viên về đạo đức, phẩm chất của người phụ nữ trong thời kỳ mới là “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”. Trang bị kiến thức cho các bà mẹ trẻ về nuôi con khoẻ, dạy con ngoan qua Chương trình “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” được triển khai ở nhiều nơi trong đó có các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Bắc Mê, Xín Mần cùng với việc duy trì hoạt động của 76 Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, 114 CLB “Không sinh con thứ 3”; 39 CLB “Trách nhiệm và chia sẻ”... Tại các CLB này, những thắc mắc, khó khăn của chị em được tháo gỡ. Đồng thời, tổ chức Hội cũng tuyên truyền cho hội viên có thêm hiểu biết về dân số, KHHGĐ, sức khỏe sinh sản, phòng, chống HIV/AIDS; các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và hôn nhân gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội... để phụ nữ có đầy đủ những kiến thức, phẩm chất góp phần vun đắp, gìn giữ một gia đình đầm ấm. Đặc biệt, dịch vụ gia đình của Hội được triển khai ở nhiều nơi với các việc: tổ chức đưa, đón trẻ; trông trẻ theo nhu cầu của các hội viên; dịch vụ toàn diện về phòng, chống bệnh lây truyền từ mẹ sang con đối với những phụ nữ dễ bị tổn thương... đã trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của nhiều chị em.
Nhờ các phong trào, hoạt động hiệu quả của Hội Phụ nữ tỉnh đã giúp hội viên có các kiến thức, kỹ năng xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững.
Ý kiến bạn đọc