“Góc nhỏ” nơi bến thuyền Yên Phú

08:16, 31/10/2013

HGĐT- Ngày mùa thu, mọi thứ cứ diễn ra yên ả, lặng lẽ..., chiếc lá vàng rơi xuống cũng nhẹ nhàng như sợ phá đi cái “tĩnh” của mùa “vàng”, mùa của những nhớ nhung đầy vơi. Xa Xa, nơi góc nhỏ của bến thuyền Yên Phú (Bắc Mê), có những con người vẫn đang ngày đêm lênh đênh trên thuyền...



                                       Đánh bắt tôm cá buổi sớm.

Chiều muộn, trời có chút se lạnh... cái lạnh “chào đông” tạo cho người ta cảm giác nhớ nhung... Ở đó, có nỗi nhớ quê hương của những người con xa quê. Nép cạnh bên “bến thuyền” Yên Phú, là một vài “nhà thuyền” của một số hộ dân ngoại tỉnh đến kiếm sống, họ gắn bó với Bắc Mê đã nhiều năm nay và coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Cuộc sống của họ trên những “nhà thuyền” cứ bình dị như sắc thu sang: Không ồn ào cũng chẳng phô trương, tấp nập.

 

Dạo quanh nơi bến thuyền, tình cờ tôi bắt gặp người phụ nữ ngoài 50 tuổi với mái tóc đen dài, có điểm vài sợi bạc đang ngồi trên thuyền và hướng ánh mắt của mình vào không gian một cách vô định. Thấy người lạ, người phụ nữ đứng dậy hỏi han và mời tôi vào nhà nhưng có chút gì đó ái ngại. Chiếc thuyền chao nghiêng nhẹ khi chúng tôi bước lên... Cô Hiên, mời tôi ngồi cạnh cửa sổ bên góc thuyền uống nước, rồi tiến ra phía cuối thuyền “chất bếp”, lửa nhen nhóm rồi lại bùng lên cứ thế ôm chọn cái ấm đen sì... Ngồi trong cái gọi là “nhà thuyền” ấy, nó mang lại cho người ta sự “lặng” khó tả, cảm giác thư thái tràn ngập như mặt nước nơi lòng hồ lúc này. Thỉnh thoảng, chiếc thuyền lại lắc lư, nước táp cả lên mạn thuyền kêu “tam táp”. Bên mé thuyền, có đám bong bóng nổi lên, “bọn” cá con lượn lờ thành từng đoàn ngay dưới mặt nước kiếm ăn...

 

Trời cũng bắt đầu chạng vạng tối, những đàn cò nối đuôi nhau bay về phía rặng tre nơi bên kia mặt hồ. Đằng xa, có mấy con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên mặt nước hướng mũi về phía bến thuyền... Thuyền “cập bến”, nước xô, một lần nữa con thuyền lại lắc lư... người đàn ông với nước da ngăm đen từ chiếc thuyền đánh cá nhỏ bước lên “nhà thuyền” chào tôi với nụ cười thân thiện... Chỉ có bao nhiêu đó thôi, cũng đủ để chúng tôi trải lòng với nhau về cuộc sống nơi “đất khách quê người”.

 

Vào khoảng năm 2000, trong thời gian huyện Bắc Mê đang khuyến khích dân cư về sinh sống trên địa bàn huyện để làm ăn kinh tế... Nghe bạn bè nói, gia đình chú Nguyên quyết định rời Vĩnh Lợi (Sơn Dương – Tuyên Quang) để đến nơi xứ người trong nỗi niềm khó tả. Vì “miếng cơm manh áo” hai vợ chồng cô chú đã dắt theo đàn con thơ đến vùng đất xa lạ - Bắc Mê.

 

Những ngày đầu của “cuộc sống mới”, gia đình chú Nguyên được chính quyền huyện cho mượn đất (khu vực bến thuyền bây giờ) dựng nhà. Mọi thứ ban đầu thật chật vật, khó khăn, nhưng nhìn “đàn con”, cô chú lại cố gắng chạy vạy, làm hết việc này đến việc khác: Từ chăn lợn, nuôi gà rồi lại đi “làm cá”… cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua. Đến năm 2008, công tác xây dựng bến thuyền Yên Phú được triển khai, huyện chỉ đạo thu hồi và hỗ trợ để giải tỏa phần đất các hộ gia đình trước đó đã mượn nhằm xây dựng bến thuyền, gia đình chú Nguyên được vận động di dời tới vùng đất khác... Nhưng do nhiều năm sống gần mặt hồ, mọi nguồn thu chính cũng từ con tôm, con cá... nếu di rời đi nơi khác gia đình cũng không biết lấy đất đâu để canh tác, làm ăn. Lần này, gia đình chú quyết định gắn bó với sông nước lâu dài. Tận dụng chiếc thuyền đánh cá trước đó, cô chú cùng các con của mình sửa sang, cơi nới để chiếc thuyền thành một “ngôi nhà” nhỏ cho cả gia đình. Từ đó trở đi, mọi người cùng sinh hoạt trên “nhà thuyền” ấy, họ cùng nhau làm, cùng nhau ăn và nuôi dạy các con nên người... Tính đến bây giờ cũng đã được hơn 13 năm họ “sống bám” nhờ nơi mặt hồ.

 

Chú Nguyên chia sẻ: “Được sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tạo điều kiện cho việc chăn nuôi và đánh bắt thủy sản nơi lòng hồ, nên cuộc sống của gia đình cũng đủ ăn, đủ mặc và điều hạnh phúc nhất của chúng tôi là con cái ngoan ngoãn, trưởng thành...”. Hiện gia đình cô chú có hai người con đang sống ở Hà Nội. Anh cả học xong chuyên nghiệp và đã đi làm, còn cô em út thì đang theo học tại 1 trường cao đẳng sư phạm; Riêng anh thứ hai thì lại ở nhà đỡ đần bố mẹ lúc đi “làm cá”, khi ốm đau, bệnh tật...

 

Cứ vào mỗi buổi sớm khi mặt trời còn chưa “thức giấc”, những đám “mây sương” vẫn còn đang vắt ngang qua những hàng cây, dãy núi, thì gia đình cô chú lại bắt đầu “ra khơi”... Người lái thuyền, kẻ quăng lưới thoăn thoắt, cứ thế cũng đã hết buổi sáng. Đến trưa, những mẻ cá, mẻ tôm cũng được kéo lên... niềm vui khi tôm cá đánh, cất được nhiều, cứ hôm nào tôm cá đầy khe là hôm đó gia đình lại vui như “được mùa”.

 

Chú Thân, Bí thư Chi bộ Tổ 1, thị trấn Yên Phú cho biết: “Hiện tại, trong tổ có 2 hộ gia đình sống cạnh bến thuyền Yên Phú, tuy sống trên sông nước nhưng các hộ vẫn sinh hoạt văn hóa thường xuyên. Cuộc sống của họ trông chờ cả vào nguồn lợi thủy sản tại bến thuyền, nên cũng nhận được những quan tâm nhất định từ chính quyền địa phương...”

 

Để thuận lợi cho việc đánh bắt cá, năm ngoái (năm 2012), gia đình cô chú Nguyên đã lấy số tiền tích góp và đóng được một chiếc thuyền cá gần 20 triệu đồng. Ngoài việc dùng thuyền để đánh bắt cá, gia đình chú Nguyên còn nhận chở khách du lịch có nhu cầu ngắm cảnh sông nước, quanh khu vực thị trấn và Thượng Tân để tăng nguồn thu nhập. Ngoài ra, gia đình chú còn nuôi hơn 200 con cá Chiên ở hai lồng cá cạnh “nhà thuyền” do huyện hỗ trợ (6triệu/1 lồng)... Trừ chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học, mỗi năm gia đình cô chú cũng để ra được hơn 40 triệu đồng. Cuộc sống không khá giả nhưng cũng gọi là “đủ ăn, đủ mặc” nơi bến thuyền xa quê.

 

Ánh trăng soi xuống lấp lánh mặt hồ, làm sáng cả một vùng nước mênh mông, thỉnh thoảng lại có những cơn gió nhẹ làm thuyền khẽ động. Trên “nhà thuyền”, cả gia đình chú Nguyên quây quần bên mâm cơm toàn “cây nhà, lá vườn”, tiếng cười nói làm rôm rả cả một “vùng sông nước”. Cuộc sống “gạo chợ nước sông” của những kiếp người nhỏ bé là vậy, nhưng niềm tin vào “ngày mai tươi sáng” với họ chẳng bao giờ “nguôi ngoai”.


Vũ Khuyên

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gian nan giữ rừng Đường Thượng
HGĐT- Sau một ngày gồng mình với chiếc xe máy cùng những khúc cua tay áo đá hộc lởm chởm, dốc dựng đứng, chúng tôi cũng vào đến rừng của xã Đường Thượng (Yên Minh). Trước mắt là những cây nghiến sống trên đá hàng trăm năm tuổi bị chặt phá ngổn ngang. Một số gốc cây vẫn còn thơm mùi gỗ. Cảnh chặt, phá rừng ở đây vẫn... diễn ra thường xuyên, rất cần ngành chức năng vào cuộc.
31/10/2013
Tuyên dương 45 công trình, đề tài, sáng kiến, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu 2013
Tặng Bằng khen cho 10 Tỉnh, Thành đoàn, Đoàn trực thuộc có thành tích xuất sắc trong triển khai Phong trào “Sáng tạo trẻ” năm 2013. Tuyên dương 45 công trình, đề tài, sáng kiến, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ VI – 2013.
30/10/2013
Văn phòng UBND tỉnh quyên góp ủng hộ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai
HGĐT- Sáng 28.10, Văn phòng UBND tỉnh tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị khắc phục thiệt hại do cơn bão số 10 và số 11 gây ra. Dự buổi quyên góp có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và hơn 80 cán bộ, CCVC thuộc Văn phòng.
30/10/2013
Tổng kết điều tra, rà soát xác định thôn ĐBKK, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi (giai đoạn 2012 – 2015)
HGĐT- Sáng ngày 28.10, tại Hội trường nhà khách Hà An, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn (HĐTV) về thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã thuộc vùng dân tộc và miền núi tỉnh đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác điều tra, rà soát xác định các thôn ĐBKK, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 – 2015. Tham dự hội
29/10/2013
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.