Tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới ở Pố Lồ
HGĐT - Pố Lồ (Hoàng Su Phì) - một xã biên giới, nghèo, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với xuất phát điểm thấp, nguồn nội lực yếu. Nhưng sau 3 năm, Pố Lồ đạt 5/19 tiêu chí. Điều mọi người cảm nhận rõ nét khi đến xã vùng biên Pố Lồ là đường làng khang trang, sạch sẽ, môi trường sống trong lành, văn minh, khuôn viên gia đình được sắp xếp ngăn nắp.
Chuyển biến từ... gầm sàn
Con đường dẫn vào gia đình ông Lù Quang Tinh, thôn Cao Sơn Thượng, men theo những triền ruộng bậc thang mùa lúa chín, đẹp đến ngỡ ngàng. Tuy vẫn chỉ là đường đất đỏ, nhưng đã rộng hơn, sạch hơn, xe máy chở thóc, ngô, đậu tương từ nương, rẫy chạy vèo cái đã về tới nhà, không còn cảnh oằn lưng, vẹo cổ địu thóc như trước. Nhưng, điều nằm ngoài hình dung của tôi chính là khuôn viên gia đình được quy hoạch, bài trí ngăn nắp, sạch sẽ, không còn cảnh quanh nhà vương đầy rác thải, phân gia súc ngập sàn nhà như vẫn thường thấy ở nhiều vùng quê miền núi. Ngay bên ngoài cổng dẫn vào ngôi nhà sàn của ông Tinh, một khu vườn được rào bằng phên tre, những khóm bí đỏ, su su và khoai nước xanh mướt; đàn trâu, đàn lợn được nhốt trong chuồng, nền láng xi - măng, cao, thoáng, sạch sẽ, bụng căng tròn, khỏe mạnh.
Khuôn viên gia đình ông Lù Quang Tinh được quy hoạch gọn gàng, sạch sẽ.
Tiếp chuyện chúng tôi bên bếp lửa trên ngôi nhà sàn, những người con của ông Tinh cho biết: Khu chuồng chăn nuôi trâu, lợn, dê mới được xây cách đây chưa lâu. Trước khi có khu chuồng nuôi mới, gầm nhà sàn cũng được trưng dụng làm nơi nhốt gia súc. Dù đã nhiều năm, nhưng mọi người trong gia đình vẫn chưa thể quên những âm thanh hỗn tạp, mùi xú uế diễn ra hàng ngày, ngay dưới sàn nhà, nó dường như đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống. Nuôi, nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn, rất mất vệ sinh, nhưng bao thế hệ gia đình ông Tinh đã quen, chưa bao giờ nghĩ đến việc di chuyển những vật nuôi đi nơi khác.
Khi bắt tay vào XDNTM, bên cạnh hàng loạt tiêu chí cần phải thực hiện, việc vận động người dân đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà, được Pố Lồ xác định là một trong những việc cần làm ngay. Nhưng làm sao để thay đổi được cái cố hữu, đã bám rễ vào cuộc sống của bao thế hệ người dân là việc làm không hề đơn giản, không thể tuyên truyền theo cách dập khuôn, giáo điều. Nhằm làm chuyển biến tư duy, nhận thức của người dân, cán bộ xã thường xuyên xuống cơ sở, ngồi uống nước, uống rượu trên nhà sàn, khi rượu đã mềm môi, ấm cái bụng, họ mới nói đến cái được, cái chưa được khi nuôi, nhốt gia súc dưới gầm sàn. Qua đó, từng bước tác động đến tư duy để người dân có sự so sánh thiệt hơn, khi nhận ra cái chưa được nhiều hơn, gia đình ông Tinh đã sớm thực hiện cuộc “cách mạng” dưới gầm sàn. Đưa con trâu, lợn, dê, đàn gà ra khỏi gầm sàn, thấy nền nhà khô, thoáng, bữa ăn, giấc ngủ không còn ám ảnh mùi xú uế, con cháu về uống chén rượu cũng ngon hơn - ông Tinh chia sẻ. Khi được Nhà nước hỗ trợ xi - măng, ông bỏ thêm tiền, mua cát, sỏi, huy động con, cháu xây dựng chuồng trại sạch sẽ, nền láng bê tông, có hố ủ phân riêng biệt, không gian chăn nuôi thoáng mát, đàn gia súc phát triển tốt. Chất thải từ chăn nuôi, được thu gom, phơi, ủ, rồi đem bón ruộng, lúa xanh tốt, liên tục được mùa, gạo ăn từ vụ này sang vụ khác không hết.
Noi theo ông Tinh, gia đình anh Lù Văn Hùng cùng thôn cũng đưa toàn bộ gia súc ra khỏi gầm sàn, làm khu chăn nuôi riêng biệt. Không có nhiều đất để dựng chuồng trại xa nhà, chuồng nuôi trâu, lợn vẫn nằm ngay phía cổng vào, nhưng nền đã được láng xi - măng cao hơn mặt đất, xung quanh quây kín, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Anh Hùng cho biết: Từ ngày làm được khu chuồng nuôi mới, con lợn nái giống năm nào cũng sinh đàn con khỏe mạnh, lợn thịt nuôi mau lớn, không bệnh tật. Gầm sàn nhà, không còn là nơi chứa phân gia súc, sức khỏe của mọi người trong gia đình cũng tốt hơn.
Thấy rõ cái lợi của việc đưa gia súc ra khỏi gầm sàn, nhiều gia đình trong thôn, xã đã chủ động thực hiện, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ - ông Lù Xin Tiến, Bí thư chi bộ Cao Sơn Thượng khẳng định. Ông Tiến cho biết thêm: Trong thôn hiện có 34 hộ, hầu hết các gia đình đã đưa gia súc ra khỏi gầm sàn, xây dựng khu chuồng chăn nuôi hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, họ còn đầu tư, xây dựng 3 công trình vệ sinh, có bể nước, sân phơi, vườn cây với nhiều loại rau, màu, mùa nào thức ấy... cuộc sống đã khấm khá hơn nhiều.
Tạo lập nếp sống văn minh
Xã biên giới Pố Lồ có địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi núi cao, suối sâu, ít đất canh tác, hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển KT-XH chưa hoàn thiện... nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Pố Lồ, hiện có 637 hộ dân, trên 3 nghìn nhân khẩu gồm 3 dân tộc Mông, Tày, Nùng cùng chung sống. Đến nay, xã còn 249 hộ nghèo, chiếm gần 40%. Nắm rõ nguồn nội lực, trong chỉ đạo XDNTM, xã thực hiện đúng phương châm, việc dễ làm trước, khó làm sau và linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Qua tuyên truyền, người dân hiểu, XDNTM chính là làm cho mình hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn, nên họ chủ động thực hiện.
Với sự chủ động vào cuộc của người dân, sau 3 năm XDNTM, xã nghèo Pố Lồ đã đạt 5/19 tiêu chí, phấn đấu hết 2015 đạt 8/19 tiêu chí. “Cuộc sống người dân Pố Lồ đã có nhiều thay đổi” - ông Đinh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã khẳng định. Cái nhìn thấy dễ nhất đó là số hộ đói, nghèo giảm nhiều, môi trường nông thôn sạch sẽ, các thiết chế văn hóa được chính người dân đóng góp, xây dựng đã và đang có tác động lớn trong việc điều chỉnh hành vi của mỗi người. Việc cưới, việc tang có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, người mất không để lâu trong nhà, không còn thách cưới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các nghề truyền thống như lò đúc, lò rèn được duy trì.
XDNTM là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước được triển khai với mong muốn người dân nông thôn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Và việc đưa gia súc ra khỏi gầm sàn, tạo môi trường sạch sẽ, trong lành ở Pố Lồ là một yếu tố quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ý kiến bạn đọc