Phia Vèn sau 10 năm hạ sơn
HGĐT - Sau 10 năm hạ sơn (2003 - 2013), 22 hộ đồng bào dân tộc Mông ở thôn Phia Vèn, xã Lạc Nông (Bắc Mê) đã có cuộc sống mới ổn định, tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm nhanh từng năm, văn hóa - xã hội, an ninh – quốc phòng được quan tâm chú trọng, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Cái nắng gắt giữa Thu khiến chặng đường đến với Phia Vèn của chúng tôi có phần dài hơn. Cảm nhận đầu tiên khi mới đặt chân đến thôn Phia Vèn là tuyến đường bê-tông sạch, đẹp được tô điểm dọc hai bên đường mầu xanh của cỏ voi mọc tốt, non mởn như xua tan mệt nhọc. Theo tuyến đường bê-tông vào sâu trong thôn, chúng tôi bắt gặp những mái nhà lợp Prôximăng của các hộ đồng bào dân tộc Mông sát nhau, nối liền bằng những hàng rào cây đỗ ván xanh tốt đang độ ra hoa. Tiếp chúng tôi trong căn nhà thoáng và sạch sẽ, anh Giàng Mí Páo, Bí thư Chi bộ thôn Phia Vèn, phấn khởi: “Từ ngày được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc Mông hạ sơn, cuộc sống của bà con trong thôn giờ đã nhiều đổi thay tích cực, không còn cái đói, cái khát đeo đuổi như những ngày còn ở trên núi cao”.
Sản phẩm nông nghiệp được bà con Phia Vèn mang ra chợ trao đổi.
Nếu không được nghe kể về cuộc sống của người dân Phia Vèn 10 năm trở về trước chắc hẳn sẽ không ai hình dung được cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ thứ của bà con với những ngôi nhà cheo leo trên núi, những con đường mòn ngoằn ngoèo cỏ dại mọc um tùm, lầy lội..., nhất là khi trời mưa, việc đi lại học hành của con em hết sức khó khăn; việc kéo điện, cấp nước cho bà con trong thôn ngày ấy hoàn toàn không có; bà con làm nương rẫy suốt ngày đêm vẫn cũng không đủ ăn, đủ mặc...
Thấu hiểu khó khăn của bà con Phia Vèn, năm 2003, cấp ủy, chính quyền địa phương đã dựng nhà, đến từng hộ để vận động bà con xuống ở vùng đất thấp hơn. Mới đầu, do không hiểu hết ý nghĩa của việc hạ sơn, một số hộ trong thôn lại quay về chỗ ở cũ, cán bộ huyện, xã lại leo núi cố gắng thuyết phục bà con và đã thành công. Về định cư tại vùng thấp, cuộc sống của bà con thuận lợi hơn, được Nhà nước kéo điện phục vụ sinh hoạt, đường sá thuận lợi, con em được cắp sách tới trường, người trong thôn ốm đau, bệnh tật đều được chăm sóc và điều trị tại Trạm y tế... Không chỉ có vậy, các hộ tái định cư còn thường xuyên được cán bộ khuyến nông xã, huyện dạy những cách làm ăn mới, trồng những giống ngô, lúa có năng suất, chất lượng cao, nên đến nay đời sống của bà con được cải thiện đáng kể, văn hóa tinh thần cũng được nâng lên rõ rệt, thông qua hệ thống loa đài, truyền hình; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Và sau 10 năm, thôn Phia Vèn đã có 52 hộ (chỉ còn khoảng 50% số hộ nghèo). Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tại đây, sản phẩm nông nghiệp của bà con chủ yếu là cây ngô, rau, đậu các loại và trồng cỏ voi nuôi trâu, bò.Anh Giàng Phái Dính cho biết: Từ Dự án Chia sẻ những năm trước đây, bà con trong thôn được hỗ trợ làm 32 chuồng bò (trị giá 2 triệu đồng/chuồng) và được cán bộ vận động, hướng dẫn di dời chuồng trại ra xa nhà ở, nên đến nay mỗi gia đình ít nhất cũng có 1 con bò, có nhà trên 5 con... Cuộc sống bớt khó khăn hơn”.
Năm 2011, các cơ quan, ban, ngành của huyện đã giúp nhân dân trong thôn làm được 483,44m đường liên thôn, 42 nền nhà, 10 bể nước, 4 nhà tắm...; điểm trường được xây dựng khang trang, học sinh được học hành đầy đủ. So với trước, chuyện đủ ăn đã khó thì nay, biết tận dụng lợi thế gần Quốc lộ 34, bà con đem các sản phẩm nông nghiệp của mình (từ mớ rau, củ lạc đến những con cua, con cá...) bầy bán vào các buổi chiều ở chợ xép để tăng thu nhập...
Chiều muộn, ánh nắng le lói đang cố xuyên qua những rừng cây, dãy núi... Chúng tôi tạm chia tay Phia Vèn khi hình ảnh về những nóc nhà, góc chợ kẻ mua, người bán đến tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ khi tan trường... vẫn đang hiện diện. Ở đó là một Phia Vèn “mới” ấm no, hạnh phúc hơn và hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Ý kiến bạn đọc