Cháy mãi “ngọn lửa Trường Sơn”!

07:48, 27/09/2013

HGĐT - Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ, lớp lớp cha anh đã cùng nhau tình nguyện viết đơn ra trận, mở đường Trường Sơn đi cứu nước. Xuyên suốt Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây trong bom đạn, biết bao người con trai, con gái của cả nước, trong đó có Hà Giang đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Để đến hôm nay, ngọn lửa Trường Sơn, “con đường máu và hoa” đã trở thành bất tử...


 

Hơn 16 năm ròng rã từ 1959 – 1975, cùng với cả nước, biết bao người con Hà Giang đã lên đường xẻ dọc Trường Sơn, xuyên qua những cơn sốt rừng, những ngày đêm chìm trong bom đạn mịt mùng để đi đến ngày Bắc - Nam một nhà. Giữa bom đạn điên cuồng của giặc thù, ngăn chặn con đường chi viện cho miền Nam ruột thịt, biết bao người con Hà Giang đã để lại một phần máu xương, nhiều người mãi mãi nằm lại trên suốt chiều dài Trường Sơn. Trong đó, tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, có 73 người con Hà Giang đang yên nghỉ.



Hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn của tỉnh thăm hỏi hội viên.  Ảnh: VĂN BÍNH
 

Nhớ về những ngày tháng gian khổ nhưng đầy tự hào ấy, trong câu chuyện dài với nhiều người lính Trường Sơn, chúng tôi không khỏi xúc động và cảm phục về tinh thần lên đường của tuổi trẻ một thời. Thời ấy, dường như bất kỳ thanh niên nào cũng đều sẵn sàng ra trận, dù có phải từ biệt mẹ già, gác lại đèn sách, dở dang chuyện tình cảm đôi lứa. Nhiều người dùng máu của mình viết đơn xin ra trận hay dùng gạch, đá dấu vào người để đủ cân lên đường. Có những thanh niên không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội thì bằng mọi cách xin đi thanh niên xung phong, tất cả chỉ mong được ghi tên mình trên tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh huyền thoại.

 

Nhiều cựu chiến binh khẳng định, không có đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ khó đi đến chiến thắng cuối cùng. Chính vì tầm quan trọng ấy, đường Trường Sơn trở thành tuyến lửa của ý chí và lương tri con người. Rất nhiều trọng điểm trên tuyến đường bị giặc Mỹ điên cuồng dùng những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất đánh phá, ngăn ta chi viện cho tiền tuyến miền Nam . Nhưng sau những cơn mưa bom, bão đạn, sự sống lại được thắp lên bằng trái tim quả cảm của những người lính chiến đấu bảo vệ đường Trường Sơn, của những giao liên và thanh niên xung phong ngày đêm giữ cho huyết mạch thông suốt. Sau mấy chục năm bước ra từ Trường Sơn, nhiều cựu chiến binh Hà Giang tâm sự với chúng tôi rằng, cứ tưởng thằng Mỹ là đáng sợ nhất trên dải Trường Sơn, hóa ra “thằng”... sốt rét rừng còn đáng sợ hơn. Cơn sốt rét như con ma rừng cướp đi không biết bao sinh mạng người lính Trường Sơn và nó còn ẩn chứa trong máu của nhiều người sau khi chiến tranh đã lùi xa. Dù vậy, Trường Sơn giữa sự sống và cái chết, tình đồng chí đã trở thành điểm tựa ở một nơi được coi là khốc liệt nhất trên trái đất này.



Nghĩa trang Trường Sơn, nơi có những người con Hà Giang đã nằm lại vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
 

Trong những câu chuyện dài, chú Phạm Chanh, một cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin hiện ở TPHG kể với chúng tôi về một ngày đầy xúc động giữa Trường Sơn: Cái chết đến cả trong ngày mùng 1 Tết nguyên đán, đó là Tết năm 1973, khi đơn vị của chú tăng cường cho một trọng điểm ở Nam Lào. Một trái bom của máy bay F4 thả vào miệng hầm của đơn vị khiến 9 đồng đội hy sinh, thi thể không còn nguyên vẹn, có người phải sau 6 ngày mới tìm được xác. Các anh đã ra đi nhẹ nhàng trong tấm áo mưa về đất mẹ, cùng tấm bia mộ làm từ vỏ thùng lương khô nhạt nhòa giữa rừng khộp. Những người còn lại chẳng ai run sợ. Ngày ấy, trong mỗi chiếc ba lô trên lưng của bộ đội Trường Sơn, ngoài đồ đạc, vũ khí, còn có một tấm vải được phát trước lúc lên đường mà ai cũng hiểu nó dùng để làm gì. Nhưng người lính Trường Sơn chẳng ai nghĩ về cái chết. Đêm đến trên chiếc võng đung đưa, tấm vải “bất đắc dĩ” ấy lại trở thành chiếc chăn cứu sinh trước muỗi vắt, sương rừng và gió núi...

 

Giữa Trường Sơn gian khổ, nhiều đơn vị bộ đội “đói” thông tin, hàng tháng trời không có một tờ báo, hàng năm trời không có một lá thư gia đình. Nhiều đơn vị toàn nam giới, cả năm trời không nhìn thấy một bóng phụ nữ. Chú Nguyễn Hữu Tưởng, cựu chiến binh Trường Sơn, hiện ở TPHG kể: Có lần hành quân, thoáng nhìn thấy những “bóng hồng” là chị em người địa phương, anh em chưa kịp... hỏi thăm thì những loạt bom thù đã vội gạt đi tất cả. Chú Tưởng cũng là người may mắn trong số những người lính Trường Sơn còn lưu lại trong ba lô của mình hình ảnh của một cô giao liên Trường Sơn mà theo chú tiết lộ, cô ấy quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sau mấy chục năm bước ra từ khói lửa Trường Sơn, giờ trong tâm khảm những người lính như chú Tưởng đều mong cô giao liên ấy và biết bao em gái giao liên khác sẽ may mắn được trở về, làm những nàng dâu hiền thảo ở một miền quê nào đó. Có một kỷ niệm sâu đậm về Bác Hồ trong những ngày ở Trường Sơn được chú Nguyễn Hữu Tưởng kể: Sau 4 ngày Bác Hồ ra đi, ngày mùng 6.9.1969, đơn vị của chú Tưởng có rất nhiều người hy sinh. Nỗi đau trong từng người nhân lên vô hạn, nhiều người đã bật khóc vì Bác, vì đồng đội đã ra đi.

 

Sau những nỗi đau, một ngày giữa đại ngàn Trường Sơn, bài thơ “Việt Nam con đường máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu in trên Báo Quân đội Nhân dân năm 1973 đã đến tay nhiều đơn vị ta ở Trường Sơn. Trong bài thơ ấy có hình ảnh về những chàng Sơn Tinh làm nên dải Trường Sơn đối đầu với Thủy Tinh. Bài thơ như lời tiên đoán về một tương lai toàn thắng “Sài Gòn ơi, Huế ơi xin đợi/ tái hợp, huy hoàng, cả nước non”. Và gần 40 năm sau Chiến thắng mùa Xuân 1975, thật tự hào khi có trên 500 người lính, giao liên, thanh niên xung phong là người Hà Giang từng góp phần làm nên Trường Sơn một thời may mắn được trở về, hội tụ nơi miền đất cực Bắc. Rất nhiều người mang theo những vết thương chiến tranh, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin hay những cơn sốt rét rừng... Giữa cuộc sống còn nhiều khó khăn, rất nhiều người lính Trường Sơn phát huy tinh thần Anh bộ đội Cụ Hồ vươn lên, trở thành những tấm gương sáng giữa cộng đồng. Bên cạnh đó, do hoàn cảnh khác nhau hiện vẫn còn không ít người gặp khó khăn trong cuộc sống. Dù vậy, tinh thần Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh vẫn sôi sục trong huyết quản mỗi người lính.

 

Để ghi nhớ một thời Trường Sơn đầy gian khổ, hy sinh, bằng quyết tâm và nỗ lực vận động của những cựu chiến binh Trường Sơn, vừa qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Hà Giang. Hôm nay, ngày 26.9, Hội tiến hành Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2013 - 2018. Đồng chí Nguyễn Hữu Tưởng, Trưởng Ban vận động thành lập Hội cho biết, Hội được ra đời nhằm tập hợp các đồng chí, đồng đội trong tỉnh, để động viên, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tổ chức các hoạt động giữ gìn và phát huy truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh anh hùng, góp phần phát huy truyền thống cách mạng. Để từ đó, tiếp tục xây đắp thêm nhiều con đường Trường Sơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN...
HUY BA

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhóm Hương Thiện tâm tặng quà tại xã Bản Nhùng
HGĐT - Từ ngày 21-22.9, Nhóm Hương Thiện tâm (Hà Nội) đã đến thăm và tặng quà cho các em học sinh xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì.
25/09/2013
Chương trình 120 ở Mèo Vạc: “Bài toán” chưa có... lời giải
HGĐT - Với đặc thù là huyện biên giới nên việc thực hiện theo nội dung Chương trình 120 của Chính phủ luôn được Mèo Vạc coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để không chỉ giúp người dân yên tâm lao động sản xuất mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên vùng biên. Tuy nhiên, đối với chính quyền sở tại, chuyện sau khi hoàn thành xây dựng nhà nhưng không có
24/09/2013
Đổi mới một vùng nông thôn
HGĐT - Là một thôn vùng cao, đặc biệt khó khăn của xã Thượng Sơn (huyện Vị Xuyên) nhưng thôn Bó Đướt có nhiều tiềm năng chưa được khai thác, như suối nước nóng, chè Shan tuyết cổ thụ. Xã xác định cây chè là cây mũi nhọn cây có giá trị kinh tế cao, bởi đặc điểm chèthôn Bó Đướt có vị thơm ngon hơn các thôn khác ở xã.
24/09/2013
Xung kích tình nguyện chung sức cùng cộng đồng
HGĐT - Mỗi chuyến đi hoạt động tình nguyện, mỗi ngày ở cơ sở là một trải nghiệm thực tế của tuổi trẻ, là nơi để đoàn viên thanh niên được chia sẻ và cống hiến. Phát huy tính xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ; Công an Hà Giang luôn chung sức cùng cộng đồng, vì an sinh xã hội, chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2013 theo 4 khối thi đua đã đem lại hiệu quả thiết thực,
24/09/2013
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.