Từ Căng Bắc Mê đến Yên Phú hôm nay
HGĐT- Những câu chuyện lịch sử về sự tận cùng khổ đau mà người dân Bắc Mê phải chịu đựng vì bị thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột trước cách mạng tháng Tám giờ đây chỉ còn trong sách vở, hay được chắp nối qua lời kể của những nhân chứng sống đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng đủ sức tái hiện sinh động một chặng đường đấu tranh gian khổ mà đầy tự hào của nhân dân Bắc Mê, quyết tâm giành chính quyền, độc lập tự do, xây dựng cuộc sống mới.
Căng Bắc Mê, chứng tích của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng sục sôi ở Bắc Mê.
Và hôm nay, trên Quốc lộ 34 dẫn vào trung tâm huyện, ta vui mừng chứng kiến sự hiện hữu đủ đầy, no ấm với cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
Căng Bắc Mê, địa danh được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia, là chứng tích cho sự đàn áp, đày ải của thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng nơi đây. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bắc Mê được đặt dưới chế độ quân quản, nằm trong châu Vị Xuyên; Thực dân Pháp tiến hành nhiều chính sách cai trị, bóc lột, đàn áp dã man trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm vơ vét của cải, khống chế sự phát triển phong trào cách mạng. Năm 1939, chúng bắt hàng trăm phu lính xây dựng Căng Bắc Mê làm nơi giam giữ tất cả những người chống đối, và Căng Bắc Mê trở thành nơi giam giữ tù chính trị. Giai đoạn này, Bắc Mêđược đánh giá là một trong những nơi điển hình về sự cực khổ, lạc hậu của xã hội thực dân lúc bấy giờ. Mặc dù bị kiểm soát chặt chẽ, lao động khổ sai nhưng các đảng viên bị giam giữ trong Căng Bắc Mê vẫn tìm mọi cách vận động cách mạng, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân trong vùng. Năm 1941, phong trào Việt Minh ở Cao Bằng phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Mê; đến năm 1943, một số đồng chí Việt Minh từ Bảo Lạc (Cao Bằng) đã thâm nhập vào thôn Thôm Toòng xã Đườngm tuyên truyền chủ trương đánh Pháp, đuổi Nhật, gây dựng phong trào cách mạng. Theo cuốn “Lịch sự Đảng bộ huyện Bắc Mê”, thời điểm này, sau cơ sở cách mạng ở Hùng An (Bắc Quang) thì Thôm Toòng là cơ sở cách mạng thứ 2 được nhen nhóm ở Hà Giang. Từ đây phong trào cách mạng ngày càng phát triển rộng khắp và vững mạnh. Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, lực lượng cách mạng ở Bắc Mê cùng nhân dân nổi dậy giành chính quyền và tiếp quản đồn Bắc Mê; chính quyền cách mạng lâm thời Tổng Yên Phú và nhiều xã được thành lập. Cuộc đấu tranh gian khổ giành chính quyền về tay nhân dân ở Bắc Mê bắt đầu từ tháng 9.1943 và kết thúc thắng lợi hoàn toàn vào tháng 12.1945; kết thúc chế độ thực dân, phong kiến đàn áp, đè nén nhân dân đến cùng cực; từ đây mở ra một thời kỳ phát triển mới, nhân dân Bắc Mê cùng cả nước kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Trong ba cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới Tổ quốc, Tiểu khu Bắc Mê đã có 1.866 người tham gia cách mạng. Đến năm 1984, trước yêu cầu của tình hình mới, huyện Bắc Mê được thành lập từ việc chia tách huyện Vị Xuyên. Qua các thời kỳ lịch sử, đồng bào các dân tộc Tiểu khu Bắc Mê đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc; kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần mẫn, sáng tạo trong lao động sản xuất và ngày càng đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ANQP; đời sống của người dân không ngừng được nâng cao; đặc biệt là những đổi thay cả về cơ sở vật chất và nhận thức của người dân sau hơn hai năm Đảng bộ và nhân dân Bắc Mê bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 12,4 triệuđồng/người/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 30 nghìn tấn; giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng đạt 617 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn đạt 598,5 tỷ đồng; tỷ lệ huy động trẻ từ 6 – 14 tuổi đến trường đạt trên 98%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 33,9%; trên 97% hộ được sử dụng điện và trên 90% hộ được xem truyền hình; trên 40% đường từ trung tâm các xã đến các thôn, bản được rải nhựa, bê tông hóa; bình quân mỗi năm kết nạp hơn 205 đảng viên mới; trên 94% cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh. Nông thôn mới đang gõ cửa từng làng quê, từng nếp nhà với nhiều sự đổi thay rõ nét; nhiều mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân được triển khai, lồng ghép và mang lại hiệu quả cao: Mô hình cánh đồng mẫu lớn, đề án phát triển cây đậu tương hàng hóa; mô hình cây vụ Đông, rau sạch, dưa vành đai, cây dong riềng, ngô lai xuống ruộng...; người dân ngày càng chủ động áp dụng cơ giới hóa và đưa KHKT vào sản xuất, nâng cao thu nhập...
Trong cuộc trao đổi gần đây với lãnh đạo huyện Bắc Mê, đồng chí Triệu Trung Hiệp, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Mê, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Mê hôm nay quyết tâm không cam chịu đói nghèo, biến khó khăn thành cơ hội phát triển và đã tạo được những bước đột phá quan trọng trên các lĩnh vực như: Phát triển nông, lâm nghiệp, thu ngân sách, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.Phấn đấu giành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa VIII nhiệm kỳ 2010 – 2015; từng bước giúp người dân thoát nghèo bền vững”.
Cuộc thi Toán Olimpic tuổi thơ cấp huyện được tổ chức hàng năm là sự quan tâm, chăm sóc để thế hệ trẻ Bắc Mê phát triển toàn diện.
Những đổi thay của ngày hôm nay, có dấu ấn lịch sử của ngày hôm qua và Căng Bắc Mê như một chứng tích lịch sử ghi tên sự đồng hành của nhân dân Bắc Mê cùng cả nước chiến đấu chống kẻ thù chung. Tháng Tám về thăm quê hương cách mạng Bắc Mê, tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng nơi đây như một lời tri ân của thế hệ trẻ để ghi nhớ, trưởng thành và nỗ lực hơn trong xây dựng cuộc sống mới.
Ý kiến bạn đọc