“Dân vận khéo” ở thôn Nà Sát
HGĐT- Là thôn vùng 3 với 99% đồng bào là người dân tộc Nùng, cuộc sống của bà con thôn Nà Sát, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng những năm gần đây, từ đổi thay trong nhận thức đã giúp họ dần phát huy nội lực, chủ động vươn lên phát triển kinh tế để cuộc sống vơi bớt khó khăn.
Con đường dân tự mở thiết thực xây dựng NTM.
Trên đường đến thôn Nà Sát, anh Lý Xuân Lìn, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy giới thiệu: “Trong chương trình xây dựng NTM, mỗi thôn, vùng trong xã đều gắn với một mô hình kinh tế cụ thể. Trong đó, Nà Sát gắn với chăn nuôi, trồng trọt. Để thực hiện điều này, xã cùng cán bộ thôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế”. Những năm gần đây, cả thôn đã chuyển từ giống lúa thuần năng suất thấp sang trồng giống lúa lai cho năng suất cao hơn. Chị Tráng Thị Sùng, Trưởng thôn Nà Sát nhớ lại: “Tâm lý bà con đã quen với việc trồng những loại giống vốn đã quen thuộc nên khi nói chuyển sang trồng giống mới thì e dè, thiếu tin tưởng. Để thuyết phục bà con, tôi và đồng chí Bí thư Chi bộ đã phải trồng thử nghiệm giống mới trên thửa ruộng nhà mình. Khi giống lúa lai cho năng suất 58 tạ/ha, cao hơn hẳn so với năng suất lúa thuần trên một đơn vị diện tích, đây chính là bằng chứng thuyết phục để bà con áp dụng. Đến nay, nhiều nhà không chỉ đủ ăn mà còn dư thóc để phát triển chăn nuôi nữa”. Bên cạnh việc trồng giống lúa mới, nhờ được tuyên truyền, bà con mạnh dạn chuyển giống ngô địa phương sang trồng ngô lai đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Với diện tích trên 50 ha ngô trồng 2 vụ, Nà Sát là vùng có diện tích trồng ngô lớn nhất xã. Những vườn ngô được bà con chăm sóc cẩn thận, cho năng suất trên 2,3 tấn/ha. Với năng suất này, Nà Sát trở thành nguồn cung cấp ngô tương đối lớn cho thị trường Hà Giang. Không chỉ có lúa, ngô, nhiều hộ dân trong thôn còn chú trọng phát triển trên 14 ha cây dong riềng. Mỗi năm, diện tích dong riềng đem lại cho các hộ dân nguồn thu trên 1,2 triệu đồng/tấn củ tươi. Ở Nà Sát, những sản phẩm từ lúa, ngô không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, đem lại thu nhập khá mà còn là nguồn thức ăn chính để các hộ phát triển chăn nuôi đàn lợn lên đến vài chục con. Tiêu biểu như gia đình ông Lục Xuân Vần, chị Lý Thị Chiu,... hay một số hộ khác như gia đình ông Lý Phà Sẩu phát triển đàn trâu 5 con, giúp ông “sở hữu” một tài sản không nhỏ.
Nhiều gia đình trồng thành công giống na dai, góp phần nâng cao thu nhập.
Để chương trình xây dựng NTM gắn với mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt ở Nà Sát, trong thời gian tới, xã chỉ đạo bà con tập trung trồng mới 20ha na dai. Nói về điều này, anh Lìn lý giải: Na dai là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, hợp thổ nhưỡng khi Nà Sát có địa hình gắn với bờ sông Lô, có ven đồi dốc, hoặc các đám nương nhiều hốc đá. Việc trồng na ở những địa hình trên vừa có tác dụng che phủ rừng, tránh sự rửa trôi các chất dinh dưỡng trong đất, vừa tận dụng được diện tích đất để tạo thành vườn cây ăn quả. Hiện một số hộ trong thôn như gia đình ông Lù Kháy Trà đã trồng thành công giống na dai đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Từ năm 2012 đến nay, vườn na trên 40 gốc với gần 30 kg quả/cây, có giá bán tại vườn từ 25-30.000 đồng/kg đã cho gia đình ông thêm khoản thu nhập khá.
Nhằm thiết thực xây dựng NTM, bà con trong thôn đã tự mở hơn 2km đường dân sinh, rộng 3m thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa. Chị Sùng khoe: “Giờ có ô-tô vào tận Hội trường thôn rồi. Nhất định kinh tế Nà Sát sẽ phát triển. Cuối tháng 8, chúng tôi sẽ hoàn thành việc mở thêm 500m đường liên thôn để việc đi lại thuận tiện hơn”. Anh Lìn nhớ lại: “Trong buổi lễ phát động mở đường dân sinh, 9 hộ có diện tích đất gần đường đã tự nguyện hiến đất. Chúng tôi thực sự xúc động khi họ reo lên: “Làm đường cho dân hưởng lợi, cán bộ lấy bao nhiêu đất cũng được”...
Trên con đường rời Nà Sát về UBND xã Thanh Thủy, trời bắt đầu mưa nặng hạt. Con đường đất mới mở trở nên trơn trượt khi phải di chuyển bằng xe máy. Thế nhưng, con đường này chính là sự tự lực cánh sinh, là kết quả của một tư tưởng thông suốt. Những cánh đồng lúa xanh ngát một màu cùng những vườn na đang mùa thu hoạch là minh chứng cho sự cần cù, dám đổi mới trong lao động, sản xuất của người dân Nà Sát. Họ đang nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế để xây dựng cuộc sống ấm no.
Ý kiến bạn đọc