Cầu treo Vô Điếm càng yếu, người dân càng... nhiều vất vả (!)

16:58, 19/08/2013

HGĐT- “Xe máy qua cầu phí 4.000đ/lượt, xe đạp 2.000đ/lượt, đi bộ 1.000đ/lượt; cấm các loại ô tô, máy cày, xe lô, trâu, bò, xe chở hàng trên 200kg không được qua cầu”... Quy định phí này được niêm yết trên một tấm bảng (không ghi cơ quan ban hành quy định) đặt ở đầu cầu Vô Điếm, xã Vô Điếm, (Bắc Quang). Không biết toàn tỉnh hiện có cây cầu nào thu phí hay không. Nhưng có lẽ với mức phí như trên, người qua cầu Vô Điếm sẽ chịu mức phí cao nhất trong toàn tỉnh hiện nay!?.


Qua tìm hiểu được biết, cầu Vô Điếm là một trong những cây cầu treo dài nhất trong tỉnh hiện nay, khoảng hơn 100m. Cầu quản lý theo mô hình giao cho tư nhân đấu thầu thu phí, một phần trích lại nộp ngân sách địa phương duy tu cầu. Cầu khánh thành năm 2000, góp phần đưa xã Vô Điếm không ngừng phát triển. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm khai thác, cầu treo nối con đường gần như “độc đạo” từ Vô Điếm ra bên ngoài đã xuống cấp. Đỉnh điểm từ tháng 4 vừa qua do mưa bão, cây cổ thụ đổ vào, làm cho cầu bị hư hỏng, mất an toàn. Anh Đàm Trung Thu, Chủ tịch UBND xã Vô Điếm cho biết: Huyện đã có sự chỉ đạo mở tuyến đò qua sông để đảm bảo an toàn cho bà con. Nhưng do phương án đi thuyền qua sông quá vất vả, tốn kém, vì thế người dân cũng như chính quyền xã kiến nghị huyện cho phép khắc phục để tạm phục vụ đi lại đơn thuần. Để đảm bảo an toàn, xã quy định không cho chở hàng hóa quá 300kg qua cầu.

 


Tấm bảng quy định phí qua cầu treo Vô Điếm.


Được biết, khoảng tháng 4 đến nay, phí qua cầu tăng gấp đôi. Vô Điếm là xã vùng 2 còn nhiều khó khăn, toàn xã có hơn 5.000 khẩu thuộc các dân tộc Tày, Dao, Ngạn, Nùng, Mông... trong đó có 111/1.218 hộ thuộc diện nghèo. Qua đó, chi phí qua cầu tăng khiến việc giao lưu, trao đổi của người dân ngày càng hạn chế. Các anh Nguyễn Ngọc Huyến, Đỗ Văn Miên ở thôn Me Hạ (Vô Điếm) cho biết, nếu đi chợ bằng xe máy ra bên ngoài xã, cả đi và về mất đến 8.000đ. Số tiền đó với người dân làm nông nghiệp khó khăn lắm. Hàng ngày, có khá đông học sinh trong xã, cán bộ, giáo viên bên ngoài vẫn ra vào xã học tập, làm việc, mỗi ngày đi về mất từ 4.000đ - 8.000đ, tính ra cả tháng phải chi số tiền không nhỏ.

 

Đặc biệt, Vô Điếm là vùng sản xuất nguyên liệu gỗ khá lớn với hàng ngàn ha; diện tích chè gần 230ha; chăn nuôi cũng đang phát triển... Từ đó, nhu cầu giao thương, trao đổi rất lớn. Tháng 4 vừa qua, khi cầu treo bị hư hỏng, người dân phải chuyển sang đi thuyền khá vất vả cho đến khi tạm khắc phục được sự cố cầu yếu. Cầu yếu khiến việc thu hoạch, khai thác nông, lâm sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phải “vượt” quy định để vận chuyển lắt nhắt từng ít hàng hóa, hay phải tìm đường vòng qua xã Kim Ngọc xa và khó đi hơn để đưa vật tư nông, lâm nghiệp ra, vào xã. Một cán bộ quản lý Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang cho biết: Tại xã Vô Điếm đã trồng 160ha cao su, việc chăm sóc cần nhiều phân bón vận chuyển từ ngoài vào, cầu yếu nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn...

 


Người dân nộp phí qua cầu.


Trao đổi với chúng tôi, anh Đàm Trung Thu, Chủ tịch UBND xã Vô Điếm cho biết: Người dân kiến nghị nhiều về cầu treo Vô Điếm, nhưng xã cũng chỉ biết tu sửa trong khả năng có thể để duy trì hoạt động. Đồng thời kiến nghị huyện và các cấp, các ngành quan tâm sửa cầu để phục vụ sự phát triển KT – XH của địa phương. Về phía huyện, đồng chí Phạm Hữu Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước việc cầu treo Vô Điếm xuống cấp, nguy hiểm, người dân gặp nhiều khó khăn. Trong khả năng của huyện chỉ có thể tu sửa nhỏ. Do đó, huyện kiến nghị tỉnh và tỉnh cũng đã có chủ trương sửa chữa cầu. Nhưng thời gian sửa chữa cũng sẽ phải chờ khi có nguồn vốn.

 

Dập dềnh, vất vả đi qua cây cầu treo nghiêng ngả với một dây cáp chính bị trùng hẳn xuống. Từ trên cầu nhìn xuống dòng sông Lô cuộn chảy, nhiều người không khỏi rùng mình. Mặc dù xã Vô Điếm quy định không cho phép vận chuyển gỗ qua cầu treo, nhưng thực tế 2 bên đầu cầu có hàng chục khối gỗ vẫn đang được tập kết để người dân “túc tắc” dùng xe kéo vận chuyển qua cầu. Một người thu mua gỗ thì thầm với chúng tôi rằng, mỗi khối gỗ qua cầu “phí” mất 15.000đ, số tiền ấy người dân bán gỗ phải chịu. Trao đổi với người được giao thu phí cầu 10 năm nay có tên là Tỵ, người này cho biết, do cầu yếu xã quy định không cho chuyển gỗ qua cầu, nhưng người dân cứ... tập kết và cứ chuyển gỗ qua, không “ngăn” được!?.

 

Cầu treo Vô Điếm càng yếu, phí càng cao, sự nguy hiểm ngày càng tăng lên. Vì thế, người dân xã Vô Điếm đang rất mong mỏi sự quan tâm của các ngành, các cấp.


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sét đánh 2 người chết ở xã Giáp Trung, huyện Bắc Mê
HGĐT- Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 16.8, trên địa bàn xã Giáp Trung, huyện Bắc Mê có mưa giông mạnh kèm theo sấm sét. Hai em nhỏ là Thào Thị Pà, 15 tuổi, Thào Mí Say, 2 tuổi đã bị sét đánh chết và cùng với 4 người khác bị thương nhẹ. Hai em bị sét đánh chết đều là con của hộ gia đình ông Thào Mí Lía, trú tại thôn Lùng Cao, xã Giáp Trung.
19/08/2013
Xe khách mất lái lao xuống cống nước
HGĐT- Vào khoảng 18h, ngày 18.8, tại km 29 thuộc địa phận xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên đã xảy ra một vụ tai nạn làm nhiều người bị thương.
19/08/2013
Trao bò cho 2 hộ nghèo
HGĐT- Sáng 17.8, tại trụ sở UBND xã Bản Nhùng (Hoàng Su Phì), Ban Dân vận Tỉnh ủy và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao bò giống cho các hộ nghèo của xã Bản Nhùng. Tham dự có đồng chí Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, huyện Hoàng Su Phì.
19/08/2013
Nhóm Từ Tâm tặng quà tại xã Bản Nhùng
HGĐT- Trong các ngày 17-18.8, nhóm Từ Tâm (Hà Giang) đã đến tặng quà và làm tình nguyện tại xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì.
19/08/2013
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.