Trường Sa trong ký ức người lính Hà Giang
HGĐT- Trong số những người bạn và độc giả đến với Báo Hà Giang nhân ngày Báo chí Cách mạng 21.6 vừa qua, có một người lính đặc biệt. Anh có lẽ là người Hà Giang đầu tiên được đặt chân đến quần đảo Trường Sa và cũng là người Hà Giang có thời gian làm việc ở Trường Sa nhiều nhất – anh là trung tá Đặng Quốc Thái, nguyên cán bộ Quân Y, Bệnh xá D40. Qua lời kể của anh, những ký ức một thời ở Trường Sa bao gian khổ nhưng đầy tự hào...
Tự hào một thời gian khổ ở Trường Sa:
Năm 1975, cùng với nhiều người con Hà Giang, anh Đặng Quốc Thái rời trường cấp III tham gia giải phóng miền
PV trao đổi với anh Đặng Quốc Thái.Ảnh: P.V
Anh Thái tâm sự, An Bang những ngày đầu, cán bộ, chiến sỹ lặn biển mò đá xây đắp với biết bao mồ hôi, máu và nước mắt. Ký ức lúc mới đặt chân lên đảo, thiên nhiên rất đẹp, chim hải âu, chim vịt, cá biển rất nhiều. Đảo không một bóng cây, những ngày đầu nhiều người bị một loại rệp chuyên ăn xác chim biển chết trên đảo cắn. Vết cắn của loại rệp này rất đau, có người còn bị nhiễm trùng. Ruồi ở đảo nhiều đến nỗi một người lính trẻ ngậm xăng rồi phun lửa để diệt ruồi, chẳng may còn bị bỏng. Có lần cả đơn vị bị dị ứng vì ăn phải loài cá biển chứa quá nhiều chất béo...
An Bang khi ấy được ưu tiên 2 nhân viên y tế, một trong số đó là anh Thái. Anh nhớ lại, đảo thiếu rau xanh, những người lính chỉ tăng gia được vài khóm bí đỏ trong mùa nước lặng từ sau Tết nguyên đán cho đến khoảng tháng 7. Nước biển mặn đến nỗi nếu sóng tạt vào những khóm bí đỏ, lập tức khiến những cây bí như bị luộc chín. Cả đảo chỉ có 1 téc nước 18m3, nước ngọt trên đảo quý đến nỗi, có lúc phải lấy cả nước luộc bơm tiêm để... uống. Đảo phải nhận nước ngọt từ tận đất liền, vì thế tắm giặt tất cả phải dùng bằng nước biển mặn chát. Vũ khí súng đạn và cả những hộp sữa xa xỉ dự trữ của đơn vị hàng ngày cũng phải được lau chùi để tránh bị hoen gỉ. Cuộc sống không chỉ phải đối mặt với sự dòm ngó từ các lực lượng bên ngoài mà còn phải chiến đấu với chính sự âm thầm và cực nhọc của biển cả. Nhưng với tinh thần là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền đất nước, đã giúp những người lính như anh Thái vượt qua khó khăn ở An Bang trong những ngày tháng đầy tự hào tại đây.
Tháng 9.1979, anh Thái được điều về đất liền. Song, cái duyên với Trường Sa đã đưa anh trở lại đây lần thứ 2 trong thời gian từ tháng 10.1980 đến tháng 10.1981. Anh được phân công ở đảo Trường Sa lớn, nơi có thể coi là “sướng” nhất trên quần đảo Trường Sa. Anh Thái nhớ lại, Trường Sa lớn lúc đó đã có sân bay, có cây xanh, có nước ngọt tự nhiên, có thể chăn nuôi được lợn, chó. “Sướng” là thế, nhưng lúc bấy giờ ở đảo ngoài bộ đội với bộ đội thì chỉ có chiếc ra-di-ô ở nhà chỉ huy là chỗ giao lưu, nghe ngóng thông tin từ đất liền. Thư từ với đất liền mất vài tháng mới nhận được. Trong hoàn cảnh ấy, anh Thái và những người lính quân y trên đảo Trường Sa vẫn vượt lên, hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sỹ. Ngày ấy, dù thiếu đủ thứ, nhưng quân y trên đảo đã thực hiện được phẫu thuật cắt viêm ruột thừa.
Trường Sa luôn trong tim:
Trong ký ức về Trường Sa ngày ấy với anh Thái và nhiều người lính khác, Trường Sa rất xa xôi. Đất nước còn khó khăn, Trường Sa ngày ấy chưa nhận được sự tiếp tế thường xuyên như bây giờ. Ăn 2 cái Tết ở đảo và được đặt chân đến hầu hết các đảo trên quần đảo Trường Sa là những kỷ niệm sâu đậm đối với anh Thái. Sau ngày rời Trường Sa, anh Thái tiếp tục đi học để nâng cao chuyên môn và tiếp tục gắn duyên với biển đảo khi được điều động cùng Lữ đoàn đổ bộ 147 làm nhiệm vụ ở nhiều đảo vùng biển phía Bắc... trước khi về công tác tại nhiều đơn vị quân đội đóng chân trên miền đất Hà Giang. Năm 2012, anh nghỉ chế độ tại Bệnh xá D40.
Trong căn nhà giản dị tại tổ 10, phường Nguyễn Trãi (TPHG), anh Thái tâm sự: Trường Sa những ngày gian khổ đã qua, nhưng nỗi nhớ về miền đất đặc biệt thì vẫn còn nguyên vẹn. Anh vẫn thường xuyên dõi theo tin tức về Trường Sa trên đài, báo, internet và qua bè bạn anh em ở các nơi. Bây giờ cả nước đã hướng về Trường Sa, những vất vả ngày càng bớt đi. Giờ nghe nói quân y trên đảo đã thực hiện được phẫu thuật mổ đẻ. Nhiều đảo đã có cư dân sinh sống, cây xanh và nhiều công trình đã phủ kín các đảo, đó là những điều rất đáng mừng. Trong những ngày tháng gian khổ ngày ấy, chúng tôi vẫn ghi nhớ câu nói của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải Quân, để bảo vệ Trường Sa “mỗi người lính là một cột mốc chủ quyền, chẳng cột mốc nào bằng mốc người trên đảo”. Một thời gian khổ, ở Trường Sa có những người lính đã ngã xuống, trong số đó có những người mà tôi từng biết.
Ý kiến bạn đọc