Thượng Sơn, khó khăn sau lũ!

07:03, 23/07/2013

HGĐT- 5 giờ sáng ngày 8.7 là thời khắc mà người dân ở xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) không thể quên. Sáng ấy, trận lũ quét bất ngờ đã cuốn trôi 3 nhà sàn kiên cố. Đồng thời làm thất thoát tài sản của nhiều người dân khiến họ lâm vào khốn khó chỉ trong chốc lát.


Nhiều gia đình trắng tay

Con đường liên xã Quảng Ngần-Thượng Sơn với trên 20 điểm sạt lở, trong đó gần 1km đường bị mất toàn bộ nền tạo thành những hố sâu, rộng hàng chục mét khiến xã Thượng Sơn gần như bị cô lập. Tất cả các phương tiện không thể di chuyển ngoại trừ việc kiên trì đi bộ. Suốt 4 giờ đồng hồ ròng rã trên đoạn đường 13 cây số để đến UBND xã khiến tôi không khỏi bàng hoàng khi đi qua những đoạn sạt lở nghiêm trọng. Hàng ngàn khối đất cùng cây lớn án ngữ nhiều đoạn đường.


Bí thư Đảng ủy xã Lý Tiến Công cho biết: Toàn xã có 3 gia đình bị mất trắng nhà cửa và toàn bộ tài sản; 13 ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Trong đó, Nặm Am và Hạ Sơn là những thôn bị tàn phá nặng nề nhất. Con đường liên xã, liên thôn bị chia cắt. Các nguồn hỗ trợ về nhu yếu phẩm không thể chuyển đến xã. Trước thực trạng ấy, xã đã hỗ trợ 3 gia đình bị mất nhà ở 1 triệu đồng/hộ; 500.000đ/hộ cho các gia đình có nhà bị hư hỏng nặng; vận động mỗi hộ đóng góp 5 kg gạo để giúp đỡ những gia đình bị mất trắng nhà cửa. Huy động trên 1.000 ngày công dựng 6 nhà tạm, di dời dân đến hội trường thôn và khắc phục một phần hậu quả sau lũ.


Từ UBND xã, chúng tôi đi bộ gần 2 giờ đồng hồ để đến thôn Nặm Am. Cả quả đồi lớn màu xanh vốn hiền hòa như bức tường sau che chắn cho thôn giờ biến thành những rãnh sâu nham nhở, trút toàn bộ đất đá xuống thôn thành những dải đá trắng xóa một vùng. Cụ Lý Văn Nghị tuổi đã ngoài 80, trầm ngâm: “Đây là trận lũ dữ đầu tiên trong đời mà tôi chứng kiến”. Trước bãi đất ngổn ngang đá và xác cây, ông Đặng Văn Thắc đang cố đào bới, hy vọng tìm kiếm được những gì còn sót lại sau lũ. Vợ ông, bà Phàn Thị Loòng ngồi thẫn thờ, đưa ánh mắt xa xăm vào khoảng không vô định. “Cô bảo, không xót lòng sao được. Vì chỗ bà ấy đang ngồi trước đây là ngôi nhà sàn khang trang được thiết kế theo kiểu hiện đại, thoáng chốc đã thành bãi đổ nát”, anh Công nói với tôi. Bà Loòng sụt sùi kể cho tôi giây phút bất ngờ sáng ngày mùng 8: Chúng tôi tỉnh giấc vì tiếng đất đá ầm ầm dội lại. Chưa kịp dụi mắt thì căn nhà bếp đã bị dòng nước dữ cuối trôi ngay trước mắt. Quá hoảng sợ, chúng tôi chạy ra khỏi nhà để lên khu đất cao phía sau. Chưa hết bàng hoàng thì căn nhà sàn 5 gian kiên cố được đổ mái bằng, tầng dưới bao kính trắng cùng nhiều đồ dùng tiện nghi từ từ đổ sụp và nhanh chóng bị dòng nước xiết chia nhỏ... trôi sạch nhà cửa và tài sản trị giá khoảng 700 triệu đồng, chỉ trong chốc lát gia đình bà Loòng trở nên trắng tay. Bà nghẹn ngào: “4 người trong gia đình chúng tôi chẳng còn gì ngoài bộ quần áo mặc trên người”... Rồi bà bật khóc.


Cũng tại thôn Nặm Am, gia đình ông Phàn Văn Lền và ông Triệu Văn Hàn cũng chung cảnh mất trắng nhà cửa và tài sản sau lũ.


Nhiều khó khăn chưa thể khắc phục

Anh Nguyễn Văn Châu, Trưởng phòng Công thương cho biết: khối lượng đất đá trên nền đường lên đến 10.000 m3; nhiều đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng và hỏng hoàn toàn khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo thông xe máy trước ngày 25.7 và thông đường ô-tô trong thời gian 1 tháng.


Việc di dân đến nơi an toàn là bài toán khó. Vì diện tích đất trên địa bàn xã chủ yếu là đất cát pha, dễ sạt lở khi mưa lớn kéo dài. Những khu vực dân cư ở, trước đây đã được khảo sát về mức độ an toàn nhưng đến nay nó đã bộc lộ những mối lo ngại. 28 ngôi nhà sau lũ đang nằm trên những mảnh đất thiếu an toàn khi xung quanh nhà, đất đã nứt rộng chờ ngày lún sụp. Anh Lý Tiến Công, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ước thiệt hại về nhà cửa, tài sản và hoa màu của người dân đã lên đến 15 tỷ đồng, nhiều gia đình thiếu lương thực khi toàn bộ hoa màu đã bị lũ cuốn trôi. Mặt khác, hơn 20 ha ruộng vừa cấy đã bị đất, đá vùi lấp không thể phục hóa thì cuộc sống của người dân sẽ như thế nào khi họ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp? và con số trên 50% hộ nghèo của xã sẽ tăng đến đâu?.


Cơn lũ quét lịch sử đi qua, nhưng dư âm nặng nề của nó vẫn còn. Người dân xã Thượng Sơn, đặc biệt là những hộ gia đình mất trắng nhà cửa và tài sản, họ cần sự hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền và những nhà hảo tâm để bớt khó khăn, dần ổn định cuộc sống.


THU PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mưa lũ gây thiệt hại nặng ở huyện Xín Mần
HGĐT- Đêm 19.7, mưa lớn nhiều giờ đã xảy ra lũ quét tại một số xã của huyện Xín Mần, gây thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của bà con nông dân.
22/07/2013
Quang Bình: Mưa lớn gây thiệt hại về tài sản và hoa màu
HGĐT- Trong các ngày 20- 22.7, mưa lớn kéo dài trên địa bàn huyện Quang Bình đã gây lũ cuốn và sạt lở đất ở 1 số xã trong huyện.
22/07/2013
Trao giải thưởng 'cánh én hồng' lần thứ ba
Tối 20/7, tại Nhà văn hóa Thiếu nhi Việt Đức (Vinh, Nghệ An), Hội đồng Đội TƯ, phối hợp với Báo Nhi đồng tổ chức lễ trao giải thưởng “Cánh én hồng” năm 2013.
22/07/2013
Thăm và tặng quà gia đình bị thiệt hại do lũ
HGĐT- Nhằm chia sẻ khó khăn với các hộ dân xã Việt Lâm (Vị Xuyên), bị thiệt hại trong đợt mưa lũ xảy ra vào ngày 8-9.7, Hội doanh nghiệp tỉnh vừa tổ chức đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình bị thiệt hại.
20/07/2013
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.