Thực hiện Quy chế Dân chủ ở doanh nghiệp:
Doanh nghiệp Nhà nước tuân thủ, tư nhân còn... lỏng lẻo
HGĐT- Toàn tỉnh có trên 48.700 công nhân viên chức, lao động (CNVC,LĐ); trong đó có 1.307 công đoàn cơ sở (CĐCS) với trên 37.500 đoàn viên. Theo báo cáo, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tại khu vực doanh nghiệp (DN) Nhà nước được thường xuyên, theo đúng quy định và quyền lợi của người lao động được đảm bảo.
Các công đoàn khu vực DN Nhà nước đã chủ động phối hợp với Ban giám đốc tổ chức Đại hội công nhân viên chức (CNVC), đến hết quý I có 100% đơn vị tổ chức thành công đại hội. Thông qua đó, người lao động (NLĐ) được tham gia đóng góp ý kiến vào việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; sửa đổi nội quy lao động; việc sử dụng quỹ phúc lợi; quy chế chi tiêu nội bộ; chế độ nghỉ phép; khen thưởng... qua đó có sự trao đổi, tạo nên sự thống nhất giữa ban lãnh đạo và NLĐ. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong các DN Nhà nước cũng được củng cố, phát huy vai trò giám sát thực hiện nội quy, quy chế của đơn vị; đảm bảo chế độ chính sách đối với NLĐ. Hầu hết ban lãnh đạo các cấp đã có trách nhiệm trong việc lãnh, chỉ đạo thực hiện QCDC tại doanh nghiệp.
Đối với các Công ty TNHH, Công ty cổ phần trên địa bàn tỉnh việc thực hiện QCDC đã có sự chuyển biến. Hiện có 53/101 công ty có tổ chức công đoàn, triển khai hội nghị NLĐ theo quy định đạt 52,5%. Việc treo bảng thông báo nội dung QCDC theo Nghị định của Chính phủ về những vấn đề DN phải công khai cho NLĐ biết có khoảng 70% các công ty thực hiện. Tuy nhiên, sau khi Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại 35 DN đã phát hiện vi phạm, thiếu sót ở một số đơn vị.
Ông Hoàng Lâm, Trưởng phòng Pháp lý-Xã hội, LĐLĐ tỉnh cho biết: “Tỷ lệ các DN tư nhân tổ chức được hội nghị NLĐ còn thấp, nội dung mang tính hình thức, công tác tuyên truyền về QCDC trong DN có nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm pháp luật lao động còn phổ biến, nhiều DN nợ đọng BHXH, kinh phí công đoàn... Có một số DN không xây dựng quy ước, nội quy lao động; sử dụng lao động phổ thông mà không ký hợp đồng lao động nên khi có tai nạn, xô xát xảy ra không có gì giàng buộc để phân định trách nhiệm thuộc về bên nào”. Trong khi theo Bộ Luật lao động, các DN phải có tổ chức công đoàn và triển khai hội nghị NLĐ theo đúng thời gian quy định; có nội dung, hình thức đổi mới phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị. Trong đó, ban lãnh đạo phải công khai tình hình của DN, những việc NLĐ được tham gia ý kiến, quy chế về tiền lương, tiền thưởng, định mức khoán... để họ biết được quyền lợi và nghĩa vụ trách nhiệm của mình.
Có tình trạng trên là do tổ chức công đoàn các DN tư nhân còn bị xem nhẹ nên việc giám sát, phối hợp hoạt động bị hạn chế. Hơn nữa, các DN thuộc lĩnh vực giao thông, xây dựng, khoáng sản do đặc thù công nhân lao động chủ yếu theo mùa vụ, tại các công trình xa trụ sở nên việc kiểm tra thực hiện luật lao động gặp khó khăn; vấn đề triệu tập hội nghị NLĐ cũng không dễ dàng.
Để giải quyết tình trạng này, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo CĐCC đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; các văn bản về thực hiện QCDC. Nhằm phát huy hiệu quả của tổ chức công đoàn trong DN để xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội CNVC, hội nghị NLĐ theo đúng quy định. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh sẽ hướng dẫn, giúp đỡ các DN khắc phục tồn tại để đảm bảo Bộ Luật lao động được thực hiện tốt. Trong 6 tháng đầu năm nay, LĐLĐ tỉnh đã giúp 12 DN xây dựng, đăng ký Nội quy lao động; 12 CĐCS ký kết mới thỏa ước lao động tập thể; 06 DN xây dựng và đăng ký thang lương, bảng lương, quy chế trả lương theo quy định.
Thực hiện QCDC tại DN là bảo vệ quyền lợi của NLĐ, do đó cần có sự vào cuộc và phát huy mạnh mẽ vai trò của CĐCC. Hơn nữa, NLĐnên quan tâm nhiều hơn đến việc tham gia tổ chức công đoàn để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bản thân cũng như của các ĐVCĐ.
Ý kiến bạn đọc