Nghị quyết 30a - động lực cho mục tiêu giảm nghèo ở Mèo Vạc
HGĐT- Trong những năm qua, bằng việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Mèo Vạc đã chú trọng đến đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, xóa nhà tạm và dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động. Đến nay, đời sống của nhân dân các dân tộc trên huyện nghèo đang có bước đổi thay đáng kể. Những kết quả mà Nghị quyết 30a mang lại đang được Mèo Vạc xem là một trong những động lực để huyện tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Công trình nhà lưu trú cho giáo viên và học sinh xã Khâu Vai (Mèo Vạc) được đầu tư xây dựng mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác dạy và học.
Đồng chí Nguyễn Chí Thường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Để đưa Nghị quyết 30a thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, huyện đã luôn đề cao công tác kiểm tra và phối hợp. Trên cơ sở kế hoạch thực hiện chương trình, mỗi năm huyện đều xây dựng kế hoạch tổ chức từ 4 – 5 đợt đi kiểm tra nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Các thành viên BCĐ được phân công phụ trách địa bàn tích cực bám sát cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện và các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ các nguồn lực để giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, nhất là khắc phục hậu quả thiên tai.
Với nguồn vốn được bố trí, huyện Mèo Vạc đã thực hiện nhiều chính sách thiết thực, mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo đó, huyện đã bố trí gần 1,5 tỷ đồng thực hiện lồng ghép cùng Dự án 661 hỗ trợ công tác bảo vệ, chăm sóc rừng cho 2.133 hộ dân, thực hiện bảo vệ và phát triển 15.292 ha rừng; trợ cấp 109.120 tấn gạo cho 930 hộ nghèo (5.019 khẩu) nhận chăm sóc, bảo vệ, trồng rừng. Qua đó, trong thời gian qua đã hạn chế tình trạng khai thác, chặt phá, xâm hại tài nguyên rừng. Diện tích rừng trồng mới tăng từ 854 ha năm 2010 lên 1.532 ha năm 2013, độ che phủ rừng đạt 37,3%. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, cho hộ nghèo vay vốn mua giống gia súc, gia cầm, hỗ trợ hộ nghèo làm chuồng trại, hỗ trợ giống lúa, ngô lai, khoai tây, phân bón... được huyện triển khai kịp thời. Do đó, cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày một ấm no.
Do được hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a, người dân Mèo Vạc có thêm nhiều điều kiện phát triển kinh tế, XĐGN.
Song song với việc nâng cao đời sống người dân, Mèo Vạc đang ngày một đổi thay với những công trình giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng được đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả tích cực, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế của huyện trong thời gian qua. Hệ thống kết cấu hạ tầng của huyện có nhiều cải thiện, từng bước được hoàn chỉnh. Đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã, mở mới các tuyến đường dân sinh. Đến nay, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm và 75% số thôn bản có đường dân sinh... Chú trọng xây dựng, tu bổ, nạo vét kênh mương đảm bảo tưới tiêu. Hoàn thành, đưa vào sử dụng 16 hồ treo với tổng dung tích thiết kế hơn 110.000 m3 phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 22.000 dân. Qua đó, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 50%. Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia 45,3%.
Với đặc thù là huyện núi đá, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên Mèo Vạc không chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn quan tâm đến việc dạy nghề gắn với tạo việc làm. Từ nguồn kinh phí bổ sung Nghị quyết 30a, huyện đã mở được trên 100 lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây lương thực, kỹ thuật cắt may... cho 3.402 học viên. Tập trung hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện và nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để tạo động lực cho nhân dân tham gia phát triển sản xuất. Vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia chương trình xóa nhà tạm. Đến nay, đã có 1.846 hộ nghèo được xóa nhà tạm; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 6% trở lên. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 50,55%, ước thực hiện năm 2013 là 43,81%. Bên cạnh đó, chính sách an sinh xã hội đã góp phần ổn định đời sống và tác động tích cực đến công tác giảm nghèo chung của huyện, đặc biệt là các đối tượng khó khăn, đối tượng chính sách trên địa bàn. Chú trọng đào tạo nghề và xuất khẩu lao động, coi đây là giải pháp căn bản để XĐGN bền vững.
Qua thực tế triển khai Nghị quyết 30a ở Mèo Vạc, bằng sự tập trung trong công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp trên cơ sở cân đối nguồn lực đầu tư từ các công trình, dự án, chính sách trên địa bàn, lồng ghép, phối hợp hiệu quả đã và đang là điều kiện thuận lợi để huyện nghèo tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên con đường giảm nghèo nhanh và bền vững.
Ý kiến bạn đọc