“Kho thóc tình thương” ấm lòng người dân Yên Thành
HGĐT- Thấm thoắt đã hơn 5 năm, những hạt gạo từ “Kho thóc tình thương” của Hội Phụ nữ xã Yên Thành (Quang Bình) giúp hàng trăm người nghèo, già cả, neo đơn... trong xã vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Họ vui mừng vì không những có thể giúp nhau lúc hoạn nạn, đói nghèo, đặc biệt vào những ngày giáp hạt, mà còn vì đã làm được một việc thật ý nghĩa theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ!
Chị Hoàng Thị Tám, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Yên Lập, bỏ thóc vào “Kho thóc tình thương”.
Người đưa ra ý tưởng này là chị Hoàng Thị Sinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Thành. Chị Sinh kể: Xuất phát từ thực tế thấy trẻ em bỏ học nhiều, cán bộ xã và giáo viên đi tuyên truyền vận động mới biết đa số các cháu thuộc diện gia đình khó khăn, thiếu gạo ăn nên mỗi tuần học về nhà không có gạo để đến trường góp, dẫn đến bỏ học. Rồi, qua những lần xuống thực tế cơ sở, chứng kiến cuộc sống khó khăn, cơ cực của nhiều gia đình, chị muốn làm một cái gì đó để giúp đỡ người nghèo. Nếu huy động tiền mua thóc, gạo chắc là khó, thế là chị đưa ra ý định làm nhiều “Hũ gạo tiết kiệm” để mọi người có thể giúp nhau lúc khó khăn. Để phong trào thực hiện đồng bộ, lúc đầu công tác tuyên truyền vận động gặp rất nhiều khó khăn, cán bộ Hội Phụ nữ là những người đi tiên phong; các đồng chí lãnh đạo, đảng viên, công nhân viên chức trên địa bàn xã thực hiện trước. Lúc đầu, mọi người rất bỡ ngỡ, nhiều ý kiến cho rằng, nếu góp gạo thì nơi thu gom gạo có dân chủ, công bằng không?... Chính vì thế, để phong trào “Hũ gạo tình thương” hoạt động hiệu quả, tác động trực tiếp đến nhiều hộ dân, lãnh đạo đi đầu mua gạo, thóc góp; đồng thời, Chi hội trưởng Phụ nữ các thôn đi tuyên truyền với thái độ hòa nhã, thân thiện để mọi người hòa mình, trải lòng với những số phận khó khăn. Chị Sinh cho biết thêm: Ở miền núi, bà con đều làm lúa, gạo xay xát bằng thủ công nên mô hình “Hũ gạo tình thương” không thuận lợi, gạo để lâu sẽ bị mốc, do đó chuyển sang mô hình “Kho thóc tình thương”.
Hiện nay, 8/8 thôn của xã đã có “Kho thóc tình thương”, chìa khóa giao Chi hội trưởng Phụ nữ của thôn giữ, nếu nhà nào không may có chuyện là cả thôn họp lại mở kho lấy thóc giúp đỡ. Chị Lương Thị Yên, thôn Yên Lập, tâm sự: “Gia đình tôi vừa ra ở riêng, chồng bị bệnh không lao động được, con còn nhỏ, giáp hạt là thiếu cái ăn, nhiều bữa nằm trên giường cố ngủ cho quên chuyện đói... Rồi làng biết, thôn biết và gạo được cứu trợ tận nhà. Nhờ những hạt gạo ân tình của làng, gia đình tôi bớt khó khăn. Với mô hình này, không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều người nghèo bớt đi một phần khó khăn. Gia đình tôi vô cùng biết ơn Chi hội Phụ nữ đã giúp đỡ trong lúc bần hàn để từng bước vượt qua khó khăn”. Hơn 5 năm qua, “Kho thóc tình thương” như một sợi dây nối liền những tấm lòng thơm thảo của các chị em lại với nhau. Không chỉ vậy, nó còn góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Chị Hoàng Thị Tám, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Yên Lập, chia sẻ: “Mỗi lần trực tiếp đến với các chị em khó khăn, nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của mọi người khi nhận được giúp đỡ của Hội, chúng tôi như được khích lệ về tinh thần và quyết tâm duy trì mô hình này để giúp chị em được nhiều hơn”.
Ông Hoàng Viết Chông, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thành cũng ghi nhận: “Địa phương đặc biệt ủng hộ hoạt động quyên góp gạo, thóc, đây là hoạt động có nghĩa cử cao cả, thấm nhuần đạo đức tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần được nhân rộng ra toàn tỉnh”. Kể từ khi có phong trào “Kho thóc tình thương”, Hội Phụ nữ xã tiết kiệm được hơn 2 tấn gạo, 2,4 tấn thóc giúp hàng chục hộ nghèo hay những gia đình không may gặp cảnh hoạn nạn, ốm đau và những học sinh nghèo có được những bữa cơm đầm ấm vào lúc giáp hạt.
Chia tay những người dân xã Yên Thành, chúng tôi vui lây niềm vui của bà con, đồng thời càng thấm thía về câu chuyện giản dị mà vô cùng ý nghĩa của họ về việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Mỗi người đồng lòng sẻ chia, hỗ trợ để “tích tiểu thành đại” sẽ giúp đỡ được rất nhiều số phận bất hạnh vươn lên trong cuộc sống.
Ý kiến bạn đọc