Giữ mãi tinh thần “thép”
HGĐT- Đúng 14 giờ, tôi bấm điện thoại để hẹn gặp Thượng tá Nguyễn Trọng Kừ. Đầu giây bên kia, giọng nam cố nói với tôi trong tiếng thở khó nhọc, đứt quảng: “3...giờ... cháu đến nhé!”. Tôi băn khoăn tự hỏi: Sao phải chờ đến 3 giờ?. Rồi tôi gặp được ông trong căn nhà nhỏ tại tổ 5, P. Minh Khai (TP. Hà Giang). Lời giải cho câu hỏi tự vấn làm tim tôi se lại: “Khi ấy, bác không thể ngồi dậy nói chuyện với cháu được. Vết thương cũ lại tái phát”...
Những phút giây ông Kừ vui cùng con gái.
Trọn vẹn tuổi xuân cho Tổ quốc
Ông Kừ cố khom mình bước khỏi giường để pha trà đón khách. Trong căn nhà nhỏ, ông kể cho tôi câu chuyện của 48 năm về trước... Ông sinh năm 1945, tại Thanh Hóa, giữa cảnh nước mất nhà tan. Tuổi thơ của ông từng chứng kiến biết bao thương đau của chiến tranh ác liệt. Khi tuổi vừa tròn đôi mươi, ông theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Suốt 36 năm phục vụ trong Quân đội, ông đã tham gia hàng trăm trận đánh và có mặt ở hầu hết các chiến trường lớn như: Gio An (Quảng Trị), Chiến dịch đường 9 Nam Lào, Cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 tại Cố đô Huế, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn... Trong rất nhiều trận chiến, ông là người giỏi trong việc triển khai phương án tác chiến, bố trí lực lượng tiêu diệt địch. Năm 1967, trong Chiến dịch Gio An (Quảng Trị), ông cùng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 10 kiên cường diệt 14 giặc Mỹ và ông vinh dự được kết nạp Đảng tại trận địa khi vừa bước sang tuổi 21. Cuối năm ấy, trong một lần trinh sát đưa Đoàn cán bộ đi công tác, bất ngờ máy bay B52 của Mỹ liên tiếp rải bom, nhiều đồng chí của ông nằm trong vòng bom rải thảm đã vĩnh viễn để lại tuổi xuân nơi chiến trường; còn ông may mắn tránh được sự hy sinh trong gang tấc. Nhưng sức ép quá lớn của bom B52 đã hất ông lên không trung rồi rơi mạnh xuống đất, cú hất ấy để lại cho ông những vết thương mãi mãi không lành.
Năm 1978, từ mặt trận Tây
55 tuổi, ông rời quân ngũ trở về cuộc sống thường ngày, nghỉ chế độ hưu trí với quân hàm Thượng tá, nguyên là Hiệu trưởng trường Quân sự tỉnh. Thế nhưng, vết thương lòng “không giữ được hình hài nguyên vẹn cho con” cộng với di chứng chiến tranh, một lần nữa đẩy ông đến một cuộc chiến không cân sức khác giữa... thời bình.
“Cất tiếng hát cho tới khi từ giã cuộc đời”
Chiều nào cũng vậy, dù không hẹn nhưng bạn bè của Thượng tá Kừ đều hội ngộ tại nhà ông để cùng ôn chuyện cũ và động viên ông. Bởi họ hiểu, vết thương từ sức ép của bom B52 năm xưa đã để lại cho ông căn bệnh ung thư xương di căn giai đoạn cuối. “Ai cũng biết, ung thư là cái chết được báo trước. Nhưng anh Kừ kiên cường lắm. Anh sống vui từng ngày để giành lại sự sống từ tay tử thần”, ông Trần Đình Tư, tổ 6 (P. Ngọc Hà) nghẹn ngào. Ngồi nói chuyện với bạn bè nhưng thỉnh thoảng gương mặt ông lại tái đi vì những cơn đau. Dù cố bình thản nhưng sự đau đớn vẫn hiện rõ trên khuôn mặt ông khi những vết nhăn xô lại.
“Cả tuổi xuân nơi chiến trường, anh Kừ sống đúng với bản chất Bộ đội Cụ Hồ: “Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực” chiến công với nhiều huân, huy chương cao quý do Nhà nước tặng thưởng. Khi hòa bình, dù phải đối diện với bao trái ngang nhưng anh vẫn sống lạc quan, yêu đời. Từ năm 2002 đến nay, anh được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB Thơ ca Thành phố, anh luôn đi đầu trong các phong trào của CLB”. Ông Vũ Ngọc Tân, tổ 2 (P. Quang Trung) chia sẻ: Mỗi lần tham gia các hoạt động văn nghệ, dù phải dùng đến thuốc giảm đau nhưng chưa một lần ông than phiền với anh em mà chỉ âm thầm nén chịu. Vượt lên hoàn cảnh, ông tìm cho mình “tiếng hát... át cơn đau” và cần mẫn sáng tác thơ. Năm 2012, tập “Tình thắm đôi quê” ra mắt bạn đọc khi ông đang nằm trên giường bệnh sau 4 lần phẫu thuật vì di chứng của chất độc màu da cam. Tập thơ ấy, theo nhà thơ Nguyễn Hữu Ninh, đó “là những vần thơ tươi mới, trong sáng, vô tư và thắm đượm tình quê. Những vần thơ của người lính trên 36 năm xông pha trận mạc. Một người lính có tâm hồn thơ từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đến khi về hưu mới có thời gian dành cho thơ”.
Phải chăng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong trận mạc, coi cái chết nhẹ tựa hồng mao đã tôi luyện trong ông một tinh thần “thép”, bất khuất giữa... thời bình: “Dù hôm nay cười nhưng lỡ ngày mai đã là người thiên cổ nhưng tôi sẽ cất tiếng hát cho tới khi từ giã cuộc đời”.
Ý kiến bạn đọc