Giải pháp bảo vệ rừng tốt nhất là “dựa vào dân”
HGĐT- Trước những thách thức đặt ra trong công tác bảo vệ rừng (BVR) trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua, mặc dù đã có không ít các biện pháp được các cơ quan chức năng đưa ra. Nhưng để giải quyết được vấn đề này, vai trò của mỗi người dân trong việc BVR là rất quan trọng.
Khi người dân là “lâm tặc”
Thời gian qua, công tác BVR trên địa bàn tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn bởi các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng diễn biến hết sức phức tạp và chủ yếu tập trung tại các khu rừng đặc dụng và các khu rừng giáp biên giới. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã bắt giữ không ít vụ vận chuyển gỗ lậu dạng thớt. Trong đó, phải kể đến vụ “liên minh” giữa cô giáo mầm non và 2 Công an tỉnh bắt tay với nhau vận chuyển gỗ trái phép qua địa bàn xã Phú Linh (Vị Xuyên). Theo nhận định của Chi cục Kiểm lâm, các hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép có giảm về số vụ nhưng tính chất, mức độ xâm hại đến tài nguyên rừng ngày một nghiêm trọng hơn. Cuộc đấu tranh để giữ rừng, BVR luôn đặt ra nhiều khó khăn đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, có lúc gay gắt trở thành “điểm nóng”. Lâm tặc ngày càng tinh vi hơn, không từ một thủ đoạn nào để phá rừng, che dấu, tẩu tán tang vật; khi bị phát hiện, chúng dùng thủ đoạn mua chuộc, tổ chức đông người chống đối người thi hành công vụ... gây hậu quả nghiêm trọng cho các lực lượng BVR. Lâm tặc có hành vi manh động như vậy là vì lợi nhuận có từ việc buôn bán, vận chuyển lâm sản mang lại rất cao. Nhưng điều đáng nói ở đây, hầu hết những đối tượng vận chuyển, khai thác gỗ trái phép lại là người dân sống tại các xã biên giới và trong vùng lõi rừng đặc dụng. Vì họ thông thuộc địa hình nên việc vận chuyển diễn ra rất nhanh chóng, khi gỗ đã được chuyển qua biên giới thì các lực lượng của ta đều bó tay. Trước tình hình đó, chính quyền tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ các khu rừng tự nhiên trên địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm đến các khu rừng đặc dụng thuộc 2 huyện Vị Xuyên, Quản Bạ. Biện pháp đang được thực hiện tại thời “điểm nóng” là lập các chốt, trạm liên ngành ở những nơi bị khai thác nghiêm trọng.
Giải pháp phải gắn với chính sách kinh tế
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm, các ngành chức năng của tỉnh thành lập các tổ tự quản, các chốt, trạm liên ngành; trong đó ở xã Minh Tân (Vị Xuyên) có 9 tổ tự quản do người dân địa phương tự đứng ra BVR và 2 tổ chốt, trạm liên ngành. Tình hình BVR hiện đã tạm ổn nhưng nếu lơ là cảnh giác thì nguy cơ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép sẽ bùng phát trở lại. Các tổ tự quản đang được coi là hình thức triển khai có hiệu quả nhất, vì chỉ có người dân mới có khả năng BVR tốt nhất; còn đối với các cơ quan chức năng do hạn chế trong việc nắm bắt thông tin, địa hình... Ngoài ra, một giải pháp quan trọng nữa là tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân đứng về phía chính quyền đồng thời gắn lợi ích của họ với cơ chế chính sách về phát triển rừng tại địa phương và đểcho người dân được hưởng lợi từ rừng. Một ví dụ điển hình về sự cần thiết của người dân trong công tác BVR đó là: tại khu vực rừng đặc dụng Phong Quang (Vị Xuyên), với hơn 7km đường biên giới thì có đến 9 thôn giáp biên giới mang thớt nghiến sang Trung Quốc bán. Do một số người dân không hiểu về tầm quan trọng của việc BVR, còn mơ hồ với quan điểm khi nào phía bên kia không thu mua thì chúng tôi ngừng khai thác thớt gỗ để bán. Một vấn đề nan giải khác là việc quản lý cưa xăng, theo thống kê tại xã Minh Tân có 326 chiếc cưa xăng nhưng trên thực tế phải có hàng nghìn chiếc bởi người dân chưa tự giác khai báo; cưa xăng là phương tiện chính để phá rừng, nhưng các cấp quản lý chưa có giải pháp khả thi nào để quản lý, vì cưa xăng cũng là công cụ phục vụ sản xuất của người dân.
Những vấn đề nêu trên, chỉ là những giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng nóng về khai thác và vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh. Còn giải pháp lâu dài, thì các địa phương cần có những chính sách phát triển kinh tế phù hợp với cuộc sống của người dân. Theo đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ (Vị Xuyên) cho rằng: “hiện nay, diện tích khoán BVR trồng trên địa bàn huyện là 1.131,6 ha; hầu hết các hộ nhận khoán đã thực hiện tốt công tác chăm sóc BVR. Tuy nhiên, hình thức BVR chủ yếu là cộng đồng quản lý, do đó việc bảo vệ, khai thác rừng đúng quy trình và để phát triển vốn rừng bền vững vẫn còn nhiều hạn chế. Nguồn vốn đầu tư cho công tác BVR hạn hẹp, người dân chưa được hưởng lợi từ rừng nên ý thức bảo vệ còn thấp; công tác quy hoạch lâm nghiệp chậm, thiếu đồng bộ không phản ánh đúng hiện trạng. Nếu người dân được hưởng lợi từ rừng như: các lâm sản phụ từ rừng phòng hộ, đất rừng để phát triển lâm nghiệp... thì công tác BVR sẽ được thực hiện tốt”.
Ý kiến bạn đọc