Từ Cao nguyên đá Đồng Văn đến biển đảo Cô Tô

09:05, 22/05/2013

HGĐT - Đến hẹn lại lên, “Hành trình về nguồn” là sự kiện hàng năm của tuổi trẻ Báo Hà Giang cùng với báo Đảng các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc hướng về truyền thống cách mạng, hướng về cộng đồng nơi gian khó.


Trong lần hội ngộ năm 2013 này, thật đặc biệt khi lần đầu tiên tuổi trẻ các báo được về miền biển đảo Cô Tô (Quảng Ninh), một nơi có ý nghĩa quan trọng về an ninh – quốc phòng và phát triển kinh tế của đất nước. Đặc biệt hơn, cuộc hội ngộ lần này được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 123 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu...

 

Sau một ngày đường dòng dã từ Cực Bắc Hà Giang, chúng tôi chạm chân đến đất Vân Đồn (Quảng Ninh). Biển và đảo đó là 2 từ mà mỗi đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đều khát khao hướng đến. Càng khát khao hơn khi từ miền “Hạ Long trên cạn”, ĐVTN Hà Giang lại được chứng kiến một Hạ Long – Vân Đồn rì rào sóng vỗ. Qua đêm gió biển mặn mòi ở huyện đảo Vân Đồn, chúng tôi lên tầu cao tốc từ cầu cảng Cái Rồng ra với Cô Tô. Dù sóng vỗ dập dồn, tầu chao đảo, nhưng ngót 2 giờ trên biển, gần 100 thanh niên của 20 báo Đảng không ai bị say sóng cả. “Hòn ngọc xanh” Cô Tô dần hiện lên giữa màn sương sớm và nắng đầy quyến rũ. Ai nấy đều háo hức chạm chân xuống đảo, bởi sự tò mò và mong muốn được khám phá cuộc sống của những “hậu duệ” Mai An Tiêm trên đảo.

 

Thật bất ngờ giữa sóng đảo rì rào, Cô Tô có một nơi tưởng nhớ Hồ Chủ tịch trang nghiêm và rất đẹp. Nơi đây vào năm 1961, Bác Hồ đặt chân đến đảo để thăm bà con miền đảo hoang sơ. Cũng tại đây, có tượng Bác đầu tiên được nhân dân tạc khi người vẫn còn sống, thể hiện tình cảm sâu sắc của người dân Đảo Cô Tô nói riêng và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh nói chung với Người. Hơn 50 năm sau, dưới chân Tượng đài Bác, cùng với ĐVTN trên đảo, những nén hương thơm ngát của tuổi trẻ báo Đảng báo công với Bác sau những ngày tháng đầy nỗ lực, cố gắng trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Không những thế, trong hành trình về với biển đảo này, tuổi trẻ báo Đảng còn mang đến những tình cảm đặc biệt với mái nhà tình nghĩa dành cho hộ nghèo, với những loại cây xanh đặc trưng của 20 vùng đất phía Bắc và những tình cảm vật chất, tinh thần của từng miền quê khác nhau. Với riêng tuổi trẻ Báo Hà Giang, mang đến Cô Tô những cây sa mộc, một loại cây cao thẳng, trường tồn rất đặc trưng trên Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Bạn Ma Thị Thủy, Phó Bí thư Chi đoàn Báo Hà Giang cho biết, hướng về biển đảo, tuổi trẻ Báo Hà Giang mang cây sa mộc ra trồng ở đảo với mong muốn không chỉ tạo thêm mầu xanh cho đảo mà còn đem tình cảm của con người miền đá biên cương bất khuất đến với biển đảo Cô Tô. Cùng với đó, tuổi trẻ Báo Hà Giang còn chung tay tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, đóng góp vật chất cho công trình đưa điện ra đảo đầu tiên của cả nước ta. 



Bình yên trên đảo Cô Tô.
 

Thật cảm động tại đảo Cô Tô, chúng tôi được gặp những người lính đảo sạm mầu nắng gió. Anh Nguyễn Mộng Điệp, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Cô Tô là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng huyện đảo cho biết: Năm 1987, sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan lục quân, anh được phân công ra đảo. Gần 30 năm ở đảo, người lính quê ở huyện Thái Thụy (Thái Bình) này đã coi biển đảo là quê hương thứ 2. Cùng với người dân ở các miền quê như Thái Bình, Hải Phòng, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa ra đây lập nghiệp, tạo nên huyện đảo với hơn 6.000 dân. Mấy chục năm đã qua, với biết bao gian khổ nơi sóng gió, Cô Tô lớn dần, lớn dần trong quyết tâm và sự đoàn kết của quân dân nơi đây. Anh Điệp nhớ lại, năm 1994, huyện Cô Tô được tách lập từ huyện Cẩm Phả. Khi ấy, mỗi lần ra, vào đảo là cả nỗi vất vả, dù khoảng cách chỉ 60km. Mỗi tuần chỉ có 1 – 2 chuyến tầu nhỏ ra đảo, những lần sóng to, gió lớn, đi đến Cửa Đối là lại phải quay lại. Từ khó khăn ấy, quân dân trên đảo lại càng đoàn kết để bám trụ với đảo.

 

Gần 20 năm xây dựng, đến nay khó khăn trên đảo vẫn còn rất nhiều, dù hàng tuần đã có nhiều chuyến tàu ra và về, nhưng giá cả các mặt hàng vẫn còn khá cao. Người dân trên đảo hiện phải dùng điện chạy bằng dầu khá đắt. Mỗi số điện ở những xã đảo như Thanh Lân, Đồng Tiến thuộc huyện đảo Cô Tô, giá đến 18.000đ, được Nhà nước hỗ trợ 50% giá, bà con vẫn phải chi... 9.000đ cho một số điện. Anh Điệp tâm sự, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con được hỗ trợ rất nhiều để phát triển nghề khai thác thủy hải sản, nông nghiệp, dịch vụ - du lịch, hỗ trợ người dân hưởng thụ thông tin qua ti vi, internet... Hiện nay, trên đảo đã được đầu tư 3 hồ chứa nước ngọt nhân tạo với dung tích trên 100.000m3. Nhờ sự cần cù, chịu khó, người dân nơi đây đã có mức thu nhập bình quân đạt 1.200USD/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên đảo chỉ còn 1,31%. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đảo đã hoàn thành 13/19 tiêu chí. Năm 2013 này, huyện sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt hơn, dự kiến tháng 10.2013, Dự án đưa điện ra đảo sẽ hoàn thành với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Qua đó, tạo nên sự đột phát cho huyện đảo, đặc biệt là cho việc phát triển du lịch khi mỗi năm, đảo đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách.

 

Cùng với việc xây dựng huyện đảo, việc duy trì lực lượng sẵn sàng bảo vệ biển đảo cũng được quan tâm. Hiện trên đảo có các lực lượng gồm 3 Đồn biên phòng, 1 Ban chỉ huy quân sự huyện, 1 trạm ra đa hải quân, 1 trung đội thao trường thuộc Lữ đoàn 147... Đất lành chim đậu, hiện đã có hàng chục cán bộ chiến sỹ gắn tổ ấm của mình với đảo. Cô Tô hiện có hệ thống trường học từ bậc mầm non đến cấp III. Huyện có 1 trung tâm y tế đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân. Nhiều thầy giáo, y bác sỹ bao năm trước đã tình nguyện ra đảo công tác và xây dựng tổ ấm trên đảo. Nhiều hộ gia đình trên đảo sau mấy chục năm ở đây, giờ đã sinh ra thế hệ thứ 3 trên đảo. Anh Lê Văn Chiến và chị Nguyễn Thị Mến là người Nam Định ra đảo lập nghiệp nhiều năm nay cho biết, người dân ở đảo lấy “biển làm ruộng”, anh chị cũng như nhiều hộ dân nơi đây chủ yếu bám biển để làm kinh tế. Khi thuận buồm xuôi gió, vụ sứa, mực được mùa, nhiều hộ dân đã trở thành “tỷ phú trên biển”.

 

Giữa gió đảo mặn mòi, chúng tôi bắt gặp câu chuyện cảm động của phóng viên Mai Toan (Báo Bắc Giang). Ngót chục năm trước, Mai Toan là sinh viên K47 Văn trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tham gia tình nguyện tại đảo Cô Tô. Giờ trở lại đảo, Toan bất ngờ gặp lại Đức Thùy, cậu bé lớp 10 ngày nào, giờ đã lớn phổng như Phù Đổng, trở thành sỹ quan công an trên đảo. Hai chị em gặp lại nhau với rất nhiều ký ức một thời tình nguyện, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” của sinh viên khoa Văn với bà con trên đảo. Toan tâm sự, cũng chính vì những kỷ niệm rất đẹp về Thùy, về cuộc sống chân thành của người dân trên đảo đã thôi thúc Toan trở lại Cô Tô trong một cuộc hành trình đầy cảm động.

 

Đêm Cô Tô, lửa trại bập bùng trên bờ biển đầy gió, tuổi trẻ các báo Đảng đã “thức cùng Cô Tô”. Ở nơi đây, rất nhiều tình cảm, nhiều ngọn lửa trái tim đã được thắp lên. Anh Nguyễn Công Hùng, Phó Bí thư Huyện đoàn Cô Tô phấn khởi nói, trước tình cảm của tuổi trẻ báo Đảng, tuổi trẻ trên đảo càng thấy được trách nhiệm xây dựng, bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Qua hành trình lần này, tuổi trẻ Cô Tô, người dân Cô Tô mong muốn mỗi ĐVTN báo Đảng sẽ là những sứ giả quảng bá cho hình ảnh Cô Tô đến với bè bạn trong và ngoài nước. Tạm biệt Cô Tô, tạm biệt những công dân biển đảo nhiệt thành, hành trình “Về miền di sản quan họ” sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2014. Ở nơi đó, tuổi trẻ báo Đảng sẽ lại cháy lên tình cảm của tình đồng chí, đồng nghiệp.

                Cô Tô, tháng 5.2013


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tăng cường các biện pháp ngăn chặn gia cầm nhập lậu
HGĐT - Thời gian qua, trên địa bàn cả nước, nhiều địa phương đã xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 với những biến đổi mới, nguy hiểm hơn. Đặc biệt, tại nước láng giềng Trung Quốc đã có hơn 100 người mắc, 24 người chết vì nhiễm cúm gia cầm H7N9, một chủng mới có tính nguy hiểm cao. Nguy cơ lây lan loại dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm là từ sự kết hợp giữa chim hoang dã và gia cầm
22/05/2013
Có một Agribank trên rẻo cao
HGĐT - Có một Agribnk trên rẻo cao mà nhắc đến người dân nào nơi đây cũngbiết; có một Agribank đang từng ngày cùng các cấp các ngành mở “Con đường rộng” cho tam nông phát triển và có một Agribank đang “trồng” vào bụng đồng bào mình ý trí dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới...
21/05/2013
Cần tiếp tục tạo nên sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
HGĐT - Trong quá trình xây dựng và phát triển, cải cách hành chính (CCHC) được coi là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển KT-XH.
21/05/2013
UBND tỉnh, Thanh tra Chính phủ tiếp tục chương trình đối thoại về kết quả rà soát việc giải quyết khiếu nại của công dân
HGĐt - Tiếp tục chương trình đối thoại về kết quả rà soát giải quyết khiếu nại của công dân, ngày 16.5, UBND tỉnh, Thanh tra Chính phủ đối thoại với ông Nguyễn Hồng Đăng, tổ 15, phường Minh Khai và bà Trần Thị Hòa, tổ 1, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang. Đến dự có các đồng chí: Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Cục I, Thanh tra Chính phủ;
20/05/2013
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.