Người dân 4 thôn vùng cao xã Thanh Thủy ... “khát điện”

08:15, 28/05/2013

HGĐT- Cụ bà đã sống quá nửa đời người, địu đứa cháu nhỏ đưa ánh mắt xa xăm nhìn về cuối con đường... Hỏi ra mới biết, cụ đang ngóng con trai: “Chẳng biết mấy giờ nó mới về đến nhà để sửa cái máy điện. Trời sắp tối rồi, nó không về kịp, tối nay lại... thắp đèn dầu”. Lời chia sẻ mộc mạc ấy của cụ Lý Thị Duyên, thôn Nà Toong cũng là nỗi lòng chung cho biết bao hộ dân thuộc các thôn: Lùng Đoóc, Coóc Nghè, Nà Toong, Nậm Ngặt của xã Thanh Thủy (Vị Xuyên).



Anh Nguyên sửa lại chiếc máy phát điện thường xuyên bị hỏng.


Anh Bùi Trung Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: Lùng Đoóc, Coóc Nghè, Nà Toong, Nậm Ngặt là 4 thôn vùng cao biên giới, giáp Trung Quốc có tổng diện tích trên 3.000ha đất tự nhiên với 133 hộ dân sinh sống, chủ yếu đồng bào dân tộc Tày, Dao... Thiếu nước trong sản xuất, sinh hoạt vào mùa khô; đường sá đi lại khó khăn, không điện lưới Quốc gia, phải thắp đèn dầu mỗi tối... là đặc điểm chính để “nhận diện” 4 thôn vùng cao. Dù thôn xa nhất chỉ cách trung tâm xã 9km nhưng để đi hết 4 thôn phải mất... cả ngày. Vì đường đi lại khó khăn, dân cư sống rải rác. Ngoài những con đường liên thôn chưa được rải nhựa là những đường dân sinh tự mở. “Họ dùng chính sức của mình, với những dụng cụ đơn giản trong sinh hoạt để đào những con đường nhỏ... xuyên qua đá, lấy lối đi lại mà đắng lòng”, anh Thu xót xa.

 

Từ UBND xã, chúng tôi men theo con đường cấp phối, trải đầy những viên đá hộc... đến những con đường liên thôn mà ở đó: Nếu chẳng may sẩy tay lái... vực sâu sẵn sàng “ôm” gọn người điều khiển cùng chiếc xe xấu số. Xe Wawe Alpha của chúng tôi “uốn” mình qua những khúc cua tay áo... Ngẹt thở, rồi ì ạch gài số 1 để vượt gần 8km đường đất gồ ghề đá, “dốc lên khúc khuỷu” và trơn trượt sau những trận mưa ban sáng. Phải mất gần 30 phút, chúng tôi đến được thôn Coóc Nghè. Những trận mưa ban sớm không đủ sức xua đi sự oi ả của nắng hè. Người người hối hả, tranh thủ nối dây, bắt những dòng nước chảy từ vách đá, sườn đồi để đón nước sau mưa. Anh Đặng Văn Liệt, gạt những giọt mồ hôi trên trán, tay không ngừng gỡ cuộn dây nước, nói với chúng tôi: “Cuộc sống bà con thôn mình khổ lắm, quanh năm ngày tháng sống nhờ nguồn nước tự nhiên. Một năm chỉ cấy được một vụ lúa vào đầu tháng 6. Mùa khô đến, ruộng nhà nào cũng bỏ hoang vì không có nước. Dù chuyển đổi sang trồng ngô, lạc, đậu tương, cũng không thể cho năng suất. Bởi thiếu nước, khó khăn mọi bề. Chẳng may trời hạn hán, chúng tôi chỉ biết... ngóng lên giời... chờ trời mưa xuống. Cảnh chung của bốn thôn vùng cao đấy”.

 


Dẫn nước từ khe núi về nhà làm nước sinh hoạt.


Giữa trưa hè, chúng tôi gặp anh Lý Văn Nguyên (thôn Nà Toong), tay cầm kìm, dao tất tả đi về phía trước. Bộ quần áo anh mặc lấm lem bùn đất. Anh vừa đi gần 1km để sửa máy phát điện bị hỏng. Anh ngậm ngùi: Từ bao đời nay, người dân đã quen với việc tận dụng các dòng chảy của khe nước suối, đặt tua-bin làm máy phát điện. Nhưng nguồn điện không ổn định, do phụ thuộc vào lực của dòng chảy.

 

Ngồi trong nhà anh giữa cái nắng của buổi trưa mùa hè... không quạt. Ai cũng vậy, thỉnh thoảng lại đưa tay áo quệt những giọt mồ hôi trực rơi trên trán, lặng lẽ nhìn nhau... không lời. Vì ai cũng hiểu: “Giờ mở nước chạy máy điện thì tối lấy đâu ánh sáng ăn cơm, khi ao hết nước?”. Anh Nguyên bảo: “Nhiều người chắc không biết đến cây đèn dầu. Nhưng ở đây, đèn dầu là ánh sáng “chủ lực” trong đêm, được sử dụng thường xuyên trong mỗi gia đình. Mùa mưa chỉ đủ nước để phát điện đúng giờ ăn cơm. Mùa khô, phải dành nước vào ruộng, tưới tiêu cho cây trồng. Có khi đang ăn cơm, ao hết nước, hỏng máy hay rác cuốn vào tua-bin... Mất điện, là “điệp khúc” diễn ra ngày ngày của bà con 4 thôn vùng cao từ bao thập niên...”. Tối đến, trong căn nhà sàn rộng, chỉ có duy nhất ánh đèn dầu le lói, sáng một góc nhà, cho trẻ con ngồi học. Những cụ già mắt đã mờ, chân đã chậm, chỉ còn đôi tay run rẩy, khua khoắng tìm đồ. Cả cuộc đời họ khắc khổ, nay xót thương đôi mắt trẻ thơ hiếu học, hàng đêm đưa cuốn vở sát mắt, miệt mài học đọc, học viết mà không biết ngày nào mắt chúng mắc các tật về mắt... “Ước gì có điện để mỗi khi hết gạo không phải lận đận xuống tận xã để sát. Ước gì có điện để gia đình quây quần bên mâm cơm tối, được xem chương trình Thời sự, chương trình giúp dân thoát nghèo; các em nhỏ được xem chương trình thiếu nhi; những cụ già bước vững khi điện sáng. Điện... khát điện thật”, anh Nguyên không giấu nổi lòng mình.

 

Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề trên, anh Thu cho biết: Từ năm 2005, xã nhiều lần có đơn kiến nghị lên các cấp lãnh đạo, đưa ra ý kiến trong những buổi tiếp xúc cử tri để mong kéo điện về 4 thôn vùng cao. Nhưng không ít lần các đoàn khảo sát đến rồi đi. Bà con mỏi mòn hy vọng... Theo Quyết định số 268 của Thủ tướng Chính phủ, những hộ dân nghèo được hỗ trợ 90.000đ/năm để mua dầu thắp sáng. Nhưng hiện nay trên thị trường, dầu hỏa có giá trên 30.000đ/lít... Liệu số tiền kia có đủ để người dân thắp sáng trong một năm?. Và ở đâu đó, vẫn còn nhiều những câu hỏi như cụ Duyên, đủ làm tim ta se lại giữa... mùa hè cháy nắng: “Điện Quốc gia có sáng hơn bóng điện nước này nhiều không? Quạt có mát hơn không? Tivi có xem được không?. Người ta bảo “có”. Nhưng tôi đã ở “dốc bên kia” cuộc đời rồi... Tôi phải đợi đến bao giờ mới được nhìn thấy ánh điện Quốc gia?. Tôi có đợi được không cô?”...

 

Rời 4 thôn vùng cao để trở về thành phố, khi ánh đèn đường đã bật sáng, khiến chúng tôi nhớ đến những nơi mình đã đi qua. Một câu hỏi bất chợt nảy sinh: Nếu những thôn ấy không được các cấp ủy, chính quyền xem xét thỏa đáng thì có khi nào cuộc sống của họ cứ vậy lùi về quá khứ, khi các địa phương khác ngày thêm phát triển?.Mong sao, ánh điện Quốc gia sớm về với 4 thôn vùng cao để quê nghèo bừng lên ánh sáng văn minh.


T.PHƯƠNG - T.LINH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhóm Từ Tâm tặng quà tại huyện Quang Bình
HGĐT - Trong các ngày 25-26.5, Nhóm Từ Tâm là những bạn trẻ có cùng sở thích chơi Facebook phối hợp với ĐVTN huyện Quang Bình đi thăm, tặng quà và tình nguyện giúp người dân bị thiệt hại do lốc xoáy tại các xã Tân Trịnh, Tân Bắc, Bằng Lang.
27/05/2013
Chế độ, chính sách mới đối với nhà giáo, người hành nghề ở các cơ sở khám, chữa bệnh công lập
HGĐT- 1. Chính sách với nhà giáo công tác nơi đặc biệt khó khănChính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20.6.2006, của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn (ĐBKK).
25/05/2013
Nổ và cháy máy biến áp Trạm Hạ thế ở Tân Lập (Bắc Quang)
HGĐT - Vào khoảng 22h 30 phút ngày 22.5, tại thôn Minh Hạ, xã Tân Lập (Bắc Quang) đã xảy ra sự cố nổ và cháy máy biến áp, Trạm Hạ thế điện 35KW. Hậu quả đã làm 5 người dân trong thôn bị thương nặng và gây thiệt hại khoảng trên 200 triệu đồng tài sản của một số bà con trong thôn.
24/05/2013
Nick Vujicic bất ngờ hội ngộ em bé không tay chân Việt Nam
Giống như một phép màu mà không kịch bản truyền hình nào dựng nên, em bé không tay chân Linh Chi đã bất ngờ có cuộc gặp gỡ với Nick Vujicic ngay giữa SVĐ QG Mỹ Đình trước sự cảm động của hơn 15.000 khán giả.
24/05/2013
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.