Ngựa thồ... trên đường đua
HGĐT- Người vùng cao nói chung, đồng bào ở bốn huyện phía Bắc của tỉnh Hà Giang nói riêng đều có môi trường sống tương đồng như nhau: Đất ít, đá nhiều, nước hiếm hoi; dốc ngược, thung sâu, thiếu đất bằng! Một bước lên nương là bước nhướn; mỗi lần xuống chợ mỗi nhúm chân! Đã ngàn đời nay, người vùng cao gắn bó với con ngựa – vật nuôi thân thiết của gia đình để giảm bớt đi nhọc nhằn, giảm bớt đi mồ hôi, rút ngắn lại quãng đường. Ngựa sẽ thồ, ngựa sẽ cõng, sẽ nhậnphần nặng trên lưng mình.
Vẫn những con ngựa ấy chở, thồ, cõng, kéo xe... cặm cụi với những việc thường ngày. Thế nghĩa là, Ngựa là một trong những tài sản quý báu, là phương tiện, là sức lực, là một thứ trang điểm, là niềm tự hào cho người chủ của nó. Ngựa ốm chủ không ăn; Ngựa lăn, Ngựa gằn, Ngựa hí; Ngựa xoãn bờm, Ngựa khụy gối, ngựa không “ngồi” lên được... thì người nuôi nó cũng sẽ lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Có thể khẳng định rằng con ngựa đối với đồng bào vùng cao không những có giá trị về mặt vật chất mà nó còn mang giá trị rất lớn về mặt tinh thần. Không những là vật nuôi vô cùng hữu ích phục vụ sản xuất, thông qua lao động thường ngày, những chú ngựa thồ đã được tuyển chọn, huấn luyện để trở thành ngựa đua và từ đó những cuộc đua ngựa, chọi bò, chọi dê, chọi chim... được tổ chức nhiều nơi trên địa bàn toàn tỉnh... đã mang lại giá trị văn hóa phi vật thể đặc biệt của đồng bào các dân tộc tỉnh ta.
Tung vó sau hiệu lệnh xuất phát.
Trong chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa, Du lịch Lễ hội “Chợ tình” Khau Vai năm 2013 tại huyện Mèo Vạc vừa diễn ra, cùng với nhiều hoạt động khác thì Ban tổ chức lễ hội đã tổ chức Hội đua ngựa với quy mô cấp huyện. Tham gia Hội đua ngựa có 14 nài ngựa của các xã, thị trấn trong toàn huyện và các nài ngựa đến từ huyện Yên Minh điều khiển 14 ngựa đua. Theo Ban tổ chức Hội đua ngựa nhằm tiếp tục khuyến khích các gia đình phát triển chăn nuôi và bảo tồn giống ngựa vùng cao nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân trong toàn huyện.Qua đó, tạo bước đột phá mới trong các hoạt động văn hoá, thể thao, tạo đà cho sự phát triển nền kinh tế ngày càng đi lên. Đồng thời cũng là dịp phát động phong trào tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, tăng cường thể lực; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tăng cường tình đoàn kết; tạo không khí vui tươi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc trên địa địa bàn huyện Mèo Vạc; khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc theo hướng: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Được biết, trong 2 năm qua, thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ huyện Mèo Vạc về đẩy mạnh trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi đàn gia súc hàng hóa. Đến nay, tổng đàn gia súc của huyện Mèo Vạc không ngừng tăng lên với số lượng đứng đầu toàn tỉnh, trong đó tổng đàn ngựa chiếm phần không nhỏ. Hội đua ngựa lần này là hoạt động thiết thực nhằm tạo tiền đề phát triển theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện lấy con ngựa là đột phá, vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển du lịch.
Được chứng kiến những chú ngựa đua (vốn là ngựa thồ) thể lực sung mãn tung vó trên đường chạy, trên lưng là những chàng trai nài ngựa (vốn là những người nông dân) dũng mãnh và tự tin trong cuộc đua mới cảm nhận thêm được rằng ở giữa vùng đá khắc nghiệt và đầy gian khó này con người nơi đây vẫn khẳng định được sức mạnh, lòng quả cảm và tâm hồn phóng khoáng như nắng, như gió cao nguyên. Những chú ngựa đua tung bờm phi nước đại trong tiếng reo hò, cổ vũ không ngớt của hàng ngàn khán giả đến từ mọi miền. Những nài ngựa tay chắc dây cương rạp mình trên lưng “chiến mã” không yên trên đường về đích đã tạo nên những cảm xúc thật ấn tượng về tốc độ và lòng dũng cảm.
Cũng như các lễ hội chọi trâu, chọi bò, chọi dê... Hội đua ngựa đã mang lại giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc của người dân huyện Mèo Vạc, đáp ứng được khái niệm của UNESCO đưa ra: “Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm và trong một số trường hợp là cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng, các nhóm không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”.
Không riêng gì Hội đua ngựa mà các hoạt động như: Hội chọi chim Họa mi, Hội chọi dê, Hội chọi bò; Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà (diễn ra tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai); hát đối giao duyên; thi làm bánh Dầy, thi dệt vải lanh... tại Tuần Văn hóa, Du lịch Lễ hội “Chợ tình” Khau Vai năm 2013 là những hoạt động thực sự thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể của huyện Mèo Vạc.
Ý kiến bạn đọc