Nghị quyết 30a giúp 6 huyện nghèo “thay da, đổi thịt”
HGĐT- Sau 4 năm tỉnh ta triển khai, thực hiện Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ đã giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ về y tế, giáo dục và đời sống; được hưởng thụ nhiều hơn từ các công trình công cộng... Nghị quyết 30a thực sự đã làm “thay da, đổi thịt” cho 6 huyện nghèo trên nhiều phương diện, cả về bề nổi cũng như chiều sâu.
Trung tâm Dạy nghề Yên Minh đào tạo nghề sản xuất chè cho người dân xã Na Khê.
Tỉnh ta có 6 huyện nằm trong diện được thực hiện Nghị quyết 30a gồm: Đồng Văn; Quản Bạ; Yên Minh; Mèo Vạc; Xín Mần; Hoàng Su Phì. Đây là những huyện có điểm xuất phát thấp, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn... Trong điều kiện tỉnh nghèo, để giúp các huyện nghèo vươn lên từ nguồn lực địa phương là việc làm khó. Cơ hội mở ra cho 6 huyện nghèo của tỉnh khi Nghị quyết 30a của Chính phủ được triển khai từ năm 2009. Xác định đây là cơ hội để các huyện nghèo bứt phá nên ngay khi Nghị quyết 30a ra đời, các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện đã tập trung triển khai các bước tiến hành theo đúng chỉ đạo của T.Ư. Công tác lãnh, chỉ đạo được quan tâm và tạo sự đồng thuận cao. Để giúp các huyện xây dựng Đề án thực hiện Nghị quyết, tỉnh đã cử cán bộ các ngành chuyên môn xuống giúp huyện. Đồng thời xem xét, phê duyệt Đề án theo đúng kế hoạch, tiến độ, đảm bảo phù hợp với nội dung Nghị quyết 30a và điều kiện thực tế của địa phương. Các huyện cũng cụ thể hóa Nghị quyết, chương trình hành động của tỉnh thành Nghị quyết, chương trình hành động của địa phương, sát với điều kiện thực tế. Đồng thời phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể trên từng lĩnh vực, gắn trách nhiệm của từng đơn vị phụ trách, đỡ đầu đối với xã và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong xã đối với thôn bản, hộ nghèo. Do đó, việc thực hiện Nghị quyết được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa công tác XĐGN cũng được quan tâm và thu hút được nguồn lực đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty, trong đó nổi bật là sự hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam; Công ty Him Lam và Ngân hàng Liên Việt... Nhờ đó, Nghị quyết 30a của Chính phủ được thực hiện đạt kết quả khả quan.
Trong 4 năm, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30a được ví như “luồng gió mát lành” làm thay đổi cuộc sống của người dân và diện mạo của 6 huyện nghèo. Tổng kinh phí đã thực hiện các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a (2009-2012) tại 6 huyện trên là 1.117 tỷ đồng: Vốn đầu tư phát triển trên 804 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 214 tỷ đồng; kinh phí đầu tư cho 13 xã khu vực II thuộc huyện nghèo gần 4 tỷ đồng; kinh phí xóa nhà tạm theo Nghị quyết 167 gần 95 tỷ đồng. Nguồn vốn đó đã hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm nghìn hộ nghèo thông qua kinh phí giao khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ giống, phân bón, khai hoang ruộng bậc thang; chăn nuôi, vay vốn sản xuất và phát triển nghề và xuất khẩu lao động... Trong chính sách giáo dục, y tế, dạy nghề nâng cao dân trí: Có trên 37.000 học sinh (HS) nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền ăn, trên 92.000 HS được hỗ trợ chi phí học tập; 670 nhân viên y tế thôn bản được nâng phụ cấp, gần 365.000 người nghèo được mua thẻ bảo hiểm y tế hàng năm và trên 45.000 bệnh nhân được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi đường; trên 28.000 lao động được hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm... Đã đầu tư 167 công trình cấp huyện, 751 công trình cấp xã được xây dựng từ chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a. Nguồn vốn tập trung chính vào việc hoàn thiện hệ thống đường giao thông từ huyện xuống xã, xã xuống thôn; công trình trường học; điện; nước sinh hoạt, sản xuất... Do thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát trong quá trình đầu tư, xây dựng nên hầu hết các công trình đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ nhà ở, cán bộ, hỗ trợ doanh nghiệp cũng đạt nhiều thành quả nổi bật.
Đồng chí Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Mặc dù tổng kinh phí đã bố trí để thực hiện các chính sách đặc thù mới còn rất thấp so với Đề án của các huyện đã được phê duyệt, nhưng đã thực sự là nguồn lực lớn giúp các huyện nghèo hoàn thiện các công trình phúc lợi xã hội; giúp từng hộ nghèo có điều kiện để phát triển kinh tế, XĐGN”. Đối với tỉnh cũng đạt được một số mục tiêu quan trong đối với 6 huyện nghèo như: Nâng tỷ lệ lao động nông thôn được quan đào tạo, tập huấn lên 33% năm 2012; xóa gần 10.000 hộ nghèo (theo chuẩn mới) trong 2 năm 2011, 2012... Mặc dù đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn tỉnh xuất hiện rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Khó khăn nhất là nguồn kinh phí T.Ư bố trí cho các chính sách đặc thù còn quá thấp (chỉ đạt khoảng 6%) so với kế hoạch vốn theo Đề án các huyện được phê duyệt. Hầu hết các chính sách đều bộc lộ những điểm chưa phù hợp hoặc vướng mắc do nguyên nhân chủ quan như: Chính sách cho vay vốn một lần với lãi suất 0% để mua đại gia súc với mức 5 triệu là quá thấp, không đủ mua bê, nghé; chính sách hỗ trợ một lần cho dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả không cao vì ý thức bảo toàn vốn cho vụ sau của người dân chưa tốt; chỉ tiêu xuất khẩu lao động mới chỉ đạt 22% kế hoạch (trong 2 năm 2011-2012 có 111 lao động), nguyên nhân do tâm lý không muốn xa nhà, sợ không an toàn, thu nhập thấp; kinh phí dạy nghề thấp so với nhu cầu đào tạo; nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thấp nên các công trình được xây dựng mới chỉ đạt 5,6% so với tổng số công trình đăng ký theo Đề án.
Với kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm sau 4 năm thực hiện, chắc chắn tỉnh ta sẽ thực hiện hiệu quả hơn Chương trình xóa nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a trong những năm tới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn từ 2011-2015 là mỗi năm giảm 7% hộ nghèo cũng như hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn thì tỉnh rất cần được T.Ư quan tâm tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách đầu tư cũng như nguồn vốn bố trí hàng năm...
Ý kiến bạn đọc