Lời giải cho mục tiêu giảm nghèo bền vững
HGĐT- Theo thống kê, năm 2012 toàn tỉnh có trên 11 nghìn hộ dân thoát nghèo và được đánh giá là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (bình quân mỗi năm giảm trên 7% số hộ nghèo), nhưng có đến 4.115 hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Những con số trên chứng minh công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn, bất cập... cần nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ để giảm nghèo bền vững, đưa mục tiêu giảm nghèo năm 2013 về đích.
Cấp phát gạo hỗ trợ cho hộ nghèo xã Xín Cái (Mèo Vạc).
Những năm qua, các chính sách, dự án, hoạt động hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, trong đó chủ yếu tập trung một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, bền vững như: Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, thụ hưởng văn hóa, thông tin. Thông qua các giải pháp cụ thể, người nghèo đã được tiếp cận với nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh... tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Trong năm 2012, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã thực hiện ủy thác cho vay qua các tổ chức, đoàn thể với số tiền trên 177.063 triệu đồng cho trên 15.000 lượt hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển sản xuất; các trường, trung tâm dạy nghề đã mở trên 1.645 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cây trồng; thực hiện 34 mô hình luân canh tăng vụ gắn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho gần 16.600 lao động nông thôn, giải quyết việc làm mới cho 15.500 lao động. Tổng nguồn vốn Trung ương giao thuộc các chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo 2012 là 141.181 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, biên giới là 138.600 triệu đồng, được phân bổ cho 449 công trình thuộc các lĩnh vực: Giao thông, điện sinh hoạt, thủy nông, trường học, trạm y tế, nhà công vụ và các hạng mục công trình khác... Bên cạnh đó, Hà Giang là tỉnh được hưởng nhiều chính sách, hỗ trợ giảm nghèo đặc thù như: Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP với nguồn vốn bố trí là 309.732 triệu đồng để thực hiện các chương trình chính sách về: Phát triển rừng, hỗ trợ khoanh nuôi bảo vệ rừng; hỗ trợ gạo cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng sản xuất thuộc 6 huyện nghèo; hỗ trợ 1.495 hộ nghèo làm chuồng trại chăn nuôi gia súc; hàng ngàn hộ trồng cỏ, chuyển đổi giống, phân bón, khuyến nông và xây dựng 28 mô hình sản xuất tăng thu nhập; cho 432 hộ nghèo vay vốn lãi suất 0%; hỗ trợ về giáo dục, y tế, dạy nghề nâng cao dân trí; đầu tư cơ sở hạ tầng... Ngoài ra, Hà Giang còn được thụ hưởng một số chính sách đặc thù khác: Đề án phát triển giáo dục đối với dân tộc ít người; Đề án phát triển KT – XH vùng dân tộc Cờ Lao giai đoạn 2011 – 2020; chương trình quy tụ, ổn định dân cư... Thực hiện mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh, các cấp, các ngành, đoàn thể đã vào cuộc tích cực, giúp người nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, hòa nhập cộng đồng, thụ hưởng tốt hơn các dịch vụ công và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện những cách làm hay như: UBMTTQ tỉnh vận động quyên góp được 4,9 tỷ đồng ủng hộ quỹ vì người nghèo, xây dựng mới 317 căn nhà “Đại đoàn kết”; xóa 6 nhà tạm, hỗ trợ sản xuất, đời sống cho hơn một ngàn hộ nghèo; Hội Nông dân vận động các hộ sản xuất giỏi hỗ trợ thiết thực cho 21.875 lượt hộ nghèo về ngày công, vay vốn không tính lãi suất; Hội Phụ nữ vận động, tuyên truyền giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với trên 45 ngàn ngày công, 25 ngàn cây giống, 764 con gia súc, gia cầm; Đoàn Thanh niên vận động tài trợ, tổ chức hàng hàng ngàn lượt tình nguyện hỗ trợ gia đình các đoàn viên nghèo xóa nhà tạm, tu sửa, mở mới đường giao thông; Hội Cựu chiến binh góp quỹ cho hội viên vay không tính lãi; Hội Chữ thập đỏ vận động giúp đỡ cho trên 10 ngàn hộ nghèo; một số huyện chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời đào tạo, bố trí việc làm ổn định cho con em đồng bào dân tộc thiểu số... Với những cách làm cụ thể này, năm 2012, toàn tỉnh đã giảm được gần 7.000 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% năm 2011 xuống còn 30,13% năm 2012; riêng 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm được 4.710 hộ nghèo. Những kết quả bước đầu ghi nhận nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong quyết tâm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn đang là tỉnh nghèo, nguồn nội lực hạn chế, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước trong khi nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể; các doanh nghiệp hoạt động nhỏ lẻ, cầm chừng nên người lao động ít có cơ hội tìm kiếm việc làm; kinh phí phân bổ hạn hẹp, giao chậm khiến nhiều chương trình, dự án thực hiện không đúng thời gian, kế hoạch đề ra; tồn tại nhiều bất cập trong việc thực hiện các chính sách về y tế, giáo dục... Khắc phục khó khăn trên, đồng thời sớm đưa mục tiêu giảm 7.750 hộ nghèo năm 2013 (giảm 5%) về đích, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp cụ thể hóa các hoạt động giảm nghèo đến từng thôn bản và hộ nghèo theo lộ trình từng giai đoạn; đảm bảo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo, việc làm và dạy nghề các cấp; phân công nhiệm vụ từng thành viên; huy động mọi nguồn lực xã hội và sự vào cuộc của các cấp, hội, đoàn thể vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; lấy ý kiến từ dân để tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách giảm nghèo; nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo; thực hiện kịp thời chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa cho hộ nghèo...
Giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, tiền đề cho sự phát triển KT - XH, bởi vậy việc hỗ trợ các hợp phần sản xuất, lồng ghép các chương trình mục tiêu giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp người dân tạo ra sản phẩm hàng hóa để tăng thu nhập, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ bằng những giải pháp hiệu quả càng trở nên cấp thiết, giúp hộ nghèo thực sự có được “cần câu” để thoát nghèo bề vững.
Ý kiến bạn đọc