Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21.5.1973 - 2013):
Xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ rừng
HGĐT - Ngày 21.5 tới, lực lượng Kiểm lâm Hà Giang long trọng tổ chức Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Ngọc Tường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm xung quanh vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Phóng viên (P/v): 40 năm là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Kiểm lâm Hà Giang đã vượt qua, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng chí có thể đánh giá khái quát thành tựu đạt được của ngành?
Đồng chí (Đ/c) Hoàng Ngọc Tường: Những ngày mới thành lập, lực lượng kiểm lâm Hà Giang gặp muôn vàn khó khăn, cơ sở vật chất hạn chế, cán bộ vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn. Nhưng 40 năm sau, Kiểm lâm Hà Giang đã có bước trưởng thành về mọi mặt, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, đội ngũ cán bộ, công chức không ngừng lớn mạnh, luôn trụ vững trước mọi khó khăn, nội bộ đoàn kết, trách nhiệm cao trước nhiệm vụ được giao, bám địa bàn, bám rừng, cùng nhân dân bảo vệ và xây dựng vốn rừng, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng (BVR).
P/v: Công tác BVR trên địa bàn tỉnh có nhiều cái khó, nhưng cái khó nhất chính là nhận thức của người dân. Vậy ngành Kiểm lâm có giải pháp gì khắc phục tình trạng này?
Đ/c Hoàng Ngọc Tường: Để hóa giải cái khó đó, ngành Kiểm lâm luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ý thức và trách nhiệm quản lý, BVR. Công tác tuyên truyền được tổ chức dưới nhiều hình thức, trước hết tập trung ở các vùng trọng điểm dễ cháy rừng, vùng còn các tụ điểm khai thác lâm sản trái phép, vùng hay phát rừng làm nương làm rẫy... Qua đó, giúp người dân nắm được các quy định của Nhà nước về quản lý, BVR và phát triển rừng; thấy được lợi ích từ rừng. Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm lâm đã vận động nhân dân tham gia b BVR, xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng; hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng. Đến nay, công tác quản lý, BVR đang từng bước được xã hội hoá, rừng đã và đang được bảo vệ có hiệu quả.
P/v: Mấy năm gần đây, rừng Hà Giang bỗng trở nên “nóng” do tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, đồng chí hãy nói rõ hơn về vấn đề này?
Đ/c Hoàng Ngọc Tường: Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cơ quan Kiểm lâm đã kiên quyết xử lý hành vi vi phạm như khai thác, mua bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép. Từ năm 2001 đến nay, đã phát hiện, xử lý 5.289 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng. Cuộc đấu tranh giữ rừng luôn chịu nhiều áp lực, lâm tặc không từ một thủ đoạn nào để phá rùng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Khi bị phát hiện, chúng mua chuộc, chống đối người thi hành công vụ... Riêng năm 2012, đã xảy ra 4 vụ chống người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn rừng đặc dụng Phong Quang (Vị Xuyên), Tả Ván (Quản Bạ).
P/v: Để đáp ứng được vai trò, trọng trách ngày càng lớn, Kiểm lâm Hà Giang có giải pháp gì khắc phục khó khăn, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong quản lý, BVR?
Đ/c Hoàng Ngọc Tường: Hạn chế lớn nhất hiện nay của cán bộ, công chức Kiểm lâm được phân công xuống địa bàn là chưa tham mưu tốt cho UBND cấp xã thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Nguyên nhân, do công chức Kiểm lâm không được đào tạo chính quy, nhất là nghiệp vụ điều tra nên chưa chủ động tham mưu, giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh từ cơ sở. Mặt khác, do thiếu biên chế, một cán bộ Kiểm lâm phải phụ trách nhiều địa bàn, nên không bám sát được cơ sở. Khắc phục những hạn chế đó, lực lượng Kiểm lâm sẽ đẩy mạnh thực hiện các biện pháp, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, kết hợp với khoanh nuôi, phục hồi và trồng rừng mới, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên rừng. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững. Cán bộ, công chức ngành Kiểm lâm không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn để hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, mãi mãi xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong trong sự nghiệp quản lý.
P/v: Xin cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc