Những công trình “chạy đua” cùng... mưa lũ
HGĐT- 12 công trình thuộc diện cấp bách, khắc phục hậu quả thiên tai 2012 với tổng vốn đầu tư gần 37 tỷ đồng đang và chuẩn bị được triển khai tại các huyện: Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Quang Bình. Đến những công trường xây dựng vào thời điểm mùa mưa đang cận kề, chúng tôi cảm nhận được “sức nóng” ở đây. Các nhà thầu thi công đang thể hiện quyết tâm, phấn đấu hoàn thành tiến độ xây dựng trước khi mùa mưa rừng ập đến.
Thi công tuyến kênh số 5 - hệ thống thuỷ lợi Nà Viền, xã Giáp Trung (Bắc Mê).
Những ngày vừa qua, mặc dù chưa phải tâm điểm của mùa mưa lũ, nhưng tại một vài địa phương của tỉnh đã xuất hiện tình trạng tố lốc, mưa đá, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, vài năm trở lại đây, kiểu thời tiết cực đoan có tần số xuất hiện ngày càng nhiều, mức độ, quy mô, phạm vi tàn phá lớn hơn. Ngay như, đợt lũ quét xảy ra tại một số xã của huyện Bắc Mê năm vừa qua là minh chứng sinh động về mức độ nguy hiểm của thiên tai, bão lũ.
Gần một năm sau ngày xảy ra lũ quét, người dân xã Minh Sơn, Yên Phú, Giáp Trung (Bắc Mê)... vẫn chưa thể nào vơi đi cảm giác xót xa khi chỉ trong chớp mắt, nước vỡ ra từ núi, từ rừng tràn về phá tan làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu và tính mạng người dân. Ngày đó, đi khắp vùng Giáp Trung, Yên Phú, chỗ nào cũng ngổn ngang đất đá, số thiệt hại thống kê được khiến con tim mỗi người luôn nhói đau: 15 người chết; 10 người bị thương; 314 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ và hư hỏng nặng, cần phải di rời gấp; hàng trăm nghìn m3 đất đá cuốn theo dòng nước vùi lấp 219 ao cá, đất sản xuất; 19 công trình thuỷ lợi bị thiệt hại, hư hỏng hoàn toàn 9 đập đầu mối, hàng nghìn m kênh mương... tổng thiệt hại trên 75 tỷ đồng.
Được sự chia sẻ của nhân dân cả nước, cùng nỗ lực của mỗi người dân, từ trung tâm của sự đổ vỡ, từng ngôi nhà mới đã được dựng lên, màu xanh cỏ cây đang bao phủ, xoá dần những loang lổ của đất đá bị cuốn từ núi xuống. Thế nhưng, bên trong nó vẫn là cả một cuộc vật lộn để cuộc sống lại nảy mầm, bám rễ từ mất mát, đổ vỡ. Trong ngổn ngang những phần việc phải làm, việc thi công các công trình cấp bách, khắc phục hậu quả thiên tai, phục vụ sản xuất đang được ngành Nông nghiệp triển khai rất khẩn trương.
Trên địa bàn huyện Bắc Mê có 7 công trình thuộc diện cấp bách đang và chuẩn bị được triển khai. Trong số đó, công trình tu sửa hệ thống thuỷ lợi xã Giáp Trung có khối lượng thi công lớn, địa hình phức tạp nhất. Hệ thống thuỷ lợi này trước đây đã được đầu tư gồm 5 tuyến kênh dẫn nước tưới cho 33 ha đất lúa 2 vụ. Nhưng trận lũ quét năm trước đã phá huỷ hoàn toàn, nguồn nước không đưa được về ruộng, khiến đất bỏ hoang. Trúng thầu thi công công trình này, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Giang Phú (Công ty Giang Phú) đã huy động nhân lực, máy móc, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu tháng 5 tới, vừa đảm bảo vượt mùa mưa lũ, vừa kịp cung cấp nước tưới cho vụ Xuân muộn.
Với điều kiện địa hình khu vực thi công phức tạp, vật liệu không vận chuyển được tới chân công trình, nguồn nguyên vật liệu tại địa phương không đáp ứng được, trước áp lực về thời gian, đơn vị thi công đã vận chuyển toàn bộ đá, cát, xi măng, sắt thép từ Hà Giang vào, đồng thời thuê nhân công cõng vào công trình. Hệ thống thuỷ lợi Giáp Trung gồm 5 tuyến kênh dẫn nước và đập đầu mối, tổng chiều dài 2,3 km, sau gần 2 tháng thi công, đã đạt 90% khối lượng. “Do tính cấp bách của công trình, áp lực thời gian lớn nên chúng tôi phải tổ chức lao động liên tục, bố trí lực lượng, sắp xếp công việc thật hợp lý mới có thể đáp ứng được yêu cầu”, ông Trần Đức Thọ, Chỉ huy trưởng công trường chia sẻ. Bà Lê Thị Hải Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty Giang Phú cho biết thêm: Việc vận chuyển vật tư từ Hà Giang vào khiến chi phí phát sinh rất lớn. Nhưng Công ty vẫn quyết tâm, bởi nếu không hoàn thành trước mùa mưa thì hậu quả thật khôn lường.
Một yếu tố thuận lợi khi triển khai thi công hệ thống thuỷ lợi Giáp Trung là người dân rất ủng hộ. Chứng minh lời nói của mình, ông Tiến đưa chúng tôi đi thực tế khu vực thi công tuyến kênh số 5 với chiều dài 606 m chạy qua xóm Nậm Tinh, thôn Nà Viền. Tại đây, ngoài những công nhân của Công ty đang lắp ghép cốt pha, sắt, trộn bê tông đổ bờ kênh, chúng tôi còn thấy những bóng áo chàm của đồng bào dân tộc. Buông tay cuốc, quệt ngang giọt mồ hôi, ông Bồn Văn Đôn, xóm Nậm Tinh cho biết: Sắp đến vụ sản xuất rồi, nước vẫn chưa về được ruộng, gia đình tôi lo lắm. Vụ trước không có nước, không thu được hạt thóc nào, lương thực sắp hết rồi, nếu vụ này lại không kịp sản xuất thì đói mất. Khi biết đơn vị thi công triển khai sửa chữa, làm mới tuyến kênh dẫn nước, cả gia đình tôi cùng lên đây góp thêm công sức để tuyến kênh nhanh được hoàn thành.
Rời công trường Giáp Trung, đến với thôn Ngọc Trì, xã Minh Sơn (Bắc Mê) khi cánh đồng rộng trên 30 ha đã được người dân gieo cấy xong. Thời gian qua, nắng nóng nhiều khiến các chân ruộng cạn nước, đất nứt nẻ. Mặc dù gần cánh đồng có con suối chảy qua, nhưng hệ thống đập đầu mối, kênh dẫn nước bị trận lũ năm trước phá huỷ. Được lựa chọn thi công công trình cấp bách này, hàng chục công nhân của Công ty Giang Phú đã lao động liên tục, hoàn thành 107 m kênh dẫn nước. Nhưng phần thi công đập đầu mối lại khó nhất. Đập nằm cạnh suối sâu, việc be bờ, ngăn nước rất khó, nước liên tục thẩm thấu, đơn vị thi công phải dùng hai máy bơm hút nước 24/24h. Khi nước vơi liền tiến hành nạo vét, thả sắt thép được định hình sẵn và tiến hành đổ bê tông mác cao. Sau hơn 1 tuần tập trung toàn nhân lực, đơn vị thi công đã tạo được hình hài của đập đầu mối, phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình trước mùa mưa.
Ngoài ra, các hệ thống thuỷ lợi đội 2,3 Lũng Vầy, Phai Luông, Phai Cưởm xã Minh Sơn với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng; công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì như Nậm Ty, tổng vốn đầu tư trên 4,5 tỷ đồng; Nậm Dịch, vốn đầu tư trên 2,5 tỷ đồng; Nam Sơn, vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng; Hồ Thầu, vốn đầu tư trên 3,5 tỷ đồng... cũng đã được khởi công. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh An, Giám đốc BQL các dự án phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Hiện nay, tất cả các công trình thuộc diện cấp bách, khắc phục hậu quả thiên tai có quy mô lớn đã được triển khai đạt từ 50-90% khối lượng. Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư luôn cử cán bộ kỹ thuật, sát cánh cùng đơn vị thi công, kịp thời đề xuất, giải quyết những phát sinh về vốn, kỹ thuật nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng của công trình.
Ý kiến bạn đọc