Hiệu quả trong phòng, chống cháy rừng ở Bắc Mê
HGĐT- Mùa khô hanh, thói quen đốt rừng làm nương rẫy, sự thiếu ý thức của một số hộ dân trong phòng, chống cháy rừng (PCCR)... đã dẫn đến nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng. Là địa phương có diện tích rừng lớn (trên 59 ngàn ha đất có rừng), luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao nên những năm gần đây, huyện Bắc Mê đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong quản lý, bảo vệ, PCCR để những cánh rừng bạt ngàn được... bình yên.
Cán bộ hạt kiểm lâm Bắc Mê tích cực giúp người dân phát quang, thu dọn thực bì PCCR trong mùa khô.
Huyện Bắc Mê hiện có 12.159 ha rừng đặc dụng, trên 20 nghìn ha rừng phòng hộ và gần 27 nghìn ha rừng sản xuất, trong đó nhiều cánh rừng trồng (chủ yếu là cây Xoan, Mỡ...) ở một số địa phương như: Yên Định, Yên Phong, Yên Cường đã bắt đầu cho thu hoạch, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, Bắc Mê có địa bàn rừng núi phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; đời sống của người dân địa phương còn phụ thuộc nhiều vào rừng; diện tích rừng lớn trong khi lực lượng kiểm lâm của huyện rất mỏng, kiểm lâm địa bàn phải phụ trách từ 2 – 3 xã nên rất khó khăn trong việc bám nắm địa bàn, cơ sở để thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng. Đặc biệt khi có cháy rừng xảy ra, việc “cứu” rừng gặp rất nhiều trở ngại vì đường đi lại khó khăn; thiếu nguồn nước; trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy thiếu thốn, lạc hậu... Nên khi xảy ra cháy rừng, chính quyền địa phương, người dân chỉ có giải pháp cắt đường băng cản lửa hay dập lửa bằng những cách làm đơn giản khiến cho việc dập lửa gặp khó khăn; trong khi nguồn kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, PCCR rất ít... Khó khăn trăm bề là vậy nhưng xác định công tác bảo vệ, quản lý và PCCR là việc làm cấp thiết, Hạt Kiểm lâm Bắc Mê luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Hướng dẫn lực lượng quần chúng bảo vệ rừng ở xã, thôn bản nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy để cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn, cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, dập lửa khi có cháy rừng xảy ra; phối hợp với Trung tâm Văn hóa huyện tổ chức hàng trăm buổi lồng ghép tuyên truyền lưu động về công tác bảo vệ, PCCR đến tận các thôn bản (trong năm 2012 đã tuyên truyền về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, PCCR cho gần 3.400 lượt người); cắm nhiều bảng biển có nội dung PCCR; đưa nội dung PCCR vào các giờ học ngoại khóa của các trường học; thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng từ cấp huyện đến xã; các tổ xung kính bảo vệ rừng tại các thôn; tuyên truyền cho chủ rừng vệ sinh sạch sẽ, thu dọn thực bì trong các khu rừng kinh tế; nâng cao ý thức của người dân khi đốt nương làm rẫy ở khu vực gần rừng,... Nhờ vậy, ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ, PCCR không ngừng được nâng cao... Những vụ cháy rừng tuy có xảy ra nhưng nhỏ lẻ, được dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại lớn. Bên cạnh đó, công tác điều tra sâu bệnh hại rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn luôn được thực hiện thường xuyên; chủ trương trồng cây cảnh quan dọc Quốc lộ 34 và những vùng đất trống, đồi núi trọc nhằm tăng độ che phủ rừng đồng thời bảo vệ, chống sạt lở đất và tạo cảnh quan môi trường được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Thành quả ấy là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự cố gắng của cán bộ kiểm lâm trên địa bàn và sự phối hợp hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát của các ngành và các lực lượng chức năng khác và trách nhiệm của mỗi người dân trên địa bàn.
Dẫn chúng tôi đi kiểm tra công tác PCCR tại một số khu rừng kinh tế đang sắp cho thu hoạch, nhưng có nguy cơ bị cháy cao, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoàng Hồng Trường trăn trở: “Công tác quản lý, bảo vệ vàPCCR luôn được chính quyền địa phương và ngành chức năng đặt trong tình trạng “cấp thiết”; nhờ những biện pháp hiệu quả đang được triển khai đồng bộ mà thời gian qua, trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng nghiêm trọng. Những cánh rừng bạt ngàn, những cây gỗ to, quý hiếm vẫn được bình yên. Thành quả ấy thuộc về toàn dân. Mùa khô năm nay, chúng tôi tiếp tục có nhiều chương trình phối hợp lồng ghép tuyên truyền công tác PCCR đến tận người dân; cố gắng khắc phục khó khăn; phản ứng và xử lý kịp thời, hiệu quảkhi có tình huống cháy rừng xảy ra...”. Gặp chúng tôi trên đường ra cửa rừng, ông Hoàng Đức Long dừng tay khi đang phát quang thực bì cho khu rừng gần 7 ha keo, xoan của gia đình thuộc thôn Bản Lầng (Yên Phong) chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng vào rừng, bao nhiêu năm gắn bó, giờ thì rừng không chỉ là nguồn lợi kinh tế mà đã thành máu thịt, nên phải giữ rừng. Bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân quanh vùng PCCR, trẻ con không mang lửa vào rừng thì gia đình tôi thường xuyên phát quang, thu dọn thực bì, kịp thời báo với cơ quan chức năng khi phát hiện những dấu hiệu có nguy cơ cháy rừng cao...”.
Đi giữa những cánh rừng trồng bạt ngàn đang sắp mang lại nguồn thu lớn; nhìn những giọt mồ hôi của chủ rừng và trong cái gắt gỏng nắng trưa; tôi nhận thấy trên mỗi khuôn mặt của cán bộ chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm hay người dân đều hiện rõ quyết tâm phải gìn giữ, bảo vệ và PCCR hiệu quả nhất.
Ý kiến bạn đọc