Chuyện về những “giọt vàng” ở Đồng Văn
HGĐT- Đồng Văn là huyện đặc trưng cho miền đá nơi cực Bắc của Tổ quốc với muôn vàn gian khó. Thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu lương thực; trình độ dân trí còn hạn chế; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt... nói riêng về nước sạch, nước ngọt ở Đồng văn, cả cán bộ và nhân dân nơi đây đều coi là những “giọt vàng” vì tài nguyên này ở vùng đá rất khan hiếm, đặc biệt là mùa khô.
Hồ “treo” tại xã Sính Lủng nhiều khi cũng cạn.
Với độ cao trung bình của toàn huyện 1.200 m so với mực nước biển, đồng bào các dân tộc Đồng Văn thường thiếu nước sinh hoạt từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Nguồn nước chủ yếu phục thuộc vàonguồn nước mặt được dự trữ trong các bể hộ gia đình và 24 hồ treo đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ở một số xã, thị trấn có nguồn nước ngầm, có giếng khoan, tuy nhiên nguồn nước này chưa được đầu tư hệ thống xử lý, cấp thoát do đó hiệu quả sử dụng không cao. Đối với số cán bộ, công chức, viên chức thiếu nước sạch, nước ngọt trên địa bàn huyện còn rất lớn, có khoảng 844 người, trong đó chủ yếu là lực lượng giáo viên, cán bộ y tế ở các xã, thị trấn ở xa hồ “treo” và thiếu nguồn nước mặt. Đối với nhu cầu sử dụng nước sạch, nước ngọt của nhân dân, tại một số xã, thị trấn chưa được đầu tư xây dựng hồ “treo”, không có hệ thống bơm nguồn nước tự nhiên, điều kiện địa hình phức tạp thì tình trạng thiếu nước nơi ít là từ 2 đến 3 tháng, nơi nhiều từ 5 đến 6 tháng. Toàn huyện có 66.921 khẩu, 13.918 hộ thì có đến 39.192 khẩu, 7.888 hộ thiếu nước sạch, nước ngọt để sử dụng; 18/19 xã, thị trấn của huyện thiếu nước sinh hoạt. Do địa hình và điều kiện giao thông, cán bộ, nhân dân ở xã Hố Quáng Phìn phải vận chuyển hoặc mua 1 mét khối nước với giá 300 ngàn đồng/km. Ở các xã Lũng Táo, Ma Lé, Sà Phìn, Sủng Là, Phố Bảng, Phố Là... giá giao động từ 65 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng/m3/km.
Những năm trước đây, khi chưa xây dựng bể nước, lu nước và xây dựng hồ “treo” của Chính phủ đầu tư, gặp bất kỳ người nào sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Đồng Văn, hỏi họ về chuyện đi tìm nước, địu nước để tồn tại là cả một câu chuyện dài về sự nhọc nhằn, tạo nên nỗi ám ảnh không thể phai mờ trong tâm trí. Trong mùa khô, mùa thiếu nước, họa hoằn lắm mới có được vài đợt mưa phùn. Có những năm triền miên mấy tháng liền trời không mưa. Nguồn nước trong thời gian này người dân hoàn toàn phải dựavào các hố nước tự nhiên được dự trữ từ mùa mưa trước và những mạch nước ngầm vô cùng hiếm hoi thường nằm ở những nơi khuất nẻo, xa khu dân cư. Để có một can nước 20 lít, mỗi hộ phải cử 1 lao động đảm nhiệm công việc này. Đầu mùa, quãng đường còn gần, nhưng càng về cuối mùa khô, quãng đường gùi nước, cõng nước càng xa, càng hiểm trở. Những người đi tìm nước phải đi hàng buổi, hàng ngày đường lúc lên dốc, khi xuống đèo men theo ngọn đá tai mèo sắc nhọn. Họ trở về, trên lưng, can nước lúc đầy, khi chỉ được hơn nửa, lầm lũi đi trong buổi chiều chạng vạng lạnh tê khí núi mà lưng áo vẫn đẫm mồ hôi. Sáng hôm sau, khi mặt trời chưa mọc, trong cái giá lạnh của mùa Đông vùng cao, ánh đèn, ánh đuốc, quẩy tấu, can nước lại theo người đi tìm nước. Quãng đường sẽ xa hơn, thời gian lấy nước sẽ lâu hơn vì hố nước hôm trước đã hết rồi, phải tìm nguồn nước khác. Đôi chân người đi tìm nước cứ thế, đi hết cả mùa khô.
Hiện nay, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, trên địa bàn huyện đã có 24 hồ “treo” có thể tích hàng chục ngàn mét khối, nhiều cán bộ, bà con nhân dân đã bớt vất vả trong việc đi tìm nước, không phải mua nước. Thời điển mùa khô năm 2011 có 840 cán bộ, công chức, viên chức và 27.792 người dân với tổng số 5.994 hộ đủ nước sinh hoạt; 80 thôn, 1 thị trấn có nước sạch, nước ngọt để sử dụng.
Tuy nhiên, Đồng Văn vẫn là huyện còn rất nhiều khó khăn, chưa được đầu tư các trạm bơm cấp nước tại các công trình hồ “treo”, nguồn nước ngầm và các nguồn nước tự nhiên khác để khai thác triệt để nguồn tài nguyên quý báu này. Bên cạnh đó, ý thức sử dụng nước, giữ gìn vệ sinh các công trình nước của một bộ phận nhân dân chưa cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh môi trường nước và trữ lượng nước của các công trình nước sạch. Với điều kiện đặc trưng cùng vùng lõi Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nước sạch, nước ngọt đối với cán bộ và nhân dân nơi đây vẫn được ví như những “giọt vàng”.
Ý kiến bạn đọc