“Bức tranh” nguồn nhân lực tương lai
HGĐT- Hà Giang là một tỉnh nghèo, có đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế...ảnh hưởng lớn đến sự phát TRIỂN kinh tế - xã hội; xác định việc nâng cao trình độ dân trí và bồi dưỡng, phát huy nguồn nhân lực là nhân tố quyết định thắng lợi trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa; những năm qua, tỉnh ta đã tích cực quan tâm, ưu tiên đầu tư, phát triển nguồn nhân lực như một yêu cầu cấp thiết.
Độ “vênh” trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực:
Những năm qua, cơ cấu lao động và thực trạng sử dụng nguồn lao động trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Năm 2010, toàn tỉnh có 354.772 lao động trong độ tuổi từ 15 – 60 đang làm việc trong các ngành kinh tế, chiếm 48,09% tổng dân số toàn tỉnh, tốc độ tăng lao động bình quân giai đoạn 2006 – 2010 là 2,6%, tương đương quy mô tăng trung bình khoảng 9 nghìn ngươi/năm. Nền kinh tế của tỉnh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, vì vậy tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 75,2%; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 9,6%; ngành dịch vụ, thương mại chiếm 15%. Cơ cấu lao động có chiều hướng tăng ở lực lượng lao động nam và tăng lao động khu vực thành thị, giảm lao động khu vực nông thôn. Dân số Hà Giang là dân số trẻ, lực lượng lao động trong nhóm tuổi từ 15 - 19 chiếm 15,39%; từ 20 - 24 tuổi chiếm 13,96%, nhóm tuổi 55 – 59 chỉ chiếm 3,59%. Trong 10 năm (2001 - 2010), nhóm lao động trong độ tuổi không biết chữ giảm đáng kể từ 18,6% xuống còn 6,4%; trong khi nhóm lao động có trình độ tốt nghiệp các cấp học tăng nhanh, trong đó nhóm lao động tốt nghiệp THPT tăng từ 12,6% lên 22,3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đã tăng từ 8,8% lên 31,9 %. Hiện nay, toàn tỉnh ta có 18 cơ sở đào tạo nhân lực, bao gồm các trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm dạy nghề tại các huyện, thành phố; trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 17.000 lao động. Ước tính hàng năm, tỉnh đã trích khoảng 3,5% tổng chi ngân sách thường xuyên để chi phí cho sự nghiệp đào tạo. Những con số ấn tượng trên cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tuy nhiên, việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn độ “vênh” so với nhu cầu sử dụng nguồn lao động trong thực tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo nhân lực tuy không ngừng được cải thiện, tăng cường nhưng còn thiếu thốn, chưa đồng bộ, chưa đào tạo được lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực hoạt động kỹ thuật, chưa ngang tầm với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu thực tiễn của địa phương; đặc biệt, các cơ sở đào tạo nghề có quy mô nhỏ, mới thành lập còn thiếu cả kinh nghiệm và năng lực. Các cơ sở đào tạo chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, còn việc đào tạo trình độ đại học, trên đại học phải liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo khác ngoại tỉnh. Nội dung đào tạo tuy có nhiều đổi mới, song tốc độ còn chậm; sự liên kết, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động chưa chặt chẽ, số lượng lao động đào tạo nhiều nhưng sự thu hút lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lại rất hạn chế. Bên cạnh đó, một số ngành kinh tế được xem là trọng điểm của tỉnh trong tương lai như du lịch lại ít được đào tạo nhân lực, hiện tại chỉ có 995 người đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thương mại, nhưng số lao động này chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch hiện nay của tỉnh. Trong khi thực tế đang có nhu cầu sử dụng lao động có tình độ chuyên môn, kỹ thuật cao thì lao động tỉnh nhà chủ yếu là lao động phổ thông. Việc đào tạo “thiếu địa chỉ” như trên dẫn đến tình trạng lao động đã qua đào tạo nhưng không đáp ứng được nhu cầu ngành nghề thực tiễn, khiến cho tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm có chiều hướng tăng.
Nỗ lực cải thiện nguồn nhân lực trong tương lai:
Nguồn nhân lực tỉnh ta đang tăng nhanh về số lượng theo từng năm nhưng chất lượng chưa được cải thiện nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, dịch vụ.Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, UBND tỉnh đã công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015. Quyết định nêu rõ: Phát triển nguồn nhân lực phải đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; đáp ứng nhu cầu lao động trên mọi lĩnh vực, trong đó tập trung những lĩnh vực Hà Giang có lợi thế cạnh tranh; phát triển nhân lực phải đặt trong mối quan hệ mật thiết giữa công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn; giữa công nghiệp và các ngành kinh tế khác, tạo ra sự đột phá mới về kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu lao động của tỉnh đồng thời chủ động hội nhập tích cực vào thị trường lao động khu vực và thế giới. Đến năm 2015, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 33% (năm 2011) lên 45%; bình quân mỗi năm đào tạo hơn 15.000 lao động; đến năm 2020, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60%, mỗi năm đào tạo hơn 20.000 lao động cho các ngành kinh tế. Xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tại địa phương. Để phát triển nguồn nhân lực hiệu quả theo lộ trình quy hoạch, trong giai đoạn tiếp theo cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về đào tạo nhân lực; tích cực đổi mới công tác quản lý nhà nước về phát triển nhân lực; ưu tiên đầu tư cho phát triển nhân lực trong tương quan với những ngành khác; quy hoạch mạng lưới đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn bằng việc nâng cấp các cơ sở đào tạo; huy động nguồn lực về vốn, thu hút chuyên gia, nhà quản lý, nhân tài... bằng nhiều chính sách ưu đãi và mang tính chiến lược lâu dài; thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người lao động; không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác đào tạo nhân lực với các cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng trong cả nước, đồng thời ưu tiên các chương trình, dự án liên quan phát triển nguồn nhân lực...
Phát triển nguồn nhân lực là quá trình biến đổi cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhằm phát huy tiềm năng con người. Với những giải pháp ưuđãi mà tỉnh nhàđang tích cực triển khai hiện nay, chúng ta kỳ vọng vào một “bức tranh” sáng màu về nguồn nhân lực trong tương lai, góp phần xóa đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.
Ý kiến bạn đọc