Tân Bắc, điểm sáng phía đông huyện Quang Bình
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Tân Bắc là xã vùng II, nằm ở phía đông của huyện Quang Bình. Tân Bắc có tổng diện tích tự nhiên 5.690 ha, trong đó có 288 ha trồng lúa, 168 ha lạc, 189,3 ha chè, còn lại là diện tích khác. Cuộc sống của gần 884 hộ gia đình với trên 4.201 nhân khẩu của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển.
Nhằm khắc phục tình hình trên, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động và tạo mọi điều kiện giúp đỡ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với sự quan tâm lãnh đạo của Thường trực Huyện ủy, các ban, ngành của huyện, Đảng bộ, chính quyền, tinh thần nỗ lực vượt khó, sáng tạo, cần cù của mỗi người dân nơi đây đã và đang là những nhân tố quyết định để Tân Bắc trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quang Bình.
Chuyển biến rõ rệt nhất ở Tân Bắc trong những năm qua là cơ cấu sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, chuyển dần sang sản xuất hàng hoá phục vụ thị trường. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào các khâu sản xuất như làm đất, gieo cấy bằng mạ sân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đang thay thế dần các phương thức sản xuất truyền thống. Nhân dân trong xã Tân Bắc tích cực đưa các giống lúa lai, lúa chất lượng cao, các giống lúa ngắn ngày thay thế các giống lúa dài ngày, năng suất thấp. Năm 2012, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.049,12 tấn. Để đảm bảo năng suất, chất lượng trong khâu làm đất, nhân dân đã đưa cơ giới hoá vào trong nông nghiệp, sử dụng máy cày làm đất, máy bơm nước đảm bảo việc cung cấp nước tưới cho đồng ruộng. Ngoài việc tăng năng suất lúa, các loại cây trồng vụ đông mới, đáp ứng nhu cầu thị trường được xã quan tâm phát triển, như: Rau đậu, khoai lang, khoai tây. Đây là những cây rau màu ngắn ngày, cho thu nhập cao, thích hợp với việc luân canh, xen canh tăng vụ của nông dân trong xã.
Trong nông thôn hiện nay, nguồn thu chính của người nông dân là nghề trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Ngoài những khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ nông phẩm, các hộ nông dân đang rất thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật. Với mục tiêu giúp người dân tháo gỡ những băn khoăn trên, các dự án do tỉnh đầu tư đã tiến hành khảo sát, lựa chọn cây, con giống, kỹ thuật canh tác thích hợp, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân. Thông qua việc tiếp thu, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật đã giúp người nông dân tự tin trong sản xuất - kinh doanh. Được sự quan tâm của tỉnh, huyện, nhiều dự án như DPPR, Chương trình xóa nhà tạm, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được triển khai ở Tân Bắc đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Điển hình như Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay xã nghiệm thu 29 cổng hộ gia đình, 39 nhà vệ sinh, gần 1.800 m đường bê tông thôn, 450 m kênh mương, láng nền nhà 135 hộ.
Nhờ chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thu nhập bình quân đầu người của người dân Tân Bắc năm 2012 đạt 13,8 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 19,38%/năm, tổng giá trị sản xuất đạt 57,9 tỷ đồng, bình quân lương thực đầu người đạt 570 kg/người/năm.
Công tác quản lý nhà nước về thú y, vệ sinh phòng dịch được tăng cường, các mô hình chăn nuôi trang trại phát triển mạnh, thay thế dần mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ. Năm 2012, tổng đàn trâu, bò là 1.083 con, đàn dê 556 con, đàn lợn 2.848 con, đàn gia cầm 12.835 con, đàn ong 240 đàn. Nuôi trồng thuỷ sản được phát triển mạnh, đến nay toàn xã có 35 ha.
Kinh tế phát triển tạo tiền đề vững chắc cho phong trào xây dựng gia đình văn hoá tại các thôn văn hoá phát triển. Đến nay có 678 hộ gia đình đạt gia đình văn hoá; 7/7 thôn đạt thôn văn hoá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Hàng năm, xã duy trì tổ chức các hoạt động tại làng văn hóa du lịch thôn My Bắc, tạo điều kiện cho khách du lịch đến thăm quan. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện tổ chức thành công “Đêm hội văn hóa các dân tộc Pà Thẻn” thu hút được đông đảo du khách và nhân dân tới xem, cổ vũ.
Nói về sự phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân xã Tân Bắc, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện và sự giúp đỡ của các ban, ngành của huyện, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, tinh thần đoàn kết, phấn đấu vươn lên của nhân dân các dân tộc trong xã, nên trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của Tân Bắc chuyển biến rõ rệt và không ngừng phát triển. Những đổi thay về bộ mặt kinh tế - xã hội của xã Tân Bắc đã mang lại sức sống mới, tạo tiền để vững chắc cho người dân trước yêu cầu đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực sự là điểm sáng phía đông của huyện Quang Bình.
Ý kiến bạn đọc