Xuân qua miền di sản Ruộng bậc thang

21:10, 31/01/2013

(Xuân Quý Tỵ 2013)- Những thời khắc cuối cùng của năm Nhâm Thìn đang dần trôi qua, nhường chỗ cho năm mới, năm Quý Tỵ với kỳ vọng về một cuộc sống đầm ấm, sung túc sẽ đến với người dân miền di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Cũng giống như đồng bào các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Hà Giang, khi những thửa ruộng đã gặt xong, thóc khô cất đầy gác, đầy kho, người dân lại tất bật chuẩn bị cho các lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc, đồng thời chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Năm nay, người dân Hoàng Su Phì đón Xuân mới với nhiều niềm vui mới. Vui vì những thửa ruộng bậc thang gắn bó bao đời, no ấm cùng người dân đã được vinh danh, trở thành di sản quốc gia. Và càng vui hơn, khi chính những thửa ruộng bậc thang đó đã làm nên những vụ mùa bội thu, mang cuộc sống no ấm về trên khắp bản làng.



      Những thửa ruộng bậc thang đã mang về cho người dân cuộc sống ấm no.

Người miền Tây Hoàng Su Phì luôn tự hào được sở hữu những nét văn hoá truyền thống, mang đậm bản sắc và vẫn được lưu truyền, giữ gìn qua nhiều thế hệ. Dù cuộc sống hôm nay có nhiều đổi thay, những tác động của đời sống kinh tế thị trường đã len lỏi, nhiều nét văn hoá du nhập, hoà quyện trong sinh hoạt hàng ngày của người dân nhưng những giá trị truyền thống vẫn luôn toả sáng. Điều này được minh chứng bởi rất nhiều các lễ hội truyền thống được tổ chức trong ngày Xuân luôn là điểm đến của du khách. Cuộc sống vật chất, tinh thần của người Hoàng Su Phì đã và đang đổi thay cùng sự phát triển của đất nước, nhiều sản vật của Hoàng Su Phì đã có mặt ở những thị trường lớn, mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân nơi đây. Năm Nhâm Thìn qua đi, nhưng những nhọc nhằn của nó hẳn vẫn chưa thể quên trong tâm trí mỗi con người. Khó khăn tác động từ mọi phía, nhưng trong gian khó, càng chứng tỏ được bản lĩnh, trí tuệ người lãnh đạo, sự đồng cam, cộng khổ, vượt khó của người dân Hoàng Su Phì. Chính điều đó đã làm nên những đổi thay diệu kỳ trên mảnh đất phía Tây đầy khó khăn của tỉnh.



Nhờ có chính sách hỗ trợ, người dân Hoàng Su Phì đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc theo quy mô trang trại.


Về miền Tây Hoàng Su Phì trong không khí Tết đến Xuân về, chúng tôi được hoà nhập với không khí vui tươi, đầm ấm, từng sợi khói lam chiều hiền hoà toả lên nền trời Xuân gợi mở một cuộc sống thanh bình. Và càng vui hơn khi biết dù khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện vẫn đạt 100% kế hoạch, tổng sản lượng lương thực đạt trên 33,5 nghìn tấn, bình quân lương thực 534kg/người/năm, thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/năm. Nhiều năm gắn bó với mảnh đất Hoàng Su Phì, tôi hiểu rằng để có được những con số trên là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của cấp uỷ, chính quyền và người dân nơi đây. Hoàng Su Phì không có nhiều tài nguyên, khoáng sản để phát triển các ngành công nghiệp, không sầm uất, đông đúc để trở thành trung tâm thương mại. “Biến khó khăn thành cơ hội phát triển”, khẩu hiệu hành động này luôn là niềm trăn trở của bao người con sinh sống, làm việc, cống hiến cho mảnh đất Hoàng Su Phì. Tận dụng những tiềm năng, thế mạnh, Hoàng Su Phì ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển loại hình du lịch cộng đồng, xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá, chăn nuôi theo quy mô trang trại... những định hướng này đang phát huy hiệu quả.


Trong khi mọi lĩnh vực của nền kinh tế gặp khó khăn do lạm phát và suy giảm kinh tế, thì nông nghiệp Hoàng Su Phì vẫn khẳng định vai trò là mặt trận hàng đầu, là nòng cốt, đòn bẩy để thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Năm Nhâm Thìn vừa qua, chúng ta được chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp của Hoàng Su Phì. Đầu vụ Đông - Xuân, thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng, làm giảm cả về diện tích và sản lượng cây trồng. Trong đó, các cây trồng như ngô, lạc, đậu tương diện tích mất trắng gần 195 ha, trên 455 ha bị giảm trên 70% năng suất, trên 875 ha giảm 30% năng suất... Tổng sản lượng lương thực có hạt ước giảm 1.291 tấn so với kế hoạch huyện giao, giảm 580 tấn so với chỉ tiêu của tỉnh. Sản lượng đậu tương ước giảm trên 957 tấn so với kế hoạch giao, giảm gần 582 tấn so với kế hoạch tỉnh; sản lượng lạc ước giảm trên 20 tấn... Tổng thiện hại trên 17 tỷ đồng.


Trước thực trạng bất ổn về an ninh lương thực, huyện đã nhanh chóng chỉ đạo, có phương án hỗ trợ giống để trồng bù những diện tích bị khô hạn, không có khả năng hồi phục; hỗ trợ phân bón cho diện tích cây trồng có khả năng hồi phục để đảm bảo diện tích, sản lượng lương thực. Đồng thời, thành lập BCĐ, phân công tổ công tác, trưng tập cán bộ các cơ quan phụ trách xã xuống cơ sở nằm vùng, trực tiếp hỗ trợ thực hiện công tác phòng chống hạn; thường xuyên nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời những khó khăn tại cơ sở về huyện, để kịp thời giải quyết. Với các chính sách hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời, nền sản xuất nông - lâm nghiệp của Hoàng Su Phì năm 2012 đạt kết quả khả quan. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 18 nghìn ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 33.462 tấn, đạt trên 103% kế hoạch tỉnh giao, trong đó thóc đạt trên 21.356 tấn, ngô trên 12.183 tấn.


Vui xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ. Cùng với việc chuẩn bị đón Tết cổ truyền trong không khí trang trọng, đầm ấm, tiết kiệm, người dân Hoàng Su Phì cũng bắt tay vào chuẩn bị cho vụ sản xuất mới với kỳ vọng đón mùa màng bội thu. Những thành quả đạt được trong năm qua, càng củng cố thêm niềm tin, sự quyết tâm từ công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt của cáp uỷ, chính quyền, sự đồng thuận của người dân đã phát huy hiệu quả thiết thực. “Những kết quả đạt được trong một năm đầy khó khăn quả là niềm khích lệ lớn. Nhưng Hoàng Su Phì không tự mãn, không ngồi yên hưởng thành quả mà luôn nhận thức được rằng, còn nhiều khó khăn, còn phải cố gắng nhiều...”-đồng chí Nguyễn Văn Mão, Bí thư Huyện uỷ Hoàng Su Phì chia sẻ với chúng tôi như vậy. Và quả thực, tại Hội nghị BCH Đảng bộ huyện lần thứ XVI vừa qua, các đại biểu đã thẳng thắn đặt vấn đề: Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, một số chỉ tiêu chưa đạt so với Nghị quyết đề ra; công tác xây dựng nông thôn mới chưa đảm bảo tính toàn diện, chủ yếu tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng; công tác bồi thường, GPMB còn nhiều bất cập. Việc triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở cấp cơ sở, nhất là công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 nhìn chung còn lúng túng; còn xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm phải xử lý kỷ luật, tác phong, lề lối làm việc chậm được đổi mới.


Nhìn thẳng vào thực tế, đánh giá đúng, không bệnh thành tích đó là phương châm đổi mới, lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ Hoàng Su Phì. Trên cơ sở đó, bước vào Xuân mới Quý Tỵ, Đảng bộ Hoàng Su Phì đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng đạt 14%, tổng giá trị sản phẩm xã hội đạt 679,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 10,6 triệu đồng/người/năm; kết nạp mới 250 đảng viên, tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh đạt 88%... Rời mảnh đất miền Tây Hoàng Su Phì, tôi mang trong mình niềm vui mới, khi biết rằng, huyện đã có kế hoạch tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình khó khăn để tất cả mọi người đều được đón Tết vui vẻ, đầm ấm, trang trọng, tiết kiệm.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng hành mang niềm vui đến với người nghèo
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Trong nhiều năm qua nói chung và năm 2012 nói riêng đã có rất nhiều những tổ chức tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đồng hành, phối hợpcùng với Báo Hà Giang tổ chức tuyên truyền vận động kêu gọi những tấm lòng hảo tâm mang niềm vui đến cho những người nghèo. Các tổ chức, các nhân, quyên góp tiền, hàng, lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo ấm và
31/01/2013
Về xã đỡ đầu trước thềm Xuân Quý Tỵ
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Nằm dọc tỉnh lộ 176, cách thị trấn huyện lỵ Mèo Vạc 8 km là trung tâm xã Sủng Trà. Là cửa ngõ bước vào huyện nên Sủng Trà có con “đại lộ” cho hai làn xe thoáng đãng. Dọc hai bên đường là những mái nhà phibrô xi măng của bà con hạ sơn từ trên các triền núi về đây hội tụ. Nếu không có cảnh núi non trùng điệp thì ở đây cũng không khác gìmấy với các điểm xã ở
31/01/2013
Trung tâm Dạy nghề huyện Quản Bạ: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Trung tâm Dạy nghề huyện Quản Bạ được xây dựng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2009, với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghề cho lao động khu vực nông thôn trên địa bàn huyện. Mặc dù mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng Trung tâm Dạy nghề huyện Quản Bạ đang dần khẳng định là một địa chỉ tin cậy trong công tác đào
31/01/2013
Tuổi trẻ Hà Giang đoàn kết, rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo vì Hà Giang phát triển
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Năm 2012 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh trong đó có Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp nhiệm kỳ 2012 -2017. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự quan tâm tạo điều kiện, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, Đoàn các cấp trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu,
31/01/2013