Sủng Máng, đổi thay từ nghề may truyền thống
HGĐT- Đến với xã Sủng Máng (Mèo Vạc) hôm nay sẽ dễ dàng nhận ra sự đổi thay ngay từ diện mạo của mỗi thôn, xóm. Trong màn sương dày đặc và cái lạnh đến tê tái đặc trưng của miền sơn cước này vẫn có thể nhìn thấy những ngôi nhà mới khang trang đang nối tiếp nhau “mọc lên” trên triền đá, cuộc sống ấm no đang trở về nơi đây khi người dân có sự đổi thay từ cách nghĩ đến cách làm.
Do biết phát huy lợi thế sẵn có, người dân xã Sủng Máng đang từng bước XĐGN một cách bền vững từ việc phát triển nghề may truyền thống.
Với đặc thù là xã gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do ảnh hưởng của yếu tố địa hình, khí hậu nên bên cạnh phát triển nông, lâm nghiệp thì xã Sủng Máng đã đặc biệt chú trọng đến phát triển tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trong xã. Bởi đây là một trong những hướng đi chính trong công tác XĐGN, được xã Sủng Máng xác định rõ trong nhiệm vụ phát triển kinh tế những năm qua. Trên địa bàn xã hiện nay có một số làng nghề hoạt động như: lò rèn, làm hương, nhưng nghề may mặc trang phục dân tộc luôn được đánh giá cao bởi không chỉ đáp ứng nhu cầu thường ngày của người dân trong và ngoài xã mà còn góp phần giữ gìn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc trên địa bàn. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy điều đặc biệt ở đây là nghề may mặc chủ yếu hoạt động ở 190 hộ gia đình người Dao thuộc 2 thôn Sủng Nhỉ A và Sủng Nhỉ B. Sản phẩm làm ra lại là trang phục truyền thống của người Mông. Chính vì vậy thị trường tiêu thụ không chỉ là cộng đồng người Mông trong xã mà còn phục vụ nhu cầu của đông đảo bà con các địa phương trong và ngoài huyện, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình tham gia may mặc.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi thăm các hộ gia đình tham gia may mặc là những chiếc máy khâu luôn hoạt động nhộn nhịp. Chị Vàng Mẩy Hồng, thôn Sủng Nhỉ B chỉ cho chúng tôi xem những bộ quần áo mới may xong và giới thiệu về “cần câu cơm” của gia đình là những chiếc máy khâu mới mua. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng và tăng thêm thu nhập, các hộ gia đình đã chuyển từ máy khâu đạp chân sang máy khâu chạy bằng mô tơ điện. Với chiếc máy này, bình quân mỗi ngày, một người làm ra khoảng 20 chiếc quấn, áo, tăng gấp đôi so với sử dụng máy khâu đạp chân. Tính trung bình mỗi hộ gia đình cho thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy mà nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, con cái được học hành tử tế. Bà Phàn Mẩy Man, thôn Sủng Nhỉ A được coi là người đầu tiên may quần áo ở xã Sủng Máng, năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn tham gia may mặc và truyền dạy cho con cháu, cho biết: bà con trong thôn tự học hỏi lẫn nhau và cùng nhau đoàn kết, quyết tâm XĐGN, dần dần tạo thành làng nghề may mặc. Thế nhưng, bây giờ phải chạy theo thị trường nên chất lượng không đẹp, không chắc như ngày trước. Hiện tại gia đình cũng làm thủ công nhưng rất ít, bởi để làm được một bộ quần áo dân tộc Mông, giá bán có cao hơn nhưng lại tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Đồng chí Tề Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Máng cho biết: “Nghề may mặc là một trong những ngành nghề được xã đặc biệt quan tâm, bởi với đặc thù của xã thì chỉ có phát huy nội lực từ người dân thông qua việc phát triển tiểu thủ công nghiệp thì mới có thể mở ra hướng đi XĐGN bền vững. Kết hợp với yếu tố thuận lợi là ý thức chủ động phát triển kinh tế gia đình của người dân được nâng cao nên đã thực sự tạo ra một lối đi thoát nghèo”. Xác định điều đó, đầu năm 2009 xã thành lập HTX may mặc, mở lớp tập huấn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời thu hút đông đảo các hộ gia đình tham gia. Ông Phàn Quẩy Chiêm, thôn Sủng Nhỉ A là một trong những người trực tiếp đi đầu trong phong trào may mặc của xã cho biết: Từ khi HTX được thành lập đã làm cho nghề may mặc đi vào hoạt động thường xuyên, đến nay vẫn duy trì tốt hiệu quả. Chỉ có điều hiện nay vẫn chưa có nhà xưởng, máy móc tập trung nên chưa thể hợp nhất các gia đình. Đó cũng là trăn trở lâu nay của xã Sủng Máng trong việc tạo dựng “thương hiệu” làng nghề truyền thống. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động người dân đẩy mạnh hoạt động may mặc, quyết tâm đưa làng nghề trở thành một điểm nhấn trong phát triển kinh tế.
Từ hướng đi được xác định rõ ràng dựa trên nền tảng ý thức chủ động phát triển kinh tế của người dân được nâng cao, cuộc sống của người dân xã Sủng Máng đang ngày có nhiều khởi sắc. Tiếp tục phát huy hiệu quả nghề may mặc có thể tin tưởng rằng, người dân Sủng Máng sẽ ngày một ấm no.
Ý kiến bạn đọc