Mong có thêm nhiều người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Nước - một phần tất yếu của cuộc sống. Có đủ nước sinh hoạt để dùng hàng ngày - ước nguyện tưởng như rất đơn giản nhưng lại là khát khao của bao thế hệ người dân vùng cao Hà Giang. Thấu hiểu niềm mong mỏi của người dân, hàng năm Chương trình MTQG nước sinh hoạt - VSMT nông thôn đã đầu tư cho tỉnh ta hàng chục tỷ đồng để thực hiện mục tiêu cấp nước cho người dân. Và mỗi năm qua đi, chúng ta vui mừng khi có thêm hàng nghìn hộ dân được sử dụng nước sạch, được tiếp cận với các điều kiện ăn, ở hợp vệ sinh.
Các hồ chứa nước vùng cao đã và đang được đầu tư xây dựng, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô.
Năm Nhâm Thìn vừa qua, trong bối cảnh thực hiện xứ mệnh đưa nước về với bà con nông dân còn nhiều khó khăn, khiến nguồn vốn bố trí rất eo hẹp, nhưng Trung tâm nước sinh hoạt - VSMT nông thôn vẫn tiến hành nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng được 11 công trình, đưa tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt tăng thêm 1,2%, tương đương với 8.383 người. Đây là một nỗ lực rất lớn trong việc triển khai chương trình MTQG về nước sinh hoạt. Bởi lẽ, bối cảnh thực hiện chương trình năm nay có nét đặc thù riêng, vừa khó về nguồn vốn, hơn nữa kế hoạch vốn phân bổ chậm. Khi xây dựng kế hoạch, mục tiêu của năm 2012 là đảm bảo 68% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; gần 78% trường học có nước sạch và gần 80% nhà tiêu hợp vệ sinh; số gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh gần 24%, 100% trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, 29% hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh. Con số trên tương đương với mục tiêu có thêm 40,2 nghìn người dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh.
Thực hiện kế hoạch trên, dự kiến tổng nhu cầu vốn cần huy động trên 220 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư gần 45,6 tỷ đồng, chiếm gần 21%, các nhà tài trợ 100 tỷ đồng, dân đóng góp và tự làm trên 14,5 tỷ đồng, tín dụng ưu đãi 60 tỷ đồng. Nhu cầu vốn cho kế hoạch cả năm là thế, nhưng đến đầu tháng 7 vừa qua, nguồn vốn thực hiện Chương tình MTQG nước sinh hoạt và VSMT nông thôn được cấp trên 22,5 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 21 tỷ đồng, chiếm trên 93%, vốn sự nghiệp trên 1,5 tỷ đồng. Nguồn vốn T.Ư cấp chưa đạt 50% nhu cầu đặt ra, được dùng để đầu tư 45 công trình hoàn thành, 9 công trình chuyển tiếp, 1 công trình trọng điểm cấp nước cho xã nông thôn mới.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, vùng nông thôn của tỉnh hiện có trên 152 nghìn hộ, với trên 702 nghìn người sinh sống. Một phần không nhỏ trong số đó chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh và tiếp cận với các điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường. Vì vậy, việc đầu tư các công trình cấp nước, công trình vệ sinh nhằm cung cấp nước và các điều kiện sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân nông thôn là rất cần thiết. Giải quyết nhu cầu cấp bách này, hàng năm ngân sách Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước tự chảy, cấp nước tập trung, đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước và các công trình vệ sinh môi trường nông thôn. Nhưng đến nay tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh vẫn còn thấp, đòi hỏi phải có sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành và mỗi người dân.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Lưu Phương - Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt - VSMT nông thôn cho biết: Nhu cầu đến năm 2015 có thêm 49 nghìn người dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 7.261 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 12 nghìn hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh, tăng thêm trên 17% tỷ lệ trường học được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và trên 22% có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 72,4% (trên 19% được dùng nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế)... Tổng nhu cầu vốn gần 400 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư trên 253,7 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi 60 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 85 tỷ đồng. Để chương trình này vận hành hiệu quả, vừa qua UBND tỉnh đã thành lập Ban điều hành Chương trình MTQG nước sinh hoạt - VSMT nông thôn và Văn phòng thường trực với quy chế và hoạt động cụ thể.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2013 tỉnh ta phấn đấu có thêm 9.327 người dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tăng thêm 1,5 nghìn hộ dân có chuồng trại chăn nuôi được xử lý hợp vệ sinh... tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình trên 28,6 tỷ đồng. Với quyết tâm, nỗ lực đó, hy vọng mỗi năm qua đi, mỗi mùa Xuân đến, sẽ có thêm nhiều người dân có nước sinh hoạt để dùng, được tiếp cận với các điều kiện ăn ở hợp vệ sinh.
Ý kiến bạn đọc