Lên miền đá Đồng Văn
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Tôi rạo rực ngược đường lên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Hơn 30 năm trước, tôi đã ở đây, chứng kiến sự chiến đấu, hi sinh để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bây giờ lên đấy không phải đi bộ nữa. Cột cờ Lũng Cú đã xây lại hoành tráng, uy nghiêm, sừng sững nơi đỉnh đầu Tổ quốc...
Lồng lộng bóng cờ Lũng Cú. Ảnh: GIA BẢO
Thăm lại cực Bắc!
Bất ngờ nhất với tôi là sau khi xuất phát được vài cây số từ chợ Yên Biên đã được thưởng ngoạn cảnh “non nước hùng quan” ngay trên đường Quang Trung của thành phố Hà Giang. Phố núi khiêm nhường vẫn khiêm nhường như sơn nữ, sau một đêm mưa tầm tã, bất ngờ trút bỏ xiêm y. Đẹp mê hồn! Hàng chục, hàng chục thác nước bên đường nối nhau ào ạt trắng bên sườn núi. “Gào... ga... ào!”. Qua dốc Bắc Sum – dốc “chín khoanh” gập như nếp ruột chưa hết ngỡ ngàng thì vỡ oà trước mặt một đại lộ mở vào đô thị nhỏ Quyết Tiến. Vẫn cái tên cũ xưa, nhưng cảnh sắc mới lạ hoàn toàn. Rồi lại dốc, dào dạt dốc tới “Cổng trời” Quản Bạ. Mải ngắm núi ngắm mây, bất chợt xe đỗ lại ở điểm dừng lưng núi. Một ngôi nhà đẹp, ấm áp với bao nhiêu đặc sản Hà Giang. Thì ra đây là điểm đầu tiên đón đợi du khách, nơi giới thiệu với khách về Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Chúng tôi được hướng dẫn lên một lầu cao nhìn xuống thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ). Một bên sầm uất phố phường, một bên, trên đường lên Yên Minh, khiêm nhường nép vào trùng điệp núi non xanh là đôi gò bồng đào “Núi Cô Tiên”.
Cô nhân viên duy nhất của ngành du lịch ở điểm dừng chân này vừa pha chè mời khách vừa giới thiệu: Danh thắng Núi Cô Tiên hay còn gọi là Núi Đôi hình thành từ quá trình vận động tạo sơn của thềm lục địa vỏ trái đất, sự đứt gẫy của các khối núi đá vôi. Đây là nơi chuyển tiếp giữa địa tầng đá vôi với núi đất.
Núi Cô Tiên được gắn với truyền thuyết về chuyện tình của chàng khổng lồ và nàng tiên nơi đây. Núi Cô Tiên được ví như bộ ngực căng tròn người con gái đã lưu truyền mãi trong nhân gian, là một biểu tượng đẹp của Cao nguyên đá Đồng Văn, là sự kết tinh nét đẹp của thiên nhiên và kiến tạo địa chất. Núi Cô Tiên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Danh thắng cấp Quốc gia.
Lồng lộng bóng cờ
Từ TP Hà Giang lên, chúng tôi lên thẳng Lũng Cú sau khi đã vượt qua ba cổng trời. Cột cờ Quốc gia Lũng Cú nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam.
Sử sách ghi lại rằng, Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887. Những năm sau đó (1992, 2000) và đặc biệt năm 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian, trong đó năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có có chiều dài 9m, chiều rộng 6m, diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam anh hùng.
Cột cờ mới đã được khởi công xây dựng ngày 8.3.2010, hoàn thành đúng dịp Quốc khánh 2.9.2010. Vào thời điểm khánh thành cột cờ, lá cờ trên đỉnh cột được lắp trong cán cờ làm bằng nguyên một thân cây gỗ pơ mu cao gần 13m.
“Trà dư... Lũng Phìn”
Chợ Sà Phìn đông như nêm. Các chợ ở Đồng Văn đều là “chợ lùi”: Tuần này họp vào thứ sáu, thì tuần sau họp vào thứ năm... Ngay ở cổng chợ đã ầm ĩ, chen đẩy ở mấy quầy bán điện thoại di động. Quả đào, quả lê, nải chuối, bắp ngô đến con lợn, con gà, con dê, con ngựa thì vẫn vậy, nhưng cuộc sống thì đã khác nhiều. Chỉ có điều dân mình vẫn còn nhiều vất vả.
Rời chợ, chúng tôi vòng qua Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc ngắm tượng Bác Hồ với đồng bào các dân tộc rồi xuôi Lũng Phìn (Đồng Văn). Ông Cư Hoà Vần, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trước đây đã làm một trắc nghiệm: Lấy chè ở Lũng Phìn, Bảo Lộc, Tân Cương và Suối Giàng cho vào 4 túi, chỉ đánh số thứ tự, không ghi tên chè. Mấy sáng liền, ông pha mời những ông “tiên trà” Hà Nội. Công nghệ sao như nhau, không tẩm ướp hương liệu, thế mà lần nào hỏi: Chè nào ngon nhất, các “tiên trà” đều đặt cược niềm tin vào chè Lũng Phìn. Nhưng có điều, chè Lũng Phìn ít lắm. Dương Hiếu (Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Phìn) đã tham gia lập dự án phát triển chè ở đây cho biết: Chè cũ Lũng Phìn chỉ còn khoảng 6 ha (chè cổ thụ). Nay được đầu tư 300 triệu đồng từ nguồn khoa học công nghệ để trồng mới 72 ha, hiện đã có 50 ha được thu hái. Quan trọng nhất là hướng dẫn bà con cách chăm sóc, thu hái, chế biến chè sao cho phù hợp nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó là dự án xây dựng xưởng chế biến chè với tổng mức đầu tư 800 triệu đồng. Không có công nghiệp chế biến, có khi phát triển nhiều về nguyên liệu lại là nỗi khổ của nông dân. Tôi đồng tình với Hiếu điều ấy. Đến Lũng Phìn, tôi cố tìm mua cho được loại chè Lũng Phìn ngon (500.000đ/kg) mà đâu cũng nói hết, đành mua loại 300.000đ/kg. Về Tuyên, mấy ông bạn “bợm chè” của tôi ngồi đãi đằng với ấm chè, kể chuyện tới khuya. Sớm sau, ai cũng hốc hác vì mất ngủ. Nhớ Lũng Phìn, nhớ Đồng Văn!...
Đồng Văn, ơi Đồng Văn! Mái nhà Tổ quốc phong sương, nắng lửa vẫn bình dị, kiên cường. Mái nhà đó được lợp bằng đá, bằng cây và bằng chính lòng người tôi vừa thoáng gặp ở Đồng Văn...
Lồng lộng bóng cờ Lũng Cú.
Ý kiến bạn đọc