Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng ấm no, hạnh phúc
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt. Do đó diện mạo nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có sự đổi thay tích cực. Đó là những bước chuyển mình đáng kể của Hà Giang trong quá trình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Thiếu nữ dân tộc dao trong ngày hội.
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ để thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, thể hiện rõ là từ khi có Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế- xã hội miền núi.
Theo thống kê của Ban Dân tộc: Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay có 13 chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong từng giai đoạn 5 năm một lần, tỉnh ta lại xây dựng kế hoạch giảm nghèo cho từng giai đoạn cụ thể và hiện nay đã và đang thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011-2015. Các chính sách dân tộc được thực hiện trên địa bàn tỉnh ta đã phát huy hiệu quả đáng kể, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ trên 50% năm 2009 (theo chuẩn nghèo mới) đến 31.12.2012 còn 30,13%, hàng ngàn công trình XDCSHT được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng, các hợp phần hỗ trợ sản xuất, đào tạo cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng; trợ giúp pháp luật, cải thiện môi trường; duy tu bảo dưỡng sau đầu tư phát huy hiệu quả, tạo ra điều kiện mới nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Đồng chí Long Hữu Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 1971 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác Dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị Định số 05 về Công tác Dân tộc của Chính phủ, Ban dân tộc tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng; quản lý Nhà nước về dân tộc, thể hiện rõ mục tiêu: Chính sách dân tộc là một hệ thống các quan điểm, nguyên tắc, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta tác động vào vùng dân tộc và miền núi, vùng sâu, vùng xa để thực hiện mục tiêuđoàn kết các dân tộc phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP, thực hiện các dân tộc bình đẳng về chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội. Trên địa bàn tỉnh ta, công tác dân tộc đã được cả hệ thống chính trị quan tâm, nhằm đưacác chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc, thực hiện xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển đi lên. Cùng với việc thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc, trong thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Uỷ ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng các Dự án, Đề án mới đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng có các dân tộc thiểu số ít người như: (Cờ Lao, Phù Lá, Pà Thẻn, Pố Y, Lô Lô, Pu Péo); đề xuất kéo dài thời gian thực hiện các Chương trình đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ như: kéo dài thực hiện Quyết định 1592 về đất sản xất, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc đời sống khó khăn đến năm 2020; rà soát đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định 102 về hỗ trợ trực tiếp người nghèo, tổ chức xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã vùng dân tộc miền núi để thực hiện Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015; đề nghị điều chỉnh, bổ sung Dự án định canh, định cư để hỗ trợ người dân ở các địa bàn khó khăn thường xuyên bị thiên tai; điều chỉnh chính sách cho vay vốn đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn... đề xuất với Uỷ ban Dân tộc nghiên cứu, có chính sách đặc thù cho vùng cao núi đá Hà Giang và đã được Uỷ ban Dân tộc chấp thuận, hiện đang xây dựng Dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Có thể thấy, Hà Giang là tỉnh có tỷ lệ xã, thôn đặc biệt khó khăn và tỷ lệ huyện hưởng thụ chính sách theo Nghị quyết 30a cao nhất cả nước. Nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, Đảng, Nhà nước vẫn quan tâm, ưu tiên giải quyết các chính sách đảm bảo an sinh xã hội; các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đã chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cho đồng bào các dân tộc được thụ hưởng đúng chế độ, định mức ưu đãi của Nhà nước. Do đó, cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã cơ bản ổn định, tạo được niềm tin tưởng, phấn khởi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói, giảm nghèo cùng cả nước nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang nói riêng.
Ý kiến bạn đọc