Để người dân có Tết an lành
HGĐT - Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, nhà nhà lại được đón một năm mới thật sung túc, an lành mà trong đó thực phẩm cũng là một trong những thứ không thể thiếu được. Từ chai rượu, gói mứt, hộp trà, bánh kẹo, mâm ngũ quả... để cúng gia tiên của mỗi gia đình cho đến những thực phẩm được chế biến sẵn hay tươi sống như thịt, rau, củ, quả các loại được các gia đình lựa chọn để chuẩn bị cho bữa cơm sum họp đầu năm cũng như trong mấy ngày Tết.
Ai cũng muốn sắm sửa thật chu đáo và rất cẩn thận lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phải khẳng định rằng, nhờ tuyên truyền tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng nên phần lớn người tiêu dùng đã biết lựa chọn những thực phẩm đảm bảo đủ điều kiện VSATTP như: Thực phẩm có địa chỉ tin cậy; cơ sở sản xuất, đóng gói, chế biến thực phẩm, nhãn mác trên bao bì rõ ràng và phải có đầy đủ thông tin như ngày sản xuất, hạn sử dụng, các thành phần, hàm lượng... Song, những người biết cách lựa chọn những thực phẩm an toàn ấy lại thường ở thành phố hay thị trấn các huyện, các chợ trung tâm... Còn đối với các phiên chợ vùng cao thì việc đảm bảo chất lượng VSATTP là rất khó khăn. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết ở các phiên chợ vùng cao thường một tuần chỉ có một lần, cùng lắm là 2 lần. Đây cũng là dịp để người dân đi chợ mua thực phẩm cho cả nhà trong một tuần. Có thể chỉ là một cân mỡ, cân muối, ít thịt, vài lạng cá mắm... họ không quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn thực phẩm mà chỉ nghĩ rằng mua thực phẩm làm sao cho phù hợp với túi tiền của mỗi gia đình và quan trọng là họ vẫn dùng những thực phẩm ấy quen rồi, không cần phải để ý đến các yêu cầu về nhãn mác, hạn sử dụng... Theo nhận định chung cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đều chấp hành tốt các quy định về VSATTP. Tuy nhiên, việc quản lý và giám sát nguồn thực phẩm ở vùng sâu, vùng xa, nhất là điều kiện vệ sinh ở các chợ phần lớn không đảm bảo, nhất là trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các thực phẩm được bày bán ở đây hầu như không có nhãn mác, không có hạn sử dụng và được bán với giá rẻ. Nguyên nhân chính là do nhu cầu lợi nhuận của một số cá nhân chưa nghiêm túc thực hiện tốt công tác VSATTP và cũng do nhu cầu của người dân, muốn mua hàng với giá rẻ. Chính từ nhận thức ấy đã dẫn đến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra trong những năm vừa qua trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân gây ngộ độc gặp nhiều nhất là do độc tố tự nhiên, tiếp đến là do thực phẩm hư hỏng...
Một số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh chăn nuôi, chuẩn bị thực phẩm bán ra thị trường trong những ngày Tết. Ảnh: ĐỨC HIẾU
Trước tình hình trên, hàng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán, Ban chỉ đạo VSATTP của tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm VSATTP, đề ra những nhiệm vụ cấp bách về VSATTP và giao cụ thể cho các ngành thành viên triển khai các nhiệm vụ liên quan về VSATTP. Trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền giáo dục các kiến thức về VSATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ bán hàng và thực hiện truyền thông trực tiếp đến cụm xã, vùng sâu vùng xa, những nơi có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm. Với chức năng là đầu mối của mọi hoạt động về bảo đảm chất lượng VSATTP, Sở Y tế phối hợp với các ban, ngành chức năng trong toàn tỉnh tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cơ sở dịch vụ ăn uống, các bếp ăn tập thể, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với những cơ sở vi phạm pháp luật về đảm bảo VSATTP...
Để nhân dân yên tâm mua và lựa chọn được thực phẩm đảm bảo chất lượng trong những ngày Tết, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể và phân công cán bộ trực để kịp thời xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp Tết. Trong đó chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, đóng gói, kinh doanh thực phẩm ở cả tuyến tỉnh và tuyến huyện, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm về VSATTP.
Ý kiến bạn đọc