Ký ức một thời
HGĐT- Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, có biết bao lớp người một thời gắn bó, cống hiến cho mảnh đất Mèo Vạc. Những năm tháng gian khổ trên miền đá tai mèo đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong ký ức nhiều người. Đặc biệt là những năm tháng đầu tiên xây dựng nền móng của huyện đá biên cương này...
Tuổi trẻ hôm nay bên tấm bia đá ghi lại những con số ý nghĩa của đường Hạnh Phúc năm xưa.
Trong căn nhà nhỏ ở điểm khởi đầu con đường Hạnh Phúc, phường Quang Trung, TPHG, ông Sùng Tài Dùng năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng vẫn nhớ rõ về một thời ở Mèo Vạc. Cuối năm 1962, khi ông đang là Phó Ban chỉ huy công trường mở đường Hạnh Phúc, huyện Đồng Văn được T.Ư chia tách thành 3 huyện là Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Ông Dùng với ông Đặng Việt Hải, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cũ được cấp ủy điều sang xây dựng nền móng cho huyện Mèo Vạc. Ông Dùng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện giữa muôn vàn gian khó. Ông kể, ngày mới về Mèo Vạc, cái thuận lợi với ông ở đây đa phần là đồng bào Mông, còn lại UBHC huyện lúc bấy giờ chỉ có vẻn vẹn 5 người. Cả Huyện ủy, Ủy ban chưa có nhà làm việc. Uỷ ban hành chính được bố trí ở một ngôi nhà trình tường ngói máng 2 tầng, 3 gian, còn Huyện ủy được bố trí ở làm việc ở tại một ngôi nhà mua lại của dân.
Ông Sùng Tài Dùng hồi tưởng, bấy giờ huyện Mèo Vạc là nơi nghèo khó nhất tỉnh. Xã Mèo Vạc lác đác nhà cửa và chỉ có điểm nổi bật một đoạn gọi là phố với 1 ngôi nhà ngói xây 2 tầng và khoảng chục căn nhà gỗ. Người dân Mèo Vạc bấy giờ còn trồng rất nhiều thuốc phiện. Cứ đến tháng 3, ở xã Mèo Vạc bát ngát hoa thuốc phiện, để sau này trong cuộc vận động bỏ trồng loại cây này, nhà văn Nguyên Ngọc khi trải nghiệm ở Mèo Vạc đã viết tác phẩm “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng”. Sau khi tiễu phỉ xong, Mèo Vạc vẫn chưa có đường đi lại mà chỉ có con đường mòn ngựa đi mở từ thời Pháp thuộc vượt qua Mã Pì Lèng, Lũng Pù, đi Khâu Vai rồi qua Bảo Lạc (Cao Bằng). Số đảng viên toàn huyện rất ít và còn yếu. Vì thế, công cuộc gây dựng nền móng ban đầu vừa phải tập trung phát triển KT – XH, vừa phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trong hoàn cảnh khó khăn, đã có những câu chuyện trở thành... giai thoại. Ông Dùng kể lại, những ngày đầu xây dựng huyện, trong một lần sang thăm ngoại giao với huyện Phú Ninh (Trung Quốc), chứng kiến cơ sở vật chất của bạn khang trang, ông buột một câu nửa đùa, nửa thật “Các bạn xây dựng được nhiều quá, liệu có giúp huyện Mèo Vạc xây dựng trụ sở làm việc được không!?”, thật bất ngờ, Bí thư huyện bạn đã đồng ý ngay với điều kiện huyện Mèo Vạc phải thông qua Tỉnh ủy và T.Ư. Thế là mọi chuyện suôn sẻ, phía bạn cử 26 cán bộ, công nhân sang Mèo Vạc làm trong vòng 1 năm xong 2 nhà mà ngày nay vẫn còn chứng tích gồm nhà Ủy ban 2 tầng 10 gian và nhà 1 tầng 12 gian. Làm xong nhà trụ sở huyện, con đường Hạnh Phúc gian khổ cũng thông đến tận xã Mèo Vạc, đồng bào các dân tộc hoan hỉ lắm. Đoàn lãnh đạo của Khu ủy Việt Bắc lên thăm cứ tấm tắc khen Mèo Vạc khang trang quá và đề nghị các huyện nên học tập kinh nghiệm của Mèo Vạc.
Ông Dùng nhớ lại, trong tầm nhìn của huyện khi ấy, có những cái cần phải bắt tay vào ngay như phải làm thủy lợi, mở đường thì mới mong dân có cơ hội vươn lên. Vì thế, Mèo Vạc cũng là huyện đầu tiên của tỉnh làm đường đi biên giới. Quãng thời gian khoảng từ 1967 – 1979, đã có những con đường được làm từ Mèo Vạc đi Lũng Pù, Mèo Vạc - Lũng Phìn, Mèo Vạc - Xín Cái... Trong những cái tiên phong, Mèo Vạc cũng là nơi khởi nguồn của ý tưởng phát triển rừng với nhiều ý nghĩa cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển của huyện. Ông Dùng tâm sự, thập kỷ 70, thấy sự cần thiết phải trồng rừng, ông đã đề xuất tỉnh xin với T.Ư triển khai dự án trồng rừng tại Mèo Vạc. “Dự án” này sau đó đã không chỉ được triển khai ở Mèo Vạc mà còn được thực hiện ở 6 huyện biên giới, gồm 4 huyện vùng cao núi đá, 2 huyện núi đất phía Tây của tỉnh. Nhiều xã ở Mèo Vạc giờ vẫn còn những cây thông, sa mộc được trồng từ thời ông Dùng ở Lũng Pù, Pải Lủng, cây sở ở khu vực đường Mèo Vạc đi Tả Lủng... Đi giữa tiếng reo của những cây thông, sa mộc còn lại cho đến ngày nay, dường như vẫn còn văng vẳng đâu đây tiếng ông Dùng và nhiều cán bộ huyện, xã hô loa gọi bà con đi trồng rừng “vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” như lời Bác Hồ dạy.
Nhìn thấy cái khô hạn, cái khát của miền đất này đã bao đời kiềm chế sự phát triển. Vì thế, dù bước đầu còn khó khăn, nhưng huyện Mèo Vạc đã nỗ lực huy động được hàng chục ngàn ngày công của nhân dân tham gia tu sửa, làm mới các tuyến thủy lợi, đường dẫn nước sinh hoạt, bể chứa nước tại trung tâm huyện và các xã. Khi nghe đến việc làm bể tích nước ở nhiều xã như Lũng Chinh, Sủng Trà, Sủng Máng, xã Mèo Vạc từ những năm 60 của thế kỷ trước, mới thấy dường như ý tưởng “hồ treo” đã có từ thời đó rồi. Không chỉ có những dấu ấn ấy, có một điều mà ai cũng nhận thấy khi đến Mèo Vạc, đó là Tượng đài Hồ Chủ tịch được đặt trang nghiêm giữa thị trấn như khẳng định niềm tin sắt son nơi biên cương mà đồng bào các dân tộc huyện Mèo Vạc dành cho Đảng và con đường xây dựng CNXH.
Qua nửa thế kỷ trường kỳ, từ miền đá Mèo Vạc, có rất nhiều cán bộ đã trưởng thành từ thực tiễn và sự gian khổ nơi đây như các đồng chí Dương Minh Chương, Nguyễn Trung Tài, Thào Hồng Sơn, cùng nhiều đồng chí khác. Và với riêng ông Sùng Tài Dùng,năm 1979, sau khi thôi làm Bí thư Huyện ủy, ông đã trở thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên. Sau nhiều năm nghỉ chế độ, mỗi lần ông được quay trở lại với Mèo Vạc là một lần ngạc nhiên về sự đổi mới của diện mạo nơi đây. Ông Dùng khẳng định, trong vài năm qua, Mèo Vạc đổi thay khá mạnh, huyện lỵ giờ lộng lẫy quá. Không chỉ đổi thay về kinh tế, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã có sự phát triển vững chắc. Đặc biệt, thế hệ lãnh đạo hiện nay là những người được đào tạo bài bản, có trình độ cao, có sức trẻ, dám nghĩ, dám làm, đó là những điều hết sức cần thiết với một địa bàn còn nhiều khó khăn như Mèo Vạc.
Ý kiến bạn đọc