“Không gian xanh” trên miền đá
HGĐT- Nếu như trước đây, cứ mỗi khi mùa đông về, bao trùm trên những ngọn núi đá đặc trưng nơi miền sơn cước này chỉ là sương mù dày đặc và một màu xám lạnh. Thì nay, từ khi người dân xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) biết và hiểu được lợi ích từ rừng, tích cực tham gia công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất và trồng cỏ chăn nuôi đã thực sự tạo ra một “sức sống mới” trên vùng đá tai mèo. Màu xanh của núi rừng hiện hữu không chỉ góp phần đảm bảo đời sống nhân dân mà nó còn làm giảm đi cảm giác lạnh lẽo, hoang vu mỗi dịp đặt chân đến nơi đây.
Người dân Cán Chu Phìn thường xuyên kiểm tra, chăm sóc rừng của gia đình.
Cán Chu Phìn là một trong những xã không có sông, suối chảy qua nên hầu hết các năm đều thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Chính vì vậy mà đời sống của 988 hộ dân trong xã luôn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, trước đây người dân thường tự ý chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, gây cháy rừng và hủy hoại môi trường sinh thái. Trong khi đó diện tích rừng tự nhiên lại ít nên hầu hết các ngọn núi đều ở dạng đồi núi trọc. Thế nhưng, do sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền, đặc biệt xã Cán Chu Phìn đã có giải pháp hữu hiệu kết hợp với công tác vận động, tuyên truyền đã phát huy hiệu quả trong toàn thể nhân dân, tạo ra chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ rừng. Đến nay, có thể coi Cán Chu Phìn là một “không gian xanh” trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy xã Cán Chu Phìn phấn khởi: “Có được kết quả này là do chính quyền và nhân dân trong xã đã đoàn kết vượt qua khó khăn, nhất là khi bà con hiểu được lợi ích từ rừng mang lại. Nhưng chắc chắn một điều rằng, hương ước, quy ước ở mỗi thôn, xóm được thực hiện một cách nghiêm túc là yếu tố quyết định dựa trên nền tảng ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao”. Qua cách làm của xã trong việc thành lập các ban chỉ đạo, giám sát, phân công các thành viên kết hợp với các ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng có thể nhận thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức từ phía người dân. Đặc biệt là thống nhất từ xã đến xóm, đưa ra quy ước nếu ai chặt một cây trong phạm vi khoanh nuôi, bảo vệ sẽ bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, người phát hiện, tố giác cũng được nhận một khoản tiền thưởng. Bằng những việc làm đó, người dân trong xã đã nhiệt tình tham gia, tạo thành một phong trào rộng khắp. Chính vì vậy mà diện tích rừng được che phủ không ngừng tăng lên mỗi năm, hiện nay độ che phủ rừng của xã đã đạt 39,3%.
Để duy trì và phát huy hiệu quả như hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã luôn thực hiện tốt công tác cấp, phát tiền, gạo hỗ trợ cho nhân dân tham gia khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Đồng thời phối hợp với Dự án Đầu tư bảo vệ và phát triển rừng huyện hoàn thành công tác giải ngân kịp thời, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, khiếu nại trong nhân dân. Điều đó đã tạo dựng được lòng tin và góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong nhân dân. Anh Thào Sái Nô, thôn Há Dấu Cò cho biết: “Từ khi xã chỉ đạo và người dân đồng ý làm theo quy ước thì không ai dám chặt phá rừng nữa. Mọi người trong xóm chia nhau diện tích rừng để khoanh nuôi. Bây giờ để cây cối phát triển tự nhiên và chỉ chặt những cành khô về làm củi. Hàng ngày các gia đình thường vào khu rừng của mình để kiểm tra và chăm sóc. Hiện tại, những diện tích đồi, núi trống được bà con trồng mới hết rồi. Nhà nào trong thôn cũng tham gia bảo vệ rừng vànhận được hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống cũng tốt hơn”.
Qua thực tế cho thấy, hiệu quả trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng những năm qua ở xã Cán Chu Phìn không chỉ làm cho đời sống của nhân dân được nâng cao, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, AN – QP được giữ vững. Hơn thế nữa là môi trường sinh thái đang từng bước được cải thiện, góp phần mang lại một không gian xanh cho vùng cao nguyên núi đá.
Ý kiến bạn đọc