Khó khăn trong giải quyết việc làm cho lao động ở thành phố Hà Giang

15:07, 30/10/2012

HGĐT- Công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn, đặc biệt là ở các xãngoại thành được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Giang trong thời gian qua. Chính vì vậy, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố đã rất quan tâm tới vấn đề này. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến bước đầu, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.



Giáo viên Trung tâm dạy nghề thành phố hướng dẫn bà con nông dân (thôn Tha, xã Phương Độ, TPHG) đo đoán tuổi của trâu để lựa chọn con giống tốt.


Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Giang có 30.000 người đang trong độ tuổi lao động (chiếm gần 50% tổng dân số). Vì vậy, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn luôn được thành phố và các ngành chức năng quan tâm. Hàng năm thành phố đã tập trung cho đầu tư phát triển, ban hành nhiều chính sách, tạo cơ chế thuận lợi, nhằm thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển sản xuất. Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ngày một tăng, tạo ra nhiều việc làm mới, đời sống của người dân nói chung và người lao động được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết cơ bản vấn đề việc làm của địa phương. Hoạt động đào tạo nghề cũng đạt được những kết quả khả quan, lao động qua đào tạo có những chuyển biến tích cực về chất lượng và số lượng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của thành phố. Mỗi năm thành phố cũng tạo việc làm mới cho khoảng 1,5 nghìn lao động.


Trong điều kiện các dự án, công trình, nhà máy có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố không nhiều thì đây là sự cố gắng rất lớn. Theo đề án, để giải bài toán về lao động việc làm, thành phố vận dụng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả như dạy nghề, hỗ trợ người lao động vốn để sản xuất, kinh doanh, tìm nguồn tuyển dụng lao động, xuất khẩu lao động. Với lực lượng nòng cốt là Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội; Trung tâm dạy nghề cùng với các trường dạy nghề trên địa bàn; Trung tâm Khuyến nông và các đoàn thể quần chúng như: Hội Phụ nữ; Đoàn Thanh niên; Hội Nông dân... cùng nhau vào cuộc nhờ vậy mà từ đầu năm đến nay, thành phố đã trực tiếp hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình vay vốn từ quỹ Quốc gia về hỗ trợ việc làm với tổng số tiền lên tới hơn 7 tỷ đồng; tổ chức mở 18 lớp đào tạo nghề ngắn hạn tại các xã, phường thu hút gần 643 học viên tham gia. Qua các chương trình vay vốn giải quyết việc làm, dạy nghề cho người lao động, triển khai các chương trình, dự án đã tạo việc làm mới cho 1.380 lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn và đi làm việc tại các tỉnh bạn.

 

Kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố thời gian qua thật sự là một sự cố gắng, nỗ lực thể hiện sự quan tâm của thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề lao động và việc làm trên địa bàn thành phố vẫn còn những khó khăn nhất định như: Cấp uỷ, chính quyền một số xã, phường chưa thật sự quan tâm về công tác đào tạo nghê, giải quyết việc làm hoặc có triển khai chỉ mang tính chất chiếu lệ, thông tin đến với người lao động chậm; trình độ học vấn của người lao động còn thấp, nhất là người dân ở các thôn vùng cao nên công tác dạy nghề gặp khó khăn, phương pháp đào tạo nghề hiện nay chủ yếu là cầm tay chỉ việc và không có nhiều cơ hội tìm việc ở các lĩnh vực đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Vấn đề vốn, hệ thống cơ sở dạy nghề trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu về đào tạo, mức lương thấp; một số ngành nghề mang tính chất thời vụ... và người lao động được đào tạo nghề vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào việc được bố trí sắp xếp việc làm mà chưa chủ động tìm việc đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố. Theo thống kê, hiện nay thành phố có hơn 1.200 lao động không có việc làm, trong đó số lao động thiếu việc làm trong 1 năm là 601 người, chiếm 47,4%; thiếu việc làm từ 6 tháng trở lên, không có thu nhập là 666 người, chiếm 52,6%. Số lao động thiếu việc làm chủ yếu chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, trình độ văn hóa thấp, đa phần là lao động phổ thông. Trung tâm dạy nghề thành phố cũng đang gặp khó khăn như cơ sở, trang thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề phi nông nghiệp, trong khi đó nhận thức của người dân về học nghề chưa cao, chưa mặn mà với việc học nghề; một số chính quyền địa phương chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân theo học nghề để chuyển đổi cơ cấu lao động, đôi khi một số nơi học theo phong trào, không sát với thực tế, không phù hợp với khả năng điều kiện sản xuất. Vấn đề này thể hiện ở một số lĩnh vực rất đơn thuần nhưng khó áp dụng được các quy trình kỹ thuật tiên tiến tại hộ gia đình như yêu cầu về thâm canh lúa lai, chăn nuôi lợn thịt hàng hoá, trồng rừng kinh tế...

 

Để khắc phục những hạn chế này, trong thời gian tới thành phố tập trung đào tạo nghề dựa trên định hướng phát triển của địa phương và theo nhu cầu của người lao động trên từng xã, phường. Trong đó nhấn mạnh tới mục tiêu trung bình mỗi năm giải quyết cho khoảng 1.500 lao động trở lên; gắn đào đạo nghề cho người lao động với giải quyết việc làm; mở rộng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung đào tạo một số ngành nghề mà thị trường lao động đang có nhu cầu. Tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có khả năng tạo ra nhiều việc làm mới; cùng với đó là liên kết chặt chẽ với các đơn vị, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho người lao động một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Vấn đề quan trọng là người lao động phải nhận thức sâu sắc trong việc tự đào tạo và nâng cao tay nghề, chủ động tìm kiếm việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp... Để tận dụng được nguồn nhân lực, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển KT-XH của thành phố là vấn đề khó, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ mới giải quyết được tình trạng này.


TRẦN HIỀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cơm 5.000 đồng cho người nghèo Hà Nội
Hà Nội trở lạnh và mưa rả rích, nhưng những tình nguyện viên áo vàng với chiếc tạp dề quen thuộc vẫn xuất hiện đúng giờ.
30/10/2012
Khẩn trương tìm kiếm 23 người mất tích do bão số 8
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các địa phương khẩn trương tìm kiếm người bị mất tích do bão số 8.
30/10/2012
Đoàn giúp thanh niên nông thôn làm giàu
Nhờ Đoàn giúp vay vốn, dạy nghề, nhiều thanh niên (TN) nông thôn thoát nghèo, vươn lên lập nghiệp và làm giàu.
29/10/2012
Làm thế nào để thoát khỏi ngôi nhà bị cháy?
HGĐT- Mỗi năm, có hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy sau những vụ cháy. Tuy nhiên, nhiều người đã bị chết trong các vụ cháy ấy đáng lẽ ra đã có thể sống sót và thoát khỏi đám cháy an toàn nếu họ có sẵn kế hoạch đối phó với đám cháy.
26/10/2012
kinh nghiệm xuất khẩu lao động nhật Khám phá việc làm tphcm tạo cv online nhanh chỉ 5 phútCách tìm việc chất lượng tại VietnamWorks