Hoàng Su Phì chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ cơ sở
HGĐT- “Huyện tiếp tục lựa chọn những cán bộ có trình độ, năng lực công tác, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh thuộc các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp huyện tăng cường, luân chuyển xuống xã, thị trấn. Đồng thời tăng cường, luân chuyển cán bộ xã, thị trấn xuống thôn bản, tổ dân phố”. Đồng chí Nguyễn Văn Mão, Bí thư Huyện uỷ Hoàng Su Phì chia sẻ như vậy tại buổi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 14/1999 của BTV Tỉnh uỷ trên địa bàn huyện.
Cán bộ là cái gốc của sự phát triển. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác cán bộ, nên ngay khi có Nghị quyết 14 của BTV Tỉnh uỷ khoá XII tăng cường cán bộ về cơ sở, Hoàng Su Phì đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chủ trương trên. Để chủ trương lớn được triển khai hiệu quả, ngay từ khi mới bắt tay thực hiện, huyện đã xây dựng kế hoạch đón cán bộ về huyện, tổ chức gặp mặt, giao nhiệm vụ cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn và cán bộ tăng cường, luân chuyển xuống cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí đảm bảo cơ sở vật chất, phòng làm việc, nơi ăn nghỉ cho cán bộ theo điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Khi cán bộ về cơ sở, các địa phương đã bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, chính quyền, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ theo chức danh được tăng cường, luân chuyển; chỉ đạo các cấp, ngành và nhân dân làm tốt công tác động viên, phối hợp để cán bộ yên tâm công tác. Đồng thời, các địa phương còn tạo điều kiện giúp cán bộ tăng cường, luân chuyển, tri thức trẻ gặp gỡ, tiếp xúc với các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và nhân dân nhằm nắm bắt tình hình KT-XH, QP-AN, phong tục tập quán, tâm tư nguyện vọng... Qua đó, giúp họ nhanh chóng bắt nhịp, hòa nhập với điều kiện thực tế, môi trường sống và làm việc ở cơ sở.
Qua 10 năm thực hiện chủ trương tăng cường, luân chuyển, hợp đồng tri thức trẻ làm việc tại xã, thị trấn, Hoàng Su Phì đã tổ chức được 5 đợt với 40 cán bộ, trong đó có 28 đồng chí là cấp phó phòng ban, ngành, 12 chuyên viên thuộc các sở, ban, ngành của tỉnh giữ chức vụ chủ chốt ở cơ sở; 77 cán bộ các phòng ban, cấp huyện tăng cường, luân chuyển về cơ sở. Từ năm 2002 đến nay, huyện tổ chức được 6 đợt với 77 tri thức trẻ về các xã, thị trấn đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã về lĩnh vực phát triển KT-XH.
Theo nhận xét của nhiều lãnh đạo xã, thị trấn thì cán bộ tăng cường, luân chuyển, tri thức trẻ được đào tạo bài bản, cùng với lòng nhiệt huyết, họ đã giải quyết hiệu quả nhiều việc ở cơ sở, liên quan trực tiếp đến sự phát triển ở địa phương, xây dựng các mô hình đưa giống cây trồng mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như mô hình trồng bắp cải, xu hào, bí xanh, giống lúa Khang ưu 63, đậu tương DT84, trồng rừng, canh tác trên đất dốc, trồng cỏ chăn nuôi. Từ những mô hình thí điểm đó, người dân tích cực tham gia và đã phát huy hiệu quả thiết thực trong XĐGN, nâng cao trình độ dân trí. Thông qua vai trò của cán bộ tăng cường, luân chuyên, tri thức trẻ, công tác đoàn kết tập hợp phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên, Hội LHPN ngày càng được mở rộng, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia, góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xóa thôn bản trắng không có chi bộ và đảng viên.
Một hình thức luân chuyển được đánh giá mang lại hiệu quả cao đó là việc đưa cán bộ xã, thị trấn lên huyện học việc. Từ năm 2002 đến nay, huyện tổ chức được 5 đợt với 93 cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang các xã, thị trấn lên huyện học việc. Thời gian học việc từ 4 - 6 tháng tại các Ban xây dựng Đảng, khối đoàn thể, cơ quan chuyên môn thuộc HĐND - UBND huyện, Công an, Quân sự... Qua thời gian học việc, các cán bộ cơ sở có sự chuyển biến rõ nét về tác phong, lề lối làm việc, nắm bắt nhiều kiến thức, kinh nghiệm giải quyết công việc của xã, thị trấn, cách giải quyết công việc kịp thời, khoa học hơn. Khi trở lại địa phương công tác, chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ tốt hơn so với trước khi lên huyện học việc.
Các đợt tăng cường, luân chuyển, đưa tri thức trẻ về cơ sở làm việc đã tạo hiệu ứng mạnh trên các lĩnh vực ở địa phương. Cụ thể, ở lĩnh vực xây dựng, củng cố phát triển tổ chức Đảng ở cơ sở, từ năm 1999 đến nay huyện đã quyết định nâng 7 chi bộ thành Đảng bộ xã, đưa 100% xã, thị trấn có Đảng bộ cơ sở; 100% thôn, bản có chi bộ Đảng; kết nạp được 2.176 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện lên 4.615 người, tăng so với thời điểm chưa có cán bộ tăng cường, luân chuyển là 2.205 đảng viên. Từ khi có cán bộ tăng cường, luân chuyển đến công tác tại các xã thị trấn, Đảng ủy địa phương đã bổ sung quy chế hoạt động của cấp ủy, phân công lại nhiệm vụ cho từng đồng chí trong cấp ủy, đồng thời kiện toàn cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ người địa phương đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực công tác; đổi mới tác phong lề lối làm việc của cấp ủy Đảng, từ đó năng lực lãnh đạo và chất lượng hoạt động của Đảng bộ xã, thị trấn, chi bộ thôn bản ngày càng được nâng cao.
Cán bộ về cơ sở ngoài thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong quá trình lãnh, chỉ đạo phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP ở địa phương, thông qua cách nghĩ, cách làm, việc triển khai ứng dụng KHKT, CNTT trong quản lý, điều hành của họ đã giúp đội ngũ cán bộ cơ sở là người địa phương hình thành được tư duy mới trong giải quyết công việc. Trên cơ sở thành công của việc tăng cường, luân chuyển cán bộ, huyện sẽ tiếp tục phát huy thành quả đó, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở chuyên nghiệp, khoa học, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc ở địa phương... Đó là quyết tâm lớn sẽ được huyện tiếp tục triển khai với mong muốn tạo ra đội ngũ cán bộ cơ sở làm việc chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.
Ý kiến bạn đọc